Người đàn bà “cướp” chồng từ “ả phù dung”

(Dân trí) - Tôi chưa từng nghe câu chuyện nào về người phụ nữ phải chịu khổ, chịu nhục vì chồng như chị. Người thôn Đình Cao (xã Đình Cao, Phù Cừ, Hưng Yên) kể nhiều về chị - người phụ nữ rắn rỏi, mạnh mẽ đã “cướp” chồng từ tay “ả phù dung”.

Hôm đến thăm chị Bùi Thị Vui tại nhà riêng, chúng tôi có may mắn được trò chuyện cùng hai vợ chồng chị và cả những người bạn đồng ngũ của anh. Cuộc đời bao thăng trầm tủi nhục của anh chính là minh chứng hùng hồn nhất cho tấm lòng bao dung, sức chịu đựng cũng như đức hy sinh cao cả vì chồng con của người phụ nữ Việt Nam.

 

Suốt cuộc nói chuyện, chị không than thân trách phận câu nào. Chỉ đúng một lần chị thở dài một câu mà chồng chị và tất cả những người có mặt đều gật đầu công nhận: “Cả làng cả xã này không ai khổ bằng tôi”.

 

Xin cơm nguội nuôi chồng nghiện

 

Cuộc đời chị từ khi sinh ra đã khổ. Nhà nghèo, không có tiền đi học, chị phải cùng cha mẹ đi làm lấy công điểm đổi thóc gạo mà ăn. Rồi thì chia đất, chị làm ruộng nhà xong lại hì hụi đi làm cho người ta kiếm thêm bát gạo.

 

Năm 1986, khi ấy chị đang là dân quân xã, có anh thương binh người cùng làng vừa chiến đấu ở chiến trường Campuchia về. Thương cho hoàn cảnh của anh, chị đã nhận lời về làm vợ anh, bỏ ngoài tai sự nhiếc móc của gia đình. Kể từ đây, cuộc đời của chị lại khổ thêm mấy phần.

 

Chồng chị, anh Nguyễn Duy Ngũ, sau khi rời quân ngũ thì không còn một thứ giấy tờ nào trên người, ngay cả cái giấy chứng minh cũng bị vùi lấp sau những trận đánh đầy khói lửa. Chị bảo anh đi làm lại giấy tờ để được hưởng chế độ nhưng "người đàn ông ngang bướng" ấy nhất định không nghe, bảo rằng có chế độ cũng không giàu lên được.

 

Cuộc sống chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán nên rất khó khăn, chị phải đi bán hàng thuê cho các cửa hàng trong xã để kiếm thêm đồng rau đồng cháo. Anh chồng chân chất, thật thà của chị vẫn cần mẫn cày cuốc, dù trên mình vẫn mang một mảnh đạn của từ thời chiến tranh.

 

Hạnh phúc được 3 năm với đứa con đầu thì tai hoạ bất ngờ ập xuống gia đình chị như một liều thuốc thử ý chí của người đàn bà sinh ra đã khổ này. Chồng chị là một tay bóng chuyền rất cừ của xã, anh rất hiền lại hay tin người. Những kẻ xấu trong xã nắm được điểm yếu này nên chiều chiều, khi anh đi tập bóng cùng đội về, chúng dụ cho anh hút thuốc phiện. Mới đầu miễn phí, sau chúng bắt anh phải bán hết đồ đạc trong nhà để có tiền hút chích.

 

Anh biết là mình sai, mình có lỗi với vợ con nhưng không thể nào xa nổi ma túy. Thế là bao nhiêu của nả trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi. Đến ngôi nhà của ông bà để lại cho chị cũng phải dứt ruột bán nốt vì thương chồng. Cả nhà phải ra ở nhờ một gian chợ của hợp tác xã, rồi ở nhờ những nhà nào có đất, có nhà không dùng đến. Cuộc sống gia đình chị như những người dân di cư, khi nào người ta đuổi thì lại khăn gói kéo nhau đi tìm nơi ở mới.

 

Ruộng vườn bán hết, chị phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi chồng con. Sau khi sinh cháu thứ 2 (năm 1989), cuộc sống gia đình lại càng khốn khó. Người ta không thuê chị bán hàng nữa. Chồng chị ngày càng nghiện nặng. Anh em họ hàng không ai nhìn mặt, không ai giúp lấy một đồng.

 

Gia đình chị luôn trong cảnh đói quay đói quắt. Có những lần cả nhà phải nhịn đói gần ba ngày trời, đứa con nhỏ khóc rả riết vì mẹ không có sữa cho bú. Chị phải đi khắp làng xin từng bát cơm nguội về cho chồng cho con ăn. Những lần không xin được, chị phải đi giặt váy cho gái đẻ mới có cơm ăn.

 

Nhưng chị vẫn thương chồng quay quắt. Những lúc anh lên cơn đói thuốc, tự tay chị lại vơ vét tất cả những gì có thể đem bán lấy tiền mua thuốc cho chồng hút. Đáng nhớ nhất là lần chị sang xã bên ăn xin được 5 bơ gạo, chị đem 4 bơ đi đổi lấy thuốc cho chồng. Bơ gạo cuối cùng lẽ ra để cho đứa con háu đói ăn, nhưng rồi cũng phải đem đổi lấy thuốc cảm, vì muốn hút thuốc phiện phải có thuốc cảm mới dùng được. Mấy mẹ con phải sang hàng xóm năn nỉ xin bát cơm nguội chống đói.

 

Anh chồng thương vợ thương con nhưng không thể chống lại ma lực của "ả phù dung". Chị vẫn phải tiếp tục làm thuê làm mướn, nhưng làm được đồng nào thì chủ nợ lại bắt sạch. Khi có mang đứa thứ 3, bụng chửa vượt mặt chị vẫn phải ra đồng làm. Đẻ được 8 ngày, trong nhà không còn hạt gạo, chị lại bồng đứa con đỏ hỏn ra đồng, để con xuống bờ ruộng, lội xuống tuốt lúa thuê, được trả công 5 đấu thóc. Vừa mang thóc về đổ vào hòm thì chủ nợ đến dốc sạch, không còn một hạt!

  

Làm giàu từ hai bàn tay trắng

 

Cuộc đời chị tưởng sẽ rơi vào ngõ cụt. Nhưng từ trong đêm đen, chị quyết vực chồng đứng lên. Bao lần khuyên giải không được, năm 1996, chị nhờ người quen làm công an trên huyện về "bắt" chồng đi cai. Ba đứa con thấy bố bị đưa lên ô tô thì sợ khóc ầm ĩ, chị lặng lẽ nước mắt chảy vòng quanh.

 

Sau 9 tháng cai nghiện trở về, anh chồng đã đoạn tuyệt được với ma tuý. Thoát khỏi ma túy, hai vợ chồng bắt tay vào xây dựng kinh tế.

 

Không một tấc đất cắm dùi, thế mà chị dám "liều mạng" vay lãi ba phân (3%) mua 100 con vịt, mấy sào ruộng và nhận thầu dải đất ven sông làm trang trại chăn nuôi vịt. Mấy năm đầu, tiền làm ra chỉ đủ trả lãi, còn dư ra chút nào chị lại gom góp, đầu tư mở rộng trang trại.

 

Cứ ai cho thuê ruộng, chị nhận tất về làm. Chồng chị để tạ lỗi với vợ con, cũng nai lưng ra làm. Kinh tế gia đình dần khấm khá. Chỉ vài năm sau, chị đã trả hết nợ. Năm 1997, chị mua được một mảnh đất thổ cư nho nhỏ nhưng gia đình vẫn phải ở ngoài lều trông vịt vì chưa đủ tiền xây nhà. Hai năm sau, anh chị tích cóp xây được một gian nhà cấp bốn. Đến năm 2004, kinh tế dư dả hơn, anh chị đã dựng được một ngôi nhà mái bằng khang trang chẳng kém mấy người trong xóm.

 

Bây giờ, cơ ngơi chị đã có ngót 3 mẫu đất, chỗ thì trồng lúa, nơi thì trồng cây ăn quả, còn đâu dồn tất làm trang trại thả cá, nuôi vịt. Tính ra, sau mỗi lần thu hoạch, cái trang trại ấy đem về cho gia đình chị cả trăm triệu đồng.

 

Nhà đã có của ăn của để nhưng chị vẫn day dứt chuyện cậu con đầu, đứa con phải chịu nhiều thiệt thòi nhất nhà, phải nghỉ học từ lớp 9, suốt ngày quần quật ngoài đồng như người lớn. Hai người con sau được chị cho học hành đến nơi đến chốn. Cậu con trai thứ hai làm lính trinh sát mãi tận Đà Nẵng, cô con gái út đang học lớp 12, học rất giỏi.

 

Bao năm sống với cái khổ, chị đã quen rồi. Đến nỗi nhìn cái máy ảnh cũng lạ lẫm. Người đàn bà rắn rỏi, mặt sạm đen vì nắng gió ấy chạy tọt vào trong buồng tránh mặt khi chúng tôi đề nghị được chụp ảnh chị. Phải nói mãi chị mới chịu e ấp ngồi cạnh chồng cho chúng tôi chụp.

 

Người làng đến tận bây giờ vẫn bảo số chị khổ lấy phải anh chồng nghiện. Chị thì lại cho là số mình may mới lấy được anh. Chị bảo anh là người hiền lành, thật thà, chẳng bao giờ làm việc xấu cả. Biết mình nghiện ma tuý, anh rất mặc cảm với mọi người. Dù thèm thuốc mấy anh cũng không bao giờ ăn cắp, ăn trộm của ai. Chị nói, chính vì anh tốt như thế nên chị mới cam phận nuôi anh.

 

Trò chuyện mấy tiếng đồng hồ, chúng tôi chỉ thấy mình chị nói. Anh chỉ cười “phụ hoạ” cho những câu chuyện vợ kể. Nhưng đến lúc chia tay, anh phải gật gù nói với chúng tôi rằng, nếu không có chị thì anh không có được ngày hôm nay.

 

Tiến Nguyên