1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ngừng cung cấp nhiên liệu là để “tự vệ”

(Dân trí) - Đây là ý kiến của ông Trần Hữu Phúc - Giám đốc công ty Vinapco trong buổi làm việc với chúng tôi vào chiều ngày 2/4. Trong khi đó, ông Lương Hoài Nam, TGĐ Pacific Airlines cho rằng: ông đòi hỏi sự bình đẳng trong cạnh tranh trong cung ứng nhiên liệu...

“Trong hoàn cảnh này, tôi không có giải pháp nào để tự vệ”

Để giải thích cho việc phải tăng phí cung ứng nhiên liệu, ông Trần Hữu Phúc cho biết: việc cung ứng nhiên liệu bay cho các hãng hàng không nội địa (bao gồm VNA, PA, VASCO) được áp dụng theo nguyên tắc tính chi phí cung ứng, không tính lợi nhuận và thực hiện trên cơ sở các hợp đồng song phương. Các khoản chi phí thực tế bao gồm phí vận chuyển nội địa từ cảng về các sân bay, phí hao hụt và giá nhân công… đều tăng cao trong suốt thời gian qua khiến công ty này thua lỗ nặng nếu không kịp thời điều chỉnh phí cung ứng.

Trong khi đó, phí vận chuyển cao, cộng với chi phí hao hụt khoảng trên 1,5%, buộc Vinapco phải tính đến phương án tăng giá. Theo ông Phúc, Nhà nước hiện cũng không bù lỗ cho xăng dầu máy bay, thậm chí, còn áp thuế nhập khẩu 10-15%, chưa kể VAT. Hơn nữa, loại nhiên liệu này không dự trữ được nhiều vì JET A-1 - loại xăng sử dụng tại Việt Nam - có độ bền vững kém.

Ông Trần Hữu Phúc cho rằng: Vinapco không đơn phương ngừng cung cấp xăng cho PA. Trong hợp đồng ký mới nhất với Vietnam Airlines (VNA) và PA ngày 31/12/2007 (khi giá nhiên liệu thế giới là 76,2 USD/thùng), Vinapco cho biết họ đều thống nhất áp dụng một mức giá 593.000 đồng/tấn.

Khi giá nhiên liệu thế giới tăng đến hơn 100 USD/thùng và giá dầu diesel trong nước cũng tăng lên, Vinapco đã có một loạt văn bản gửi PA, đồng thời mời đến đàm phán. Đến ngày 28/3, Vinapco tiếp tục có văn bản đề nghị PA xem xét lại bảng phân tích chi phí thực tế để có thể chấp thuận bằng văn bản mức phí mới nhất cho quý II/2007 là 750.000 đồng trước ngày 31/3. Nếu không trả lời, Vinapco sẽ ngừng cung cấp nhiên liệu cho mọi chuyến bay của PA.

Đến 17 giờ ngày 31/3, khi không thấy PA trả lời, Vinapco mới ngừng cung cấp nhiên liệu. Ông Phúc cho rằng mình phải chịu trách nhiệm về tình hình sản xuất kinh doanh của công ty, bảo đảm nguồn vốn của Nhà nước và thu nhập cho người lao động. “Trong hoàn cảnh này, tôi không có giải pháp nào để tự vệ” - ông Phúc nói.

Để nói rõ hơn về việc “VNA mua nhiều được hưởng ưu đãi, PA mua ít thì phải chịu giá cung ứng nhiên liệu cao hơn”, ông Phúc cho biết: “Đây là các vấn đề tranh luận trong đàm phán. Trong quá trình điều chỉnh giữa 2 hãng, tôi làm song song với cả VNA và PA. với PA là phía đối tác, tôi đưa ra một lộ trình 3 bước: bước thứ nhất là 750 nghìn tấn đến hết quý II/2008 sau đó căn cứ vào thị trường lên xuống để điều chỉnh, tức là có hỗ trợ PA trong giai đoạn tạm thời như vậy. Đề nghị này được chấp nhận và chúng tôi đang chịu lỗ.

Sau khi đàm phán như thế, TGĐ PA có đưa cho chúng tôi một văn bản của Thủ tướng viết: “PA được quyền đối xử bình đẳng như các hãng hàng không khác về mặt dịch vụ”. Tôi không có phản đối gì điều này nhưng trong cả văn bản cũng như tranh luận với anh Nam (TGĐ PA - PV) tôi luôn khẳng định: đây không phải là phí đối xử bình đẳng như phí sân bay, cất hạ cánh… ở đây là doanh nghiệp, tôi không có nghĩa vụ như một đơn vị hành chính sự nghiệp. Khi tôi đã là doanh nghiệp thì phải tuỳ đối tác có thể bán giá khác nhau cho các đối tác khác nhau phụ thuộc vào đầu tư lâu dài, tiềm năng lâu dài.

PA một năm được hơn 50 nghìn tấn, còn VNA trên 500 nghìn tấn. Tôi tranh luận với anh Nam rằng nếu anh đòi sự bình đẳng, công bằng thì có nghĩa rằng anh phải mua đắt hơn thì mới đúng. Điều này cũng giống như vào cửa hàng mua một lố khác với mua lẻ.

