1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Ngư dân Thanh Hóa kiên trì bám biển

(Dân trí) - Các tổ tự quản ra đời, những ngư dân đánh bắt không còn đơn độc trong những chuyến ra khơi. Nghề đi biển vốn khó khăn, khắc nghiệt và không ít lần bị tàu nước ngoài uy hiếp, thế nhưng những con tàu của ngư dân Hậu Lộc vẫn tự tin bám biển.

Chiều xuống trên bãi biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc thật nhộn nhịp với hàng trăm người dân, trong đó phần lớn là những chị em phụ nữ. Họ đến đây để chờ đón người thân đi biển về, có người đến để kiếm việc làm thêm, thu mua hải sản...

Ngư dân Thanh Hóa kiên trì bám biển   - 1
Những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của các bà, các chị ngóng đợi tàu về

Khoảng 17h chiều, khi ánh nắng vẫn còn gay gắt cũng là lúc những con tàu đánh cá của ngư dân xã Ngư Lộc cập bến, trên tàu dưới bến trở nên nhộn nhịp náo nhiệt hẳn lên. Từ những khoang cá, từng thùng cá được vận chuyển vào bờ và những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của những ngư dân, dù nghề đi biển vẫn còn đó nhiều khó khăn, vất vả.

Gặp chúng tôi trên bãi biển, vừa đưa tay lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm đen vì nắng và gió biển, tàu trưởng tàu TH 90121TS Đồng Văn Thuận, ở thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc tâm sự: “Tàu có 5 người, chúng tôi vừa kết thúc chuyến đi 6 đêm, 7 ngày. Trừ chi phí đi mỗi người cũng được khoảng 500 ngàn, như thế là còn được chứ dạo này nhiều chuyến đi còn bị lỗ. Thời gian này xăng dầu tăng giá khó khăn quá, mỗi chuyến đi hết khoảng 600 lít dầu, chi phí khác nữa cũng hết khoảng hơn 20 triệu đồng. Tàu chúng tôi thường khai thác tôm, cá ở khu vực Đảo Bạch Long Vĩ. Sau mỗi chuyến đi như thế anh em về nghỉ ngơi vài ngày, chuẩn bị nhiên liệu, đá và nước rồi lại tiếp tục đi chuyến khác.

Ngư dân Thanh Hóa kiên trì bám biển   - 2
Những thúng cá đầy ắp được đưa vào bờ từ những chiếc tàu vừa từ khơi xa trở về

Nói chung nghề này vất vả lắm, nhưng ngư dân chúng tôi không có đất, giờ không bám biển thì biết làm gì mà kiếm sống”.

Dẫn chúng tôi đi thăm các chủ tàu, ông Nguyễn Xuân Hòa, Chi hội trưởng, Chi hội nông dân thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc tâm sự: “Thôn có hơn 500 hộ, trong đó có khoảng 170 hộ nghèo, cả thôn có 45 tàu thuyền đánh bắt cá, giảm hơn trước 15 tàu do bà con không có vốn đầu tư. Cuộc sống của người dân còn khó khăn, có khi chúng tôi còn phải thu mua hải sản từ nơi khác về để tạo công ăn việc làm cho bà con. Chúng tôi thường xuyên động viên bà con bám biển để có công ăn việc làm. Ở đây chỉ trừ những ngày giông gió còn lại lúc nào cũng đông vui nhộn nhịp lắm”.

Những vụ tranh chấp chủ quