Đà Lạt:
Ngừng đổ bùn thải trên đèo Mimosa để “cứu” thác Prenn
(Dân trí) - Ngay sau khi báo chí phản ánh việc thác Prenn nổi tiếng của Đà Lạt bỗng chốc biến thành thác bùn và bốc mùi hôi tanh do bùn thải từ hồ Xuân Hương được đổ trên đèo Mimosa, Đà Lạt đã quyết định chuyển bãi đổ bùn thải sang các nơi khác.
Thác Prenn thơ mộng khi chưa bị dòng bùn thải "xâm lấn" (Ảnh: mangdulich.com)
Ông Nguyễn Minh Sơn, Trưởng Ban quản lý và khai thác công trình thủy lợi TP Đà Lạt - chủ đầu tư dự án nạo vét hồ Xuân Hương - cho biết: Theo kế hoạch, hầu hết bùn thải hồ Xuân Hương (khoảng 395.000 m3) sẽ được đổ ở bãi đèo Mimosa này nhưng hiện chỉ mới đổ khoảng 20.000 m3 bùn thải đã xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng. Vì vậy, phần lớn số bùn thải đang được nạo vét đã chuyển sang các bãi khác trong thành phố như bãi hầm thiếc hồ Chiến Thắng, bãi rác Đà Lạt...
“Đây là giải pháp chính để hạn chế tình trạng bùn thải ở bãi Mimosa chảy tràn xuống con suối đầu nguồn gây ô nhiễm môi trường nước đang được hàng trăm hộ dân sống cuối đèo sử dụng sinh hoạt và sản xuất, ô nhiễm thác Prenn..”, ông Sơn nói.
Bùn đổ từ đèo Mimosa làm ô nhiễm trầm trọng các nguồn nước đầu nguồn, trong đó có thác Prenn nổi tiếng.
Ngoài ra, theo ông Sơn, để ngăn dòng chảy của bùn thải xuống khe suối, đơn vị này cũng đang đắp đập đất thứ 3 ở bãi bùn thải đèo Mimosa. Nếu nắng hơn 1 tháng nữa, toàn bộ số bùn này sẽ thành đất cứng, không thể trôi chảy xuống khe suối được nữa.
Tuy nhiên, mùa mưa ở đây lại bắt đầu từ tháng 4 hằng năm. Do vậy, tình trạng ô nhiễm nguồn nước khó được giải quyết dứt điểm cho dù không tiếp tục đổ bùn thải ở bãi Mimosa.
Liên quan tới việc bùn thải gây ô nhiễm nguồn nước, gây thiệt hại lớn cho nông dân Đà Lạt trồng rau hoa ở cuối nguồn, chủ đầu tư dự án cho biết vẫn chưa tính đến việc hỗ trợ, bồi thường cho người dân.
Phan Văn Đông
TTXVN