Anh Nam nói với tôi rằng: giá bao nhiêu cũng được nhưng giá VNA thế nào thì PA phải như thế. Tôi cũng nói rằng anh Nam không có quyền chất vấn tôi về giá của VNA. Chủ yếu căng nhau là ở điểm này chứ không phải chuyện tăng giá nhiên liệu là bất hợp lý".

Trước vấn đề đặt ra rằng PA cũng có lo lắng chính đáng của riêng họ khi bị đối xử không công bằng sẽ ảnh hưởng tới cạnh tranh trong kinh doanh và mấu chốt của vấn đề là độc quyền, ông Phúc nói: “Tôi cũng chia sẻ rằng sự băng khoăn của PA là xác đáng nhưng ở đây chúng ta phải cắt nghĩa 2 chuyện: chúng tôi chưa thu phí cung ứng của VNA hơn PA vì đến thời điểm hiện nay 2 hãng vẫn 559 nghìn đồng/tấn. Và khi thay đổi thì tôi cũng đồng thời có văn bản tới cả hai hãng. Việc áp dụng cùng mức phí như thế trên thực tế là không công bằng nhưng chúng tôi vẫn đang áp đặt. Cắt nghĩa cho đến cùng, VNA hưởng mức giá thấp hơn PA mới là công bằng. Nhưng trên thực tế chúng tôi vẫn chưa bán khác giá.

“Tôi khẳng định: với tư cách là người đứng đầu doanh nghiệp thì việc ra lệnh ngừng cung cấp nhiên liệu là quyền của tôi và tôi cũng đã thông báo cho PA nhưng sau đó Bộ trưởng Bộ GTVT có gọi điện chỉ đạo lại anh Phạm Ngọc Minh - TGĐ VNA là cơ quan cấp trên, tôi chấp hành lệnh của Bộ trưởng là nối lại cung cấp nhiên liệu và trong một vài ngày tới sẽ xử lý tiếp.

Hôm qua tôi có văn bản báo cáo với Bộ trưởng rằng chúng tôi đã chấp hành việc nối lại nhưng để đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp thì đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan có liên quan ngồi lại với nhau để làm rõ vấn đề. Với bối cảnh thị trường chưa minh bạch như của ta hiện nay, đàm phán rồi, bóc tách rồi thì tôi không có biện pháp nào để tự vệ. Tôi làm hết vấn đề này để bảo vệ công ty khỏi làm ăn thua lỗ, công nhân có lương”, ông Phúc nhấn mạnh.

Sẽ kiến nghị lên Bộ Tài chính

Theo ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Pacific Airlines (PA), cuối giờ chiều 2/4, Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco) đã có văn bản thông báo sẽ tiếp tục nạp nhiên liệu cho tất cả các chuyến bay của PA kể từ ngày 3/4. PA cũng có văn bản trả lời và kiến nghị trước mắt hai bên sẽ có cuộc thương lượng trực tiếp trên tinh thần hợp tác để đạt được thỏa thuận hợp tình hợp lý. Trường hợp không đạt được tiếng nói chung sẽ đồng kiến nghị Bộ Tài chính đứng ra hiệp thương theo quy định.

Theo ông Lương Hoài Nam, PA không phản đối sự độc quyền của Vinapco vì đây là cơ cấu chung của nền kinh tế. Song, Vinapco phải tuân thủ đúng Luật Cạnh tranh. “Xăng dầu máy bay hiện đang là dịch vụ độc quyền, ở Việt Nam không có ai ngoài Vinapco cung cấp. Vì vậy, nếu các bên không thỏa thuận được thì cần tổ chức hiệp thương thông qua Bộ Tài chính theo Nghị định 170/2003/NĐ-CP thực hiện Pháp lệnh giá chứ không phải là ngừng cung cấp nhiên liệu và không thực hiện hợp đồng mua bán đã ký và đang có hiệu lực.

Hãng bay này cũng không có ý định kiện Vinapco, vì đó không phải là cách làm tích cực.
 
Trao đổi với chúng tôi, Cục trưởng Cục Hàng không Phạm Quý Tiêu cho biết: Cục đã có công văn gửi Tổng Công ty Hàng không yêu cầu Tổng Công ty chỉ đạo Vinapco không được đơn phương ngừng cung cấp dầu jet A1 cho Paciffic nếu không được các cơ quan thẩm quyền cho phép. Về giá cung cấp dịch vụ xăng dầu, nếu không thương lượng được, hai bên có quyền kiến nghị Bộ Tài chính để tổ chức hiệp thương theo Nghị định số 170/2003 ngày 25/12/2003 quy định chi tiết một số điểm của Pháp lệnh giá.

Ông Tiêu nhấn mạnh, Vinapco đang độc quyền cung cấp xăng dầu tại các cảng hàng không, nếu công ty đơn phương ngừng cung cấp nhiên liệu sẽ ảnh hưởng không chỉ tới hãng hàng không ở đây là Pacific Airlines mà còn ảnh hưởng tới hành khách, đặc biệt sẽ gây xáo trộn an ninh và hoạt động chung của cảng hàng không.

Phúc Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm