1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người Bắc Cạn khỏe hơn người Hà Tây?!

(Dân trí) - “Hà Tây dân số hơn 2 triệu, số người đến khám chữa bệnh ở bệnh viện tỉnh một năm khoảng 250.000 người (hơn 12%). Ở Bắc Cạn, số dân 300.000, số người đến khám chữa bệnh một năm trên 12.000 (trên 3%). Phải chăng người Bắc Cạn khỏe hơn người Hà Tây?

Câu trả lời là không phải vậy mà vì người dân ở Bắc Cạn thụ hưởng dịch vụ y tế thấp hơn ở Hà Tây. Vì đường xá xa xôi, người dân thì ít tiền, cơ sở vật chất kỹ thuật cho khám, chữa bệnh ở bệnh viện tỉnh cũng còn rất khó khăn. Chính vì thế, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện tỉnh rất thấp".

Đó chính là trăn trở của đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên). Bức tranh ngành y tế, càng mổ xẻ càng thấy nhiều “khoảng đen” đáng sợ.

Trong chiều ngày 20 và cả buổi sáng hôm nay 21/5, các đại biểu khi thảo luận về vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân, không ai là không bức xúc khi “bắt bệnh” cho các bác sĩ và ngành y!

Vì sao bác sĩ không biết... cười?

Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị đã nêu là "Nghề y là một nghề đặc biệt cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt".

10.000 đồng/năm thì khám được bệnh gì?

 

Về chế độ khám chữa bệnh cho người nghèo, người dân tộc thiểu số theo Chương trình 139 bình quân theo quy định là 10.000 đồng/người/1 năm là chưa phù hợp với thực tế hiện nay khi giá cả thị trường ngày càng tăng cao.

 

(Đại biểu Ly Kiều Vân - Quảng Trị)

Đại biểu Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) đã chỉ ra 6 “nhất” của cái nghề đặc biệt này là: “đầu vào” ngành y là khó nhất, thời gian đào tạo dài nhất, cường độ làm việc nặng nề nhất, điều kiện làm việc căng thẳng nhất, nhiều yếu tố lây nhiễm độc hại nhất và nếu sai lầm một chút cũng dẫn đến hậu quả tai hại nhất, vì có thể gây ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng của con người, tất nhiên sẽ bị phê phán gay gắt nhất, thậm tệ nhất!

Cũng vì quá tải “nhất” như vậy nên việc các y, bác sĩ từ nhiều năm nay không biết cười cũng là chuyện đương nhiên. Lý giải sâu hơn về nguyên nhân không biết cười của y, bác sĩ, đại biểu Phạm Phương Thảo (TPHCM) phân tích: “ngành y thiếu trầm trọng nguồn nhân lực, ở đâu cũng thiếu hết, tỉnh thiếu, thành phố cũng thiếu.

Hiện nay TPHCM có 3.300 bác sỹ và thiếu trên 2.000 bác sỹ, có hai trường đại học ở đây nhưng mỗi năm cung cấp khoảng 200 bác sỹ, còn lại đi các tỉnh. Như vậy theo kiểu này 10 năm nữa mới đáp ứng số lượng bác sỹ”.

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai): Thách thức nổi trội, dai dẳng và ngày càng bức thiết vẫn là nguồn nhân lực và đầu tư tài chính. Tỷ lệ bác sỹ trên 10.000 dân chỉ đạt 6,3 - 6,5 (thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới như Philipin 11,5; Trung Quốc 16,4; Nhật Bản 20,2; Cu Ba 59,6)...

Nhưng rất khỏe... chạy sô!

Theo nhận xét của nhiều đại biểu Quốc hội thì có tới 60% bác sĩ hiện nay làm việc cùng lúc ở cả hai nơi, bệnh viện công và bệnh viện tư hoặc các phòng khám và tốc độ khám bệnh của bác sĩ cũng thật là đáng kinh ngạc.

Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) có đưa ra dẫn chứng: “Qua tiếp xúc cử tri của ngành y tế Thủ đô có đồng chí giám đốc đã đưa ra ví dụ. Chi phí cho một bàn khám bệnh là 7 triệu đồng/tháng, với giá một phần viện phí là 2500 đồng/lần khám, 1 tháng bác sĩ phải khám 2.800 bệnh nhân, suy ra một ngày khám 127 bệnh nhân trong 7 giờ trừ 1 giờ nghỉ giải lao. Như vậy 1 bệnh nhân chỉ được khám trong 3 đến 4 phút!”.

Bên cạnh việc chạy sô rất khỏe thì rất nhiều bác sĩ hiện nay đều từ chối nông thôn! Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) dẫn lời ông Bí thư huyện ủy Thanh Liêm (Hà Nam) rằng 10 năm nay ở Thanh Liêm chỉ có bác sỹ đi không có bác sỹ về!

Tỉnh Hải Dương, theo Báo cáo của Bộ Y tế, đối chiếu với Thông tư liên tịch 08 toàn tỉnh còn thiếu gần 600 cán bộ y tế. Tỉnh Quảng Ninh cũng trong tình trạng như vậy.

Ngay cả cán bộ ngành dược cũng rất thiếu, một số huyện ở Quảng Ninh, Bắc Kạn đều không có cán bộ có trình độ đại học dược làm công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn.

“Một điều đáng chú ý là số lượng bác sỹ ở xã ngày càng giảm, theo Báo cáo của Chính phủ thì có chưa đến 70% số xã có bác sỹ, trong khi đó tỉnh Thái Nguyên chúng tôi có thời điểm là 100% xã, thị trấn trong tỉnh có bác sỹ, nhưng số bác sỹ này cứ vơi dần đi!” - ông Hùng cho hay.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 3 cảnh báo về chăm sóc sức khỏe cho người dân:

1/ Với mức mức đầu tư thấp cho chăm sóc sức khỏe như hiện nay, kết hợp với việc đẩy mạnh liên doanh liên kết tại bệnh viện công thì tỷ lệ chi phí y tế do người dân tự chi trả sẽ ngày càng tăng cao.

2/ Một bộ phận người dân nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, khó có khả năng tài chính và điều kiện để tiếp cận và hưởng thụ thành quả của xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

3/ Sự cách biệt giữa các tuyến y tế, giữa các chuyên khoa và giữa các địa phương; sự chuyển dịch cán bộ y tế giỏi từ miền núi về miền xuôi, từ nông thôn về thành thị, từ tuyến dưới lên tuyến trên, từ y tế dự phòng sang điều trị, kết quả này đã ảnh hưởng không tốt đến hệ thống y tế, đặc biệt là y tế công.

Lê Châu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm