Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-4/10/2013):
Người Anh cả của báo chí Việt Nam
(Dân trí) -Đại tướng, người Anh Cả của quân đội, một trí thức lớn của dân tộc ra đi vào mùa thu cách mạng, mùa thu lịch sử khai sinh đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cả nước và các thế hệ anh bộ đội Cụ Hồ thảng thốt, bàng hoàng khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, người học trò xuất sắc của Bác Hồ đã về thế giới Người Hiền vào 18 giờ 30 phút ngày 4/10, nhằm ngày 30 tháng Tám Quý Tý. Đại tướng, người Anh Cả của quân đội, một trí thức lớn của dân tộc ra đi vào mùa thu cách mạng, mùa thu lịch sử khai sinh đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Mỗi một người dân Việt Nam, bạn bè quốc tế, lớp lớp những anh lính Cụ Hồ từng theo sát vị Tổng tư lệnh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu và chiến thắng 30/4/1975, thu non sông về một mối đều trào dâng niềm xúc động, tự tìm cho mình một biểu lộ tình cảm trân trọng, tiếc thương vô hạn vị Đại tướng huyền thoại, văn võ thông tuệ, đạo đức cao cả.
Địa chỉ nhà riêng Đại tướng ở phố Hoàng Diệu trở nên gần gũi, thân quen, rộng mở với nhà báo, Đại tá Trần Hồng và biết bao nhà văn, nhà báo trong, ngoài quân đội. Một bài viết thành công, gây dư luận tích cực của nhà báo Giao Hưởng, phóng viên Báo Lao Động cũng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp bổ sung tư liệu về liệt sĩ Phùng Chí Kiên tại nhà riêng của Đại tướng. Với nhà báo, còn có hạnh phúc nào hơn khi được tiếp xúc với người Anh Cả của quân đội nhân dân Việt Nam.
Với quê hướng Bác Hồ và là quê hương người vợ đầu, Liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái, hy sinh trong nhà lao thực dân năm 1941 và giáo sư Đặng Thị Hà, người vợ thứ hai, Đại tướng dành tình cảm đặc biệt không chỉ với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ mà như người con rể hiếu nghĩa, vẹn tròn cả hai.
Trong những chuyến công tác về Nghệ An, làm việc với tập thể lãnh đạo tỉnh, bao giờ Đại tướng cũng nhắc bố trí cho nhà báo hoạt động. Một chuyến thăm quê vợ ở Thanh Xuân, Thanh Chương, nhà báo Thanh Hảo bị “mời xuống xe”, biết chuyện, Đại tướng nhắc Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng không nên đối xứ với nhà báo như thế, nhất lại là nhà báo nữ. Chuyến thăm ấy, đường vào Thanh Xuân lầy lội, xe không vào được, Đại tướng xuống xe đi bộ. Vào bữa ăn, Đại tướng gọi món “nhút Thanh Chương”, xong bữa uống “chè xanh cắm đúa”. Trước khi xuống Vinh, Đại tướng còn cung kính thắp hương tưởng vọng tổ phụ họ Đặng Thai Mai. Những chi tiết ấy chính là chất liệu cho nhà báo thể hiện sinh động một nhân cách lớn của thời đại Hồ Chí Minh mang đậm triết lý Phương Đông mà không phải “ai ở ngôi cao” cũng có được như Anh Văn, người Anh Cả của báo chí Việt Nam.
Tôi may mắn có hai lần được tiếp nhận nhân cách lớn của Đại tượng Võ Nguyên Giáp. Ấy là năm 1985, khi Đảng bộ tỉnh Nghệ - Tĩnh tổ chức Đại hội Đại biểu khóa X tại Nhà văn hóa lao động. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được mời về dự đại hội. Giờ giải lao, cán bộ lãnh đạo tỉnh, đại biểu lực lượng vũ trang, đoàn đại biểu huyện Thanh Chương “chen nhau” chụp ảnh với Đại tướng.
Sau khi “chiều các đoàn”, bỗng Đại tướng nói to trước tiền sảnh Nhà văn hóa lao động: “Các nhà báo đâu! Tất cả lại đây chụp ảnh”. Chỉ chờ có thế tốp phóng viên tham dự, thông tin Đại hội ùa về, quây quần bên Đại tướng, tranh nhau đứng gần vị tướng huyền thoại. Đại tướng cười khoan dung nói với Đại tá Hoàng Đưởm. “Anh chỉ huy đội hình nhà báo chụp ảnh”. Chờ đội hình nhà báo ổn định, Đại tướng nói: “Nhà báo cũng phải trật tự, không chen lấn và phải biết nhường nhau khi tác nghiệp”. Tôi nhớ mãi câu nói vui mà hàm ý sâu sắc của Đại tướng từ năm 1985 tới bây giờ.
Điều bất ngờ là Đại tướng bảo: “Đề tôi chụp cho các nhà báo”. Thế là chẳng biết từ đâu, vào lúc nào, trong tay Đại tướng có chiếc máy ảnh Pen tắc. Đại tướng ngồi xuống ở tư thế chụp ảnh khá thành thạo. Và nhà báo Lan Xuân đã nhanh chóng chớp được hình ảnh có một không hai đó. May mắn và hạnh phúc thay, tôi còn giữ được tấm ảnh chụp cùng các nhà báo tại Đại hội khóa X (1985-1910) với Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà tác giả là nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Xuân Thanh.
Lịch sử cách mạng Việt Nam và Nghệ An còn lưu giữ tư liệu quý giá về cuộc đời hoạt động của chị Nguyễn Thị Quang Thái, Nguyễn Thị Minh Khai với chị Nguyễn Thị Nhuận, người liên lạc Xứ ủy Trung Kỳ vào Đảng Tân Việt năm 1927, vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930. Chị Nguyễn Thị Nhuận là người chăm sóc, nuôi nấng cháu Võ Thị Hồng Anh, con gái của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái.
Chị Nguyễn Thị Nhuận không may mắn về hạnh phúc gia đình. Chị sống độc thân tại khu điều dưỡng các bậc lão thành cách mạng Nghệ - Tĩnh. Mỗi lần có dịp vào Nghệ An, Đại tướng và phu nhân Đặng Thị Hà đều tới thăm chị Nhuận. Năm 1997, Đại tướng cùng giáo sư Đặng Thị Hà và các con, cháu tới khu điều dưỡng ở thành phố Vinh thăm chị Nhuận. Tôi và nhà báo Bá Minh được cử tới tác nghiệp.
Cảm nhận từ tấm tình biết ơn chị Nhuận nuôi nấng con gái mình từ lúc còn bé bỏng, trứng nước của Đại tướng, tôi và Bá Minh bấm máy lia lịa, không tiếc phim. Lúc rời khu điều dưỡng, Đại tướng ân cần nhắc nhở các cháu nhân viên quan tâm tới sức khỏe, đời sống tinh thần của những “hạt giống Đỏ” còn sót lại. Đại tướng nhắc tôi và Bá Minh cố gắng lưu giữ những chân dung của hơn một trăm bậc lão thành cách mạng Nghệ Tĩnh, làm tài liệu giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho muôn đời sau. Đại tướng ân cần hỏi tôi về gia đình, tôi “khoe” với Đại tướng bố tôi là lính của Đại đoàn 312 tham gia trận Điện Biên Phủ, hy sinh năm 1967 trên mặt trận bảo đảm giao thông Khu 4 trong kháng chiến chống Mỹ. Đại tướng chợt buồn rồi Đại tướng hỏi thế đã viết gì về người cha từng là chiến sĩ Điện Biên Phủ chưa. Không đợi tôi trả lời, Đại tướng nhắc phải viết về họ, đấy là trách nhiệm của nhà báo, người chép sử sinh động thời đại.
Bài viết nhỏ này xin là nén tâm nhang thêm một lần kính cẩn tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - bậc thầy nghề báo - một nhà báo lỗi lạc, nổi tiếng từ khi Đảng ta mới ra đời với những bài báo chính luận sắc sảo trên các tờ “Cờ giải phóng”, “Tiếng nói của chúng ta”, trong vai trò Chủ tịch hiệp hội báo chí cánh tả Bắc Kỳ.
Văn Hiền - Nguyễn Duy