1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người chuyển giới đang phải sống “ngoài vùng phủ sóng”

(Dân trí) - Do mâu thuẫn giữa thể hiện giới và giới tính trong lý lịch, người chuyển giới gặp sự kỳ thị khi đi xin việc, phải làm những công việc không phù hợp. Đời sống của họ rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Theo kết quả nghiên cứu “Sinh kế của người chuyển giới” do Viện nghiên cứu Xã hội Kinh tế & Môi trường (ISEE) thực hiện khảo sát online với 223 nam chuyển giới sang nữ đến từ các tỉnh thành TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Cần Thơ... thì chỉ có 89 người đang có việc làm (chưa đến 40%). Nếu tách riêng độ tuổi từ 18 trở lên thì có 79/172 người có việc làm.

Một tỷ lệ lớn là những người chuyển giới đã từng đi làm nhưng hiện nay không không có việc (trên 21%) hay công việc không thường xuyên (8,5%).

Người chuyển giới đang phải sống “ngoài vùng phủ sóng”
TS Phạm Quỳnh Phương cho hay người chuyển giới rơi vào vòng luẩn quẩn bị kỳ thị - không xin được việc làm - làm những công việc như hát đám ma, bán dâm - nên lại càng bị kỳ thị. 

Ngoài công việc tại các doanh nghiệp, công ty và cả cơ quan nhà nước thì những công việc như hát đám ma, làm mại dâm cũng được một số người chuyển giới xem là công việc chính thức của mình.

TS Phạm Quỳnh Phương (Viện nghiên cứu Xã hội Kinh tế & Môi trường) cho hay, khảo sát chỉ ra kỳ thị xã hội là là trải nghiệm rõ ràng nhất của những người chuyển giới đi xin việc. Có đến 35% số người được hỏi bị loại khi đi xin việc vì thể hiện bên ngoài, gần 32% không có đủ bằng cấp, kinh nghiệm...

Ở nơi làm việc, người chuyển giới cũng gặp rất nhiều vấn đề xuất phát từ sự kỳ thị như bị ép phải thay đổi thể hiện bên ngoài, bị dè bỉu, bị đối xử không công bằng (lương thấp hơn, điều kiện lao động tệ hơn so với mọi người).

“Khi em đi xin việc ở văn phòng phẩm, người ta từ chối thẳng bảo là không chứa pê-đê”, một người chuyển giới cho hay.

Người chuyển giới đang phải sống “ngoài vùng phủ sóng”
Cô gái này từng là một người mang giới tính nam, cho biết khi đi xin việc bị coi như bệnh hoạn, kỳ dị nên hiện chỉ có thể kiếm sống bằng việc đi hát đám ma

Tại buổi công bố kết quả nghiên cứu, Th., một người chuyển giới tại TPHCM chia sẻ, cô từng đi xin việc nhiều lần nhưng rất khó vì tên là nam nhưng bên ngoài là nữ. Hơn nữa, cô không có tay nghề, không được học hành do bỏ học từ nhỏ vì bị kỳ thị. Để mưu sinh, Th. theo những “người chị” cũng là người chuyển giới đi hát đám ma - công việc bị khinh rẻ, coi thường.

TS Phạm Quỳnh Phương nhấn mạnh, thực trạng công việc của người chuyển giới hiện nay như một ma trận rào cản với những vòng tròn hết sức luẩn quẩn không thoát được cảnh nghèo đói.

Vì sự kỳ thị xã hội nên nhìn chung học vấn của người chuyển giới rất thấp, không có bằng cấp nên không có việc làm. Họ phải làm những công việc bị dè bỉu như mại dâm, hát đám ma... nên càng bị kỳ thị.

Một người chuyển giới đi diễn xiếc tại một đám ma ở TPHCM. 
Một người chuyển giới đi diễn xiếc tại một đám ma ở TPHCM. 

Chưa kể, do mâu thuẫn thể hiện giới và giới tính trong lý lịch nên nhiều người chuyển giới nữ phải làm những công việc nặng nhọc của nam giới. Trong khi sức khỏe của họ yếu, phải bỏ việc lại rơi vào cảnh không có việc làm.

“Hiện nay, người chuyển giới sống “ngoài vùng phủ sóng”, không được xếp vào bất cứ nhóm xã hội nào để có những chính sách đặc biệt là một thiệt thòi rất lớn”, bà Phương cho hay và bộc bạch cần vận động để đưa nhóm chuyển giới vào một nhóm cần ưu tiên, lưu ý trong các chương trình phúc lợi của nhà nước cũng như các dự án phát triển như một nhóm đã, đang bị đối xử thiệt thòi.

Hoài Nam