1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Ngư dân vững vàng ý chí vươn khơi, bám biển

(Dân trí) - Trước việc tàu Trung Quốc liên tục có những hoạt động cản trở, phá hoại ngư lưới cụ và tấn công ngư dân Việt Nam đánh bắt trên biển Đông, các ngư dân tại nhiều địa phương trong nước càng quyết tâm vươn khơi, bảo vệ ngư trường truyền thống.

Điểm đến tin cậy của ngư dân

Chúng tôi có dịp ghé thăm cơ sở đóng và sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền của anh Võ Văn Thụ, ở thị trấn Cửa Việt. Đây là cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền lớn nhất tỉnh Quảng Trị hiện nay.

Tàu Trung Quốc càng hung hăng gây hấn thì ngư dân Việt Nam càng kiên cường bám biển
Tàu Trung Quốc càng hung hăng gây hấn thì ngư dân Việt Nam càng kiên cường bám biển

Những ngày này, xưởng đóng tàu của anh Thụ càng trở nên tấp nập bởi có nhiều thuyền đánh bắt của ngư dân cập bến sửa chữa, duy tu. Trong số này, chúng tôi ghi nhận rất nhiều tàu đánh bắt công suất lớn hàng trăm mã lực, đang được các tốp thợ tại đây gấp rút hoàn thành để kịp ra khơi.

Vỏ tàu đang được công nhân gia cố thêm
Vỏ tàu đang được công nhân gia cố thêm

Anh Thụ cho hay, bình thường do số lượng tàu thuyền ít nên chỉ có khoảng 10–15 công nhân làm việc. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhu cầu duy tu, bảo dưỡng tàu của người dân tăng lên nên lượng công nhân làm việc tại cơ sở của anh cũng tăng theo để kịp cho ngư dân ra khơi trong chuyến biển mới.

Xuất phát điểm ban đầu của gia đình anh Thụ cũng từ một ngư dân, quanh năm bám biển, lấy nguồn lợi từ biển làm vốn sống nên anh hiểu rất rõ những khó khăn trong nghề này. Mỗi lần gặp thiên tai, bão tố, phương tiện kiếm sống bị hư hỏng là anh phải ra tận Quảng Bình để sửa chữa. Trăn trở của anh Thụ cũng như bao ngư dân là làm sao có thể chủ động khắc phục được phương tiện của mình, lại giảm bớt thời gian và chi phí đi nơi khác sửa chữa.

Chiếc tàu này được lắp thêm máy để nâng công suất
Chiếc tàu này được lắp thêm máy để nâng công suất

Năm 1993, anh Thụ mạnh dạn chuyển hướng làm ăn. Ban đầu anh vay vốn ngân hàng và bạn bè được trên 200 triệu để mở cơ sở sửa chữa tàu thuyền cho bà con ở địa phương. Tạm gác những chuyến đi biển, anh tìm thêm tài liệu, vận dụng thực tế sửa, bảo dưỡng những con tàu đảm bảo thời gian, chất lượng, tạo được niềm tin cho ngư dân ra ngư trường lớn. Qua 12 năm vừa làm vừa học hỏi đúc rút kinh nghiệm, năm 2005, anh quyết định mở rộng quy mô, thành lập Công ty TNHH đóng tàu Cửa Việt, chuyên đóng và sửa chữa, đại tu bảo dưỡng tàu thuyền.

Gia cố trên thân tàu
Gia cố trên thân tàu

Đến nay, sau hơn 20 năm lăn lộn trong nghề, cơ sở đóng và sửa chữa tàu thuyền của anh Thụ trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều ngư dân không chỉ ở Quảng Trị mà còn lan sang các địa phương lân cận như: Quảng Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế...

Anh Thụ cho biết: “Do điều kiện kinh tế còn hạn chế nên ngư dân mình mới chỉ đầu tư tàu đánh bắt công suất nhỏ cỡ 200 CV trở xuống. Ngư dân nào có điều kiện thì đầu tư tàu lớn hơn khoảng 300 - 400 CV. Với phương tiện như vậy, ra đánh bắt ở các ngư trường lớn như Hoàng Sa, Trường Sa, chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. So với các tàu của Trung Quốc thì chúng ta thua kém rất nhiều, bởi họ có tàu vỏ sắt, máy móc công suất lớn và hiện đại hơn”.

Khát vọng đóng tàu lớn vươn khơi

Đang là chủ Công ty đóng tàu, thu nhập hàng tỷ đồng/năm, nhưng anh Thụ vẫn đang duy trì 3 tàu đánh bắt, công suất cỡ 400 CV và giao cho người em đứng tên để tiếp tục vươn khơi, bám biển. Trò chuyện với chúng tôi, anh Thụ bộc bạch: “Mình sinh ra từ biển, sống và lớn lên từ biển nên không dễ gì giã từ nó. Giữa đại dương mênh mông, mỗi thuyền đánh bắt của ngư dân chúng ta được xem như những “cột mốc sống”, góp phần bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng ta không thể để biển trời của Tổ quốc cho kẻ khác xâm nhập, khai thác. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc đang có những hành động hết sức ngông cuồng, xâm phạm chủ quyền, đẩy đuổi ngư dân và không cho mình đánh bắt trên chính vùng biển của mình thì chúng ta cần phải quyết tâm vươn khơi, bám lấy vùng biển của mình cũng là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”.

Những con tàu đang được thay đổi dáng vóc 
Những con tàu đang được thay đổi dáng vóc 

Hiện tại anh Thụ cũng đang nung nấu quyết định đóng tàu vỏ thép để dễ dàng vươn ra khơi xa, câu cá ngừ đại dương. Anh cho rằng, nếu có điều kiện đầu tư đóng tàu lớn, hiện đại thì chắc chắn hiệu quả kinh tế sẽ được nâng cao. Bên cạnh đó, ngư dân sẽ có nhiều thuận lợi hơn, yên tâm đánh bắt trên vùng biển của ông cha để lại. Tuy nhiên, bài toán kinh tế khó khăn nhất là việc lấy đâu ra nguồn vốn lớn như vậy để đầu tư, khiến anh Thụ đang cân nhắc. Nhưng anh tin rằng, trong tương lai gần anh sẽ thực hiện được ý định trên.

Đối với lão ngư dân Võ Linh Quyền (62 tuổi, thị trấn Cửa Việt), cũng đang nuôi dưỡng mong muốn được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để đầu tư đóng tàu mới. Trong khi đang chờ thực hiện khát vọng lớn đó, ông Quyền đã bỏ ra gần 2 tỷ đồng để sửa chữa, nâng công suất 2 tàu cá đánh bắt xa bờ (một chiếc cùng người thân đứng tên) từ 400 CV lên 700 CV để sẵn sàng vươn ra khơi.

Việc Chính phủ đưa ra gói tín dụng, ưu đãi 10 nghìn tỷ đồng để cho ngư dân vay đóng tàu vỏ sắt trong thời điểm này là tín hiệu rất vui đối với nhiều ngư dân. Bởi, ngoài việc họ có thể hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động đánh bắt còn gia tăng chất lượng khai thác thủy hải sản trên biển.

Ông Quyền cũng như nhiều ngư dân đang mong muốn đóng tàu lớn để vươn xa ra đại dương
Ông Quyền cũng như nhiều ngư dân đang mong muốn đóng tàu lớn để vươn xa ra đại dương

Ông Quyền chia sẻ: “Đóng tàu vỏ sắt sẽ đảm bảo cho quá trình đi lại khi sóng gió, thiên tai, rồi phòng chống những tàu lạ, tàu Trung Quốc va chạm. Còn về hiệu quả kinh tế, khai thác đánh bắt tài nguyên trên biển thì còn phải phụ thuộc rất nhiều yếu tố: nguồn vốn, thói quen đánh bắt của ngư dân, kinh phí đánh bắt mỗi chuyến đi biển… Bình quân một chiếc tàu gỗ có công suất khoảng từ 600 -700 CV thì chi phí cho một chuyến ra khơi khoảng 150 triệu đồng, nhưng đối với tàu sắt thì chi phí cao gấp 3 - 4 lần, chưa kể việc sửa chữa, bảo trì đối với tàu sắt cũng phức tạp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu tiếp cận được nguồn vốn trên, thì tôi cũng sẽ đầu tư đóng tàu sắt để vươn khơi”.

Được biết, vào năm 1997, ông Quyền là ngư dân đầu tiên của tỉnh Quảng Trị dám đứng ra vay vốn 800 triệu đồng để đầu tư đóng 3 chiếc tàu, công suất lớn 400 CV. Hồi đó, suy nghĩ và hành động của ông Quyền được xem là bước đi khá táo bạo. Dần dần, nhiều ngư dân tại Quảng Trị bắt đầu nhận thấy những lợi ích của việc đánh bắt quy mô lớn như trên và đã bỏ tiền ra đầu tư đóng tàu, mua sắm ngư lưới cụ để hướng ra biển. Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị có trên 2.579 tàu thuyền, trong đó có 177 chiếc tàu đánh cá xa bờ. 

Ông Quyền cũng như nhiều ngư dân đang mong muốn đóng tàu lớn để vươn xa ra đại dương
Nếu được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư đóng tàu lớn thì việc đánh bắt của ngư dân sẽ ngày càng hiệu quả và còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo

Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Trị cho biết: Trong năm vừa qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân ra khơi, bám biển như: hỗ trợ bảo hiểm, máy thu, phát vô tuyến…Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác đầu tư và hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá và nghiệm thu đưa vào sử dụng như Khu neo đậu tránh trú bão Cồn Cỏ, Cửa Việt. Đẩy mạnh các hoạt động thu mua, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá. Nhờ đó, ngư dân ngày càng yên tâm bám biển.

Việc đầu tư tàu cá hiện đại, công suất lớn theo chủ trương của Chính phủ không chỉ giúp ngư dân đánh bắt ngày càng hiệu quả mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đây là chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với ngư dân, giúp họ tiếp cận được nguồn vốn để đóng mới, nâng cấp tàu khai thác thủy hải sản, tàu dịch vụ hậu cần. Phía chi cục sẽ hướng dẫn cho ngư dân phương án, những kế hoạch, để trên cơ sở sau khi vay từ nguồn vốn hỗ trợ này, ngư dân có hướng làm ăn hiệu quả và bền vững. 

Đăng Đức