Khánh Hòa:

Người cựu binh phòng không lấy “3 việc nghĩa” để giúp đời

(Dân trí) - “Ba việc nghĩa” mà người cựu binh ấy đang làm cho người dân trong vùng là cho vay vốn làm ăn không lấy lãi, hỗ trợ sách vở cho học sinh và hỗ trợ 50.000 đồng/lần hiến máu tình nguyện.

dscf0411-21eed

Cựu binh phòng không Phạm Văn Đoàn.

Cận kề ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), cựu binh phòng không Phạm Văn Đoàn (tổ Hòa Do 5B, phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) vẫn nằm “liệt giường” vì căn bệnh thoát vị bẹn. Ông vừa được các bác sỹ mổ hơn 1 tuần và đang điều trị, chờ cắt chỉ. Thấy có khách đến thăm, dù vẫn rất đau nhưng ông vẫn gắng gượng ra khỏi giường tiếp chuyện.

Ông Đoàn xuất ngũ năm 2001 sau hơn 25 năm phục vụ trong Quân đội. Ông là Thiếu tá, cựu binh thuộc Sư đoàn 377 - Tên lửa phòng không đóng tại TP Cam Ranh. Xuất ngũ về làm dân, ông chuyển sang nuôi tôm để kiếm thêm nguồn trang trải. Song vì giá con tôm “dập dềnh như con nước” nên ông chuyển sang mở nhà hàng kinh doanh ăn uống.

Nhà hàng của ông đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân địa phương, trong đó không ít là con em thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Làm ăn thuận lợi, ông tự nhủ rằng “lộc bất tận hưởng” nên tìm cách giúp những người khắc khổ, khó khăn hơn mình.

Câu chuyện cựu binh Đoàn giúp đỡ gia đình cựu binh nghèo Nguyễn Mạnh Cường ở phường Cam Phúc Bắc mỗi tháng 20kg gạo, cho đến khi thoát nghèo như là “câu chuyện cổ tích” ở vùng này. Sau khi phục vụ tại Lữ đoàn 394 (Binh đoàn 11) đóng tại Cam Ranh, ông Cường xuất ngũ về địa phương. Nhưng vì vợ bị tai nạn giao thông mất sức lao động, 3 con đang tuổi ăn học, bản thân ông Cường là lao động chân tay tự do nên kinh tế gia đình khá khó khăn. Căn nhà ông Cường khi ấy khá tồi tàn, rộng khoảng 10m2, trát lá cót, giấy các tông.

Cùng sinh hoạt cựu chiến binh tại phường nên ông Đoàn đã động viên và ngỏ ý giúp ông Cường. Hàng tháng ông Đoàn đã thanh toán tiền ở cửa hàng gạo, việc của ông Cường là cứ đến đong đủ gạo. Nhiều người nghĩ rằng nếu cả đời ông Cường chẳng thoát được nghèo thì liệu cựu binh Đoàn có giúp gạo mãi không. Tuy nhiên, cùng với sự giúp đỡ của ông Đoàn, người dân trong xóm, chính quyền địa phương, ông Cường đã thoát nghèo và có tiền xây nhà.

Trở lại với câu chuyện ông Đoàn vẫn giúp người nghèo mà chúng tôi gọi đó là “3 việc nghĩa”. Đó là từ năm 2009, khi lên phường họp, cựu binh Đoàn thấy phong trao hiến máu chưa mạnh nên ông đề xuất cứ mỗi đợt hiến máu, ông sẽ hỗ trợ mỗi người tham gia hiến máu 50.000 đồng/lần. Ông hứa trước tập thể “nếu doanh nghiệp còn thì việc hỗ trợ này sẽ còn”.

Đề xuất này đã nhanh chóng được chấp thuận và chẳng bao lâu sau, phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh trở thành địa phương có phong trào hiến máu tình nguyện mạnh nhất tỉnh Khánh Hòa. Hiện nay cứ mỗi năm, ông Đoàn hỗ trợ 4-5 triệu đồng cho hoạt động hiến máu nói trên.

dscf0401-d02d2
Cựu binh Đoàn hỗ trợ 50.000 đồng/người/lần hiến máu tình nguyện. 

Thứ nữa là, ông Đoàn cho cựu binh địa phương vay vốn làm ăn mà không lấy lãi. Nhiều năm qua đã có cả chục cựu binh thiếu vốn đến ông Đoàn vay vốn đầu tư làm ăn. Người vay ít nhất là 5-7 triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng. Khi hỏi liệu ông có sợ bị “quỵt”, cựu binh Đoàn - nói: “Cho ai vay cũng phải có cơ sở chứ! Ai đang triển khai làm ăn, nuôi tôm, chăn nuôi… mà thiếu vốn, thiếu giống thì tôi cho vay. Tôi cũng kiểm tra năng lực, tính khả thi mô hình làm ăn rồi mới cho vay”. Điều đáng nói, đến nay chưa có trường hợp nào vay mà không trả.

Ông Đoàn cũng là một cựu binh rất quan tâm đến việc học tập của con em địa phương. Không phải ngẫu nhiên mà các em học sinh ở vùng này gọi ông là “ông ngoại”. Đầu năm học, em nào thuộc diện khó khăn, gia đình nghèo thì cựu binh Đoàn sẵn sàng hỗ trợ sách, vở, bút mực.

“Tôi cũng từ cực khổ mà ra nên tôi thấy vui khi thấy giúp người”, cựu binh Đoàn nói cười khi chia tay chúng tôi.

Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh, cho biết những việc làm giúp đỡ người nghèo của cựu binh Đoàn là có thật. Cụ thể, việc giúp mỗi tháng 20kg gạo cho cựu binh Cường kéo dài từ tháng 1/2013 đến hết năm 2014. Ông Bình nói cựu binh Đoàn là một cựu chiến binh tiêu biểu, đáng học tập và biểu dương.

Viết Hảo