Người dân bán nhà, chuyển nơi khác sống do không chịu nổi kênh thối ở TPHCM
(Dân trí) - Nhiều kênh nước ở các quận 12, Tân Bình, Tân Phú... nước đen kịt, bốc mùi hôi thối. Người dân xung quanh treo bảng cho thuê nhà, chuyển đi nơi khác sinh sống do không chịu nổi dòng kênh ô nhiễm.
TPHCM hiện có khoảng 2.000km đường sông, kênh rạch thoát nước và cân bằng hệ sinh thái thành phố. Sau quá trình đô thị hóa trong nhiều năm, dân cư tăng nhanh, nhiều kênh rạch bị "bức tử", ô nhiễm trầm trọng. Trước tình hình đó, những năm gần đây TPHCM đã phê duyệt nhiều dự án cải tạo kênh rạch.
Bên cạnh những điểm sáng đã đạt được như một số đoạn của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hay kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, hiện vẫn còn nhiều kênh rạch bị ô nhiễm nặng cần sớm cải tạo. Ghi nhận tại nhiều con kênh ở các quận 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân..., nước đen kịt, đặc quánh, bốc mùi hôi thối, ven bờ san sát nhà lụp xụp, cỏ rác um tùm.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí tại kênh Chiến Lược, dài khoảng 970m, chảy men theo đường Ấp Chiến Lược (phường Bình Trị Đông A và phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TPHCM). Người dân vẫn gọi nơi đây là "kênh thối" bởi có nguồn nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối hàng chục năm nay.
"Mưa khoảng một tiếng là nước từ cống trong nhà trào lên, nước từ kênh tràn vào. Chưa dừng lại ở đó, nước ngập cuốn theo rác thải và cả rắn, rết, chuột... vào nhà khiến người dân sống trong tình trạng lo lắng, khốn đốn", bà Huỳnh Thị Kim Hồng (52 tuổi, ngụ quận Bình Tân) nói.
Còn dự án cải tạo kênh Tô Hiệu (còn gọi là kênh Hiệp Tân, chảy qua địa bàn quận Tân Phú và quận Bình Tân, TPHCM) dài khoảng 1,5km, với tổng mức đầu tư 191 tỉ đồng, thời gian thi công từ 2016-2019. Dự án đang ngừng thi công do vướng mặt bằng phần đất của xí nghiệp Cầu Tre.
Ghi nhận trưa 18/6, một đoạn kênh Tô Hiệu dài khoảng 700m chưa được cải tạo có mặt nước đen xì, nổi bọt trắng, dọc hai bờ có rất nhiều xác động vật đang trong quá trình phân hủy. Dù là ban ngày nhưng tất cả những hộ dân sống trên đoạn kênh này đều đóng kín cửa vì mùi hôi thối và ruồi, muỗi quấy nhiễu.
Mua nhà tại đây chưa lâu, chị Đặng Thị Tuyến Trinh (50 tuổi, quận Tân Phú) không thể chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc của con kênh nên treo biển cho thuê, bán lại nhà để chuyển đi nơi khác sinh sống.
"Hôi thối, ruồi muỗi, nước ngập nên con đường lúc nào cũng vắng vẻ, cướp giật ngang nhiên hoành hành ngay cả ban ngày", chị Trinh kể.
Một tuyến "kênh đen" khác ở giữa lòng thành phố như kênh Hy Vọng - tuyến thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, TPHCM - hàng chục năm qua luôn ngập rác, ảnh hưởng đến những hộ dân xung quanh và làm tắc nghẽn dòng chảy.
"Mùa nắng thì hôi, mùa mưa đến xuất hiện rất nhiều muỗi vằn", ông Dương Xuân Dũng (72 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cho biết.
Những dòng kênh ô nhiễm chạy qua các khu dân cư đã trở thành điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, là một trong số những tác nhân gây nên bệnh sốt xuất huyết ở người.