1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người dân đang khủng hoảng niềm tin vào sự an toàn thực phẩm

(Dân trí) - Hàng loạt thông tin thực phẩm không an toàn như nước uống có chất tạo đục DEHP, thịt bẩn, dầu ăn cặn… đang làm người tiêu dùng lo ngại. Các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm cũng lo người tiêu dùng sẽ khủng hoảng niềm tin đối với thực phẩm chế biến.

Ngày 23/9, tại hội thảo Công nghệ xanh và vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM cho biết ngành thực phẩm đang đối mặt với hàng loạt vụ việc tiêu cực, xuất hiện nhiều sản phẩm có chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa cho biết: “Vụ tệ nhất là melamine trong sữa, gần đây nhất là DEHP”.

Bác sĩ Đào Ty Tách, đại diện Hội Dinh dưỡng Việt Nam còn đề cập đến những “bê bối” khác như vụ chế biến thực phẩm bằng dầu phế thải mà cảnh sát môi trường phát hiện; thịt thối xâm nhập vào thành phố và lên bàn ăn của người tiêu dùng…

Người dân đang khủng hoảng niềm tin vào sự an toàn thực phẩm - 1
Một đợt vận chuyển thịt thối vào thành phố bị cơ quan chức năng phát hiện (ảnh: trạm KDĐV Thủ Đức)

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa thì thực trạng trên không chỉ khiến người tiêu dùng lo ngại mà cơ quan chức năng cũng rất đau đầu và đang ra sức hoàn thiện chính sách để bảo vệ người tiêu dùng.

Còn ông Yokomizo Munechika, Tổng giám đốc công ty TNHH nước giải khát Kirin Việt Nam, đại diện giới doanh nghiệp chế biến thực phẩm cho là tình hình trên rất nghiêm trọng, nó khiến người tiêu dùng hoang mang, lo ngại, khủng hoảng niềm tin vào các sản phẩm thực phẩm chế biến.

Ông Yokomizo Munechika cho rằng: “Những doanh nghiệp lớn, có sản phẩm uy tín lâu năm như chúng tôi có thể không bị ảnh hưởng nhưng những doanh nghiệp nhỏ, đang gây dựng thương hiệu thì sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn. Vì với tâm lý hoang mang, người tiêu dùng chỉ còn có cách gửi gắm niềm tin vào các doanh nghiệp uy tín lâu năm”.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa cho biết: “Thực tế thì các doanh nghiệp quy mô lớn đều làm ăn rất nghiêm chỉnh. Vì họ đầu tư lớn, họ không dại gì vì một món lợi mà đánh đổi uy tín mà mình gây dựng lâu nay. Nhưng các doanh nghiệp nhỏ lẻ lại khác, họ có thể vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả. Nếu xảy ra tai tiếng thì họ đóng cửa, mở doanh nghiệp khác”.

Ông lo ngại: “Nước ta chưa phát triển mạnh, loại hình kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún là rất nhiều, việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm ở đây là hết sức phức tạp. Khi chúng tôi kiểm tra, có địa điểm sản xuất thực phẩm mà không có gì hết, không đăng ký kinh doanh, không vệ sinh nhà xưởng…”.

Người dân đang khủng hoảng niềm tin vào sự an toàn thực phẩm - 2
Những vụ “bê bối” vừa qua khiến nhiều đơn vị chế biến thực phẩm, nước giải khát lao đao

Do vậy, các đại biểu tham gia hội thảo đều nhìn nhận phương án tối ưu nhất để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho bản thân là người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình, phải có kiến thức cơ bản để lựa chọn sản phẩm an toàn.

Về việc chọn sản phẩm an toàn, ông Huỳnh Lê Thái Hòa khuyên: “Sản phẩm phải có nhãn mác đầy đủ rõ ràng, bao bì kín, bày bán kinh doanh nơi đủ điều kiện và quan trọng là nên chọn những thương hiệu lớn. Như đã nói ở trên, các doanh nghiệp lớn không dại gì mà đánh đổi uy tín của mình vì một món lợi nhỏ. Nếu họ cố tình làm sai thì sớm muộn gì cũng chết. Một thương hiệu lớn mà bị người tiêu dùng quay lưng sẽ không thể tồn tại”.

Theo ông Hòa, người tiêu dùng có một quyền lực rất lớn, đó là “tẩy chay” sản phẩm. Bất cứ thương hiệu nào mà bị người tiêu dùng “tẩy chay” thì kể như đã chết. Do đó, điều ông lo ngại là các doanh nghiệp nhỏ lẻ, không có tên tuổi. Ông cũng cho biết hiện đơn vị của ông đang “nhìn chăm chăm” vào các doanh nghiệp nhỏ lẻ như thế này.

Người dân đang khủng hoảng niềm tin vào sự an toàn thực phẩm - 3
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa: “Người tiêu dùng có quyền lực rất lớn”

Ông Kadowaki Hiroshi, một kỹ sư trưởng nhà máy sản xuất nước giải khát của Nhật Bản, bổ sung: “Khi chọn sản phẩm uy tín, ngoài các chỉ số thành phần được in rõ trên nhãn mác nên dựa vào các chỉ tiêu đánh giá chất lượng của bên thứ 3 đối với sản phẩm. Đó là các chứng nhận chất lượng ISO, HACCP… Nếu chọn nước uống thì dung dịch trong nước uống phải luôn luôn không thay đổi màu sắc qua thời gian dài”.

Ngoài ra, theo bác sĩ Đào Ty Tách, trong tình hình sản phẩm công nghiệp ngày càng thâm nhập sâu vào đời sống, người tiêu dùng tốt nhất nên cân đối bữa ăn của mình, dùng càng nhiều sản phẩm tự nhiên càng tốt, ít nhất là các loại thực phẩm, nước uống phải chiết xuất từ thực phẩm tự nhiên.

Tùng Nguyên