Người cha và mười hai sinh linh xấu số
(Dân trí) - Có một người lính trở về sau ngày giải phóng, mang theo chất độc dioxin trong cơ thể. Anh sinh 15 đứa con, 12 đứa không được làm người, 2 đứa đang từng ngày vật lộn với di chứng chất độc màu da cam. Nước mắt người cha ấy đã chảy thành sông nhưng nỗi đau vẫn không thể nguôi ngoai…
Nước mắt chảy vào cát trắng
Hàng ngày, khi mặt trời xế bóng, có một người cha tóc đã điểm hoa râm, tay cầm bó hương, ra bãi tha ma sau làng thắp hương cho mười hai nấm mồ đang yên nghỉ ở Khuông tộc họ Đỗ. Hình ảnh này từ mười mấy năm nay đã trở nên quá đỗi quen thuộc với người dân thôn Hà Hiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).
“Một năm có mười hai tháng thì tui có mười hai lần làm kỵ (giỗ-PV)”, người cha tên Đỗ Đức Địu ấy không cầm nổi nước mắt. Anh kể: Từ 1972 đến năm 1975, anh tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên. Chính thời gian “nếm mật nằm gai” ở rừng A Lưới (Thừa Thiên Huế) - nơi mà Đế quốc Mỹ đã trút xuống hàng trăm tấn chất độc hoá học - cơ thể anh bắt đầu ngấm thứ chất độc có sức tàn phá khủng khiếp. “Hồi đó, tui chỉ biết cách phòng độc, chứ ai biết chất diệt cỏ của Mỹ rải xuống lại ngấm vào nước, vào cây cối. Nên tui thấy nước là uống, thấy rau rừng là ăn”.
Mang di chứng chất độc màu da cam từ thời chiến trở về, anh Địu không hề hay biết. Rồi anh lấy vợ, sinh con, lần lượt đứa nào ra đời cũng bụ bẫm, xinh đẹp, nhưng đoản mệnh…
15 lần sinh, chỉ có 3 đứa con ở lại với anh chị. Nước mắt hai vợ chồng cứ chảy vào cát trắng. Chị Nức ngậm ngùi: “Mười hai đứa con mất, tui như đứt mười hai khúc ruột. Con có đứa sinh ra tui chưa nhìn thấy khuôn mặt tròn hay méo thì mất, có đứa chập chững bước đi cũng tái phát bệnh rồi mất luôn”.
Vật lộn với di chứng chất độc màu da cam
Hơn 20 năm sinh và nuôi con, anh Địu và chị Nức chưa có một ngày vui trọn vẹn. Ba đứa con đang sống với anh chị, 2 đứa đang từng ngày vật lộn với nỗi đau dai dẳng của chiến tranh. Hàng ngày anh chị đi làm, tích cóp tiền, cứ nghe tin chỗ nào thuốc hay lại đưa con đi chữa chạy.
Hơn 10 năm nay, ngày nào anh chị cũng mấy lần cùng con
vượt qua những trận lên cơn như thế này.
Khi chúng tôi đến thăm gia đình anh Địu, đứa con gái 17 tuổi tên Hằng đang lên cơn co giật. Anh Địu cho biết: “Hằng bị bệnh úng tuỷ từ năm 6 tuổi. Hễ khi trái gió trở trời lại lên cơn co giật”. Nhìn con vật vã với nỗi đau, nước mắt anh chảy tràn hai gò má. “Hai vợ chồng tui quen với cảnh này từ hơn chục năm nay. Từ ngày Hằng đổ bệnh, hai cha con chỉ biết quanh năm suốt tháng ăn ngủ ở bệnh viện” - anh Địu buồn bã than.
Thời gian còn trong quân ngũ, anh Địu đã học được cách sơ cứu mỗi khi con lên cơn đau. Giờ anh vừa làm cha, vừa làm y tá túc trực bên hai con đang phải mang di chứng da cam trong người. Khi Hằng nguôi cơn co giật, anh Địu lại bồng đứa con gái 14 tuổi tên Nga, trông như đứa trẻ lên ba. Anh bảo mấy đứa con, đứa nào cũng ngày lên cơn 4, 5 lần nên anh chẳng thể đi đâu khỏi nhà quá một tiếng đồng hồ. “Có lần tui đưa con Hằng đi mổ, ở nhà con Nga lên cơn, bổ từ thềm xuống sân, bị gãy tay...”.
Người mẹ Phạm Thị Nức, 56 tuổi, sau 15 lần sinh nở, giờ hao gầy xanh xao, cạn kiệt. Chị đã vắt cạn mình đến chút sức lực cuối cùng, chỉ mong sinh được một đứa con tròn trịa, lành lặn… Người cha Đỗ Đức Địu, 58 tuổi, niềm mơ ước đơn giản nhất nhưng dường như cũng khó thành hiện thực nhất của anh lúc này là trong khu mộ họ Đỗ nhà anh, không có thêm nấm mồ thứ 13 của con trẻ.
Văn Định