1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người đàn bà đi giữa muôn hoa

(Dân trí) - Không muốn những chiếc lá, đời hoa phải chịu cảnh “sớm nở tối tàn”, cô giáo trường Quốc học Huế, Võ Thị Quỳnh đã miệt mài góp nhặt từng cánh hoa, mẩu lá mang về ép khô rồi “thổi hồn” tạo nên những bức tranh bằng thứ chất liệu ít ai ngờ tới này.

“Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”, bên ghế đá trường Quốc học Huế, cô giáo dạy văn Võ Thị Quỳnh nói đùa như vậy về niềm đam mê của cô - ghép tranh bằng hoa, lá khô. “Ép hoa, ép lá vào trang vở học trò là kiểu chơi hồn nhiên thú vị của rất nhiều bạn trẻ, trong ấy có tôi. Chỉ khác với tôi, trò chơi ngây thơ này luôn là lực hấp dẫn không cưỡng nổi, luôn là niềm vui thầm lặng nhưng vĩnh viễn”.

 

Từ ngày nhỏ, hoa lá mọc quanh vườn, ven những lối đi, nào là những bụi tầm xuân, những bông tím hoa cà, sắc cải vàng ven sông... đã được lưu giữ trong những cuốn sổ của cô gái đất Quảng Trị. Đó không chỉ là trò chơi mà là niềm khao khát của một người yêu mến cuộc sống. “Tôi muốn được trò chuyện cùng hoa, được góp phần kéo dài tuổi sống, tuổi thọ dương gian của một đời hoa”.

 

Năm 1993, một cuộc triễn lãm tại Đà Nẵng với 25 bức tranh ghép từ hoa, lá khô của cô đã tạo cho bao người lâng lâng cảm xúc về một thế giới hoa.

 

Sau đó, cuộc chơi của “người đàn bà đi giữa muôn hoa” được tổ chức tại Huế (1994), Hà Nội (1998), TPHCM (2001) đã tạo nên những ấn tượng đẹp với bao người và du khách quốc tế.

 

Người đàn bà đi giữa muôn hoa - 1

Tốc độ hoa - Tác phẩm tranh ghép bằng hoa, lá khô hình thành từ ấn tượng khi xem những cô gái khuyết tật thi đấu thể thao.

 

Dù bận rộn với công việc giảng dạy ở trường Quốc học, người phụ nữ đã bước qua tuổi ngũ tuần này vẫn giữ được tâm hồn trẻ trung, tràn sức sống. Cô tự hào có chồng - nhà văn Nguyễn Quang Hà và cô con gái luôn là chỗ dựa, chia sẻ ủng hộ cô hết lòng. Thế nên, dù bận đến mấy, cô vẫn có những khoảng thời gian dành cho hoa, dành cho niềm đam mê “thầm lặng nhưng vĩnh viễn” này.

 

Quà yêu thích nhất của cô là những loại hoa lạ, những chiếc lá ở mọi miền. “Mỗi lần đi nước ngoài về, món quà chồng tôi tặng là những chiếc lá, những mảng rêu khô hay một miếng vỏ bạch dương ở nước Nga xa xôi. Và qua mỗi cuộc triển lãm, tôi khao khát được chia sẻ với mọi người về tình yêu cây cỏ, về thứ hạnh phúc được giấu kỹ trong mỗi lá hoa mà nhiều khi chúng ta vô tình bỏ qua”.

 

Số lượng tranh của nghệ nhân Võ Thị Quỳnh ngày càng nhiều lên với thời gian, những bức tranh đi liền với cảm xúc và vì thế mỗi bức tranh là một tác phẩm duy nhất, không lặp lại. Trong căn phòng nhỏ chưa đủ để gọi là xưởng tranh, người đàn bà nhỏ bé này vẫn cặm cụi giữa những lá, những hoa, gom góp những cánh hoa mỏng manh để tạo nên những tác phẩm có khả năng níu giữ những ký ức đẹp, trong trẻo của ngày đã qua như: Ngôi nhà cổ tích, Đuổi theo bóng chiều, Quê nhà, Áo trắng… hay những rung động tinh tế trước Đêm, Mùa lá, Điệu nhớ... hoặc những suy ngẫm về cuộc sống như: Hạnh phúc, Em là cố nhân, Niềm vui thầm lặng, Người ngồi ta vẽ tặng...

 

Giữa bao la cỏ cây, những kiếp hoa mong manh vẫn được nữ “họa sĩ” đặc biệt này lưu giữ thành một thứ nghệ thuật đặc sắc với một đôi bàn tay khéo léo và tâm hồn của người đàn bà đi giữa muôn hoa.

 

Ô Châu