Người dân Đà Nẵng thi nhau bịt miệng cống

Nguyên nhân là vì trong những ngày nắng nóng, hàng trăm hố thu nước dọc theo các tuyến phố chính như Hùng Vương, Hải Phòng, Ông Ích Khiêm, Lê Duẩn... đã bốc mùi xú uế xộc thẳng vào mũi người đi đường.

Cũng như bao gia đình có nhà mặt tiền, gia đình bà Thìn trên đường Ông Ích Khiêm đã tỏ ra ngán ngẩm khi ngay trước mặt nhà bà, người ta đặt một hệ thống cống thu gom nước thải. “Ban đầu không thấy mùi hôi gì cả nhưng gần đây quả là không chịu nổi” - bà nói.

Mùi hôi thối bốc lên từ lòng cống đã khiến cả một khu phố “chết chìm” trong ô nhiễm, nhất là những ngày nắng nóng. Không sao thở nổi, cuối cùng bà Thìn chỉ còn cách dùng bao bố đắp kín miệng cống. “Nhưng chỉ được một thời gian, cuối cùng mùi xú uế vẫn xộc lên”, bà Thìn lắc đầu.

Quán cà phê “cóc” nằm trên đường Lê Duẩn của bà Lộc dù đã dùng đến hai lớp nilông chèn chặt miệng cống, nhưng khách uống cà phê cứ hễ kéo ghế ngồi xuống là lập tức đứng dậy: “Hôi quá, đi chỗ khác uống vậy”.

Bà Lộc than: “Hơn một tháng nay việc kinh doanh buôn bán chẳng ra gì. Tất cả tai hại đều từ cái miệng cống mà ra”. Chính vì lý do đó mà trên các tuyến phố chính của Đà Nẵng, người ta đã thi nhau bịt miệng cống bằng đủ cách; người dùng bao nilông, kẻ lấy phao, tôn chắn...

Tại khu vực ngã ba đường Hải Phòng và Hoàng Hoa Thám - đối diện ga Đà Nẵng, để chống mùi hôi, nhiều hộ dân đã dùng phao, xốp cắt nhỏ chèn vào những khe hở, sau đó quét một lớp mỏng nhựa đường lên.

Nhưng cũng chỉ được một thời gian đầu. Cuối cùng nhiều hộ dân phải đi mua tấm vải bạt lớn căng ra rồi dùng đinh ghim thẳng xuống mặt đường. Có gia đình mua luôn cả nẹp gỗ rồi dùng khoan bêtông bắt thẳng vào vỉa hè. “Vậy mà cũng còn hôi. Hết chịu nổi”, một người dân sống tại đây than thở.

“Theo thiết kế, toàn bộ bên trong các cửa thu gom nước thải đều phải có một lượng nước nhất định để ngăn mùi hôi thối trong lòng cống bốc ngược lên mặt đường, nhất là vào mùa nắng. Nguyên lý là vậy.

Thế nhưng thời gian qua do nắng nóng gay gắt, lại kéo dài suốt cả tháng nay nên nhiều hố thu nước đã bị cạn kiệt. Vì thế chức năng ngăn mùi hôi bằng mặt nước đã bị vô hiệu hóa”, ông Phạm Phúc - phó Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng, đơn vị chủ đầu tư dự án thoát nước và vệ sinh TP Đà Nẵng - cho biết.

Ông Nguyễn Tấn Liên - trưởng Ban dự án thoát nước và vệ sinh TP Đà Nẵng, giải thích: “Trên các tuyến phố thì bình quân khoảng 25m lại có một hố thu nước. Toàn bộ hố thu đều được lắp đặt một hệ thống ngăn mùi hôi và chúng chỉ phát huy tác dụng khi có đủ nước”.

Ông Liên nói: “Chúng tôi sẽ bàn với Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng về việc dùng xe tưới đường để tiếp nước cho các hố cống. Trước mắt người dân có thể xách nước đổ vào hố cống để hạn chế mùi hôi”. Thế nhưng nhiều người dân khi nghe đề xuất này đã cho rằng “bao nhiêu nước cho đủ để đổ vào những miệng cống như thế”.

Ông Phạm Minh Thắng - giám đốc Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng - cho rằng: “Việc dùng xe rửa đường để tưới nước vào các hố cống phải có kế hoạch cụ thể, chứ không thể hôm nay nói ngày mai làm ngay được. Chuyện đó nằm ngoài khả năng của đơn vị”. Cũng theo ông Thắng, toàn bộ hệ thống cống nằm trong dự án thoát nước và vệ sinh TP chưa được phía chủ đầu tư bàn giao nên đơn vị không hiểu rõ cách vận hành dự án.

Theo An Hạ - Hồng Uyên
Tuổi Trẻ