1. Dòng sự kiện:
  2. Quốc hội họp bất thường lần thứ 9
  3. Metro số 1 TPHCM

Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng:

Người dân cần bản lĩnh dám đổi mới của Đảng

(Dân trí) - Dự thảo báo cáo chính trị sẽ trình Đại hội lần thứ 10 được đưa ra lấy ý kiến nhân dân và đảng viên đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Câu hỏi được đặt ra là: “Liệu Đảng có tiếp tục bản lĩnh đổi mới?” Dân trí xin giới thiệu bài góp ý vào dự thảo của CTV Minh Tuấn từ Tokyo.

Ông Đào Duy Quát, Phó trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương đã có giải thích về hướng dẫn của Ban Bí thư về đợt lấy ý kiến lần này: “Đối với các ý kiến thiểu số, chúng ta không được định kiến, không được chụp mũ, bởi trên thực tế, có những ý kiến lúc này là thiểu số, nhưng qua kiểm nghiệm của thực tiễn đã được khẳng định là đúng đắn.

Đảng và nhà nước đã nhiều lần lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho các văn kiện lớn của đất nước. Như 4 lần xây dựng 4 hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992 đều có lấy ý kiến nhân dân đóng góp. Hầu hết các đạo luật trước khi được quốc hội thông qua cũng được tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp. Hoặc sau đại hội 6 của đảng về đổi mới năm 1986, nhiều nghị quyết của các hội nghị của đảng khóa 6 đã được đưa ra lấy ý kiến nhân dân trước khi đảng quyết định.

Đã đến lúc chúng ta nên định kỳ một thời gian nhất định để tổ chức trao đổi, thảo luận lại về một vấn đề nào đó để có được kết luận chính xác khoa học, bởi không phải lúc nào đa số cũng đúng”. Đây là ý kiến thật sự đổi mới, chưa bao giờ được công khai nói rõ như thế này.

Nên đổi mới ngay từ cách viết báo cáo

Tôi đã in ra giấy dự thảo BCCT từ trang web của báo chí trong nước, được 24 trang giấy khổ A4, nhưng dày đặc chữ, khoảng 1.200 chữ 1 trang. Nếu với cỡ chữ bình thường, sáng sủa, dễ đọc, thì 1 trang giấy A4 có khoảng 600 chữ là vừa. Một bản báo cáo quá dài và nội dung không có gì mới lắm, thì khi trình bày, sẽ dễ có nhiều người nghe ngủ gật. Như thế sẽ không đạt yêu cầu cho việc trình bày một bản báo cáo, nhất là báo cáo quan trọng của Đảng.

Theo tôi lần này Đảng nên đổi mới ngay từ cách viết báo cáo, nên ngắn gọn lại, đưa ra một số các nhận định và giải pháp lớn, còn lại sẽ là công việc của Chính phủ, vì Đảng không làm thay Chính phủ.

Tổng kết 20 năm đổi mới

Cách đây 20 năm, đại hội 6 của Đảng đã quyết định đường lối “đổi mới”, nhờ đó đã đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng, kinh tế tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được tăng lên.

Thực chất của 20 năm đổi mới là gì? Là hệ thống chính trị vẫn chính trị giữ vững, nhưng kinh tế đã vận hành theo cơ chế thị trường.

Trước đổi mới, nước ta đã thực hiện theo đúng chủ nghĩa Mác-Lênin, đó là quốc hữu hóa, cải tạo xóa bỏ kinh tế tư nhân, chỉ có kinh tế nhà nước và hợp tác xã, thực hiện kế hoạch tập trung, thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp, xóa bỏ thị trường tự do, giá cả được điều tiết theo mệnh lệnh của nhà nước, không phải theo thị trường... Kết quả là cả đất nước nghèo đói, sống bằng sổ gạo, tem phiếu, đi xin viện trợ nước ngoài.

Đại hội 6 quyết định đổi mới, kinh tế thị trường được hoạt động, kinh tế tư nhân được khôi phục, giá cả nói chung được tự do, kế hoạch hóa tập trung quan liêu bị xóa bỏ, nông dân được tự chủ, đầu tư nước ngoài được cho phép, thị trường chứng khoán được thiết lập, công ty nhà nước được cổ phần hóa… Kết quả là kinh tế tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện một bước, an ninh chính chị được giữ vững. Thực chất bài học của 20 năm đổi mới là bài học “hãy cởi trói”.

Nước ta đổi mới trong bối cảnh các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, Liên Xô - thành trì của CNXH cũng sụp đổ. Đảng cũng nên tổng kết vì sao các nước XHCN đó sụp đổ, và tình hình của các nước đó giờ đây như thế nào sau khi từ bỏ học thuyết Mác-Lênin. Bởi vì với sự phát triển của Internet hiện nay và với sự ngày càng cởi mở, dân chủ hơn, thông tin về thế giới bên ngoài đến với người Việt ở trong nước không còn khó như ngày xưa nữa.

Hungary sau khi từ bỏ CNXH, thu nhập bình quân đầu người năm 2005 đã đạt trên 8.270 đôla. Tương tự, nước Balan 6.090 đôla, Bulgary 2.740 đôla, Czech (Tiệp khắc cũ) 9.150 đôla, Slovakia (Tiệp khắc cũ) 6.480 đôla, Estonia 7.010 đôla, Lithuania 5.740 đôla...

Tất cả đều phát triển vượt bậc hơn so với thời XHCN. Nước Nga, quê hương của Lênin, từ năm 1991 đã thôi không theo học thuyết của Lênin nữa, sau 10 năm rối loạn, nay đã ổn định và phát triển vững chắc, thu nhập bình quân đầu người năm 2005 là 3.410 đôla, gấp trên 2 lần thời XHCN.

Tình hình nước ta có khác các nước XHCN khác. Đó là Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, nhân dân ta đã chiến thắng trong 2 cuộc chiến tranh tàn khốc, thống nhất được đất nước, thành công bước đầu công cuộc đổi mới, thì Đảng hoàn toàn xứng đáng là đảng cầm quyền, không thể chia sẻ sự lãnh đạo cho ai được. Đó là điều có thể khẳng định được sau 20 năm đổi mới.

Nhưng 20 năm nữa, 30 năm nữa, nhân dân vẫn tiếp tục ủng hộ Đảng, đi theo Đảng hay không, là tùy thuộc bản lĩnh dám đổi mới của Đảng, vì lợi ích của nhân dân.

Bác Hồ đã chứng minh rằng lợi ích của nhân dân, của dân tộc là tối cao, là đứng trên mọi trào lưu chính trị, đứng trên mọi đảng phái, đứng trên mọi học thuyết. Ngày 11 tháng 11 năm 1945, Bác Hồ đã chỉ thị cho Đảng cộng sản Đông dương tự giải tán, rút lui vào bí mật, để cuộc kháng chiến giành độc lập có thể đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân, và tranh thủ sự ủng hộ của thế giới.

Chỉ đến đại hội lần thứ 2 của Đảng năm 1951, Đảng mới quyết định lại ra công khai, và không lấy tên là Đảng Cộng sản, mà lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, Đảng Lao động Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi trong 2 cuộc chiến tranh anh dũng, giành được độc lập năm 1954, và thống nhất được tổ quốc năm 1975.

Năm 1976, đảng được đổi tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi đó bác Hồ đã mất, Bác không biết đến sự đổi tên này. Cũng năm 1976, tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Bác Hồ khai sinh năm 1945 được đổi thành Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bác Hồ cũng không biết đến sự đổi tên này.

Đại hội Đảng lần này nên mạnh dạn quyết định đưa ra trưng cầu ý kiến toàn Đảng, toàn dân, là có nên trở lại tên Đảng Lao động Việt Nam, và tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa hay không, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng lý luận cho Đảng để lãnh đạo phát triển đất nước. Những học thuyết khác phần nào tốt thì giữ lại, phần nào không phù hợp thì cương quyết bỏ, lấy lợi ích của nhân dân là trên hết như Bác Hồ đã nói.

Nguyễn Minh Tuấn
(Nguyên trưởng ban Thời sự-kinh tế-chính trị báo Đại Đoàn Kết. Hiện là giảng viên trường ĐH Ngoại ngữ Tokyo, trường ĐH Á Châu - Tokyo).

Mời các bạn đón đọc từ tuần tới loạt bài:

 

Kim Ngọc và sự chìm nổi của “khoán chui”

 

Những năm 60, ở miền Bắc xuất hiện một cụm từ gây chấn động: “khoán chui”. “khoán chui” lúc đó đồng nghĩa với việc xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng chính “khoán chui” đã đưa nông nghiệp VN thoát ra khỏi khủng hoảng vào thời điểm đất nước nguy khốn nhất. Nhân vật Kim Ngọc, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phú, chính là người đã làm nên “khoán chui”. Số phận của “khoán chui” thế nào, cuộc đời của ông Kim Ngọc sau này ra sao? Loạt bài viết của Dân trí sẽ góp phần giúp bạn đọc hiểu thêm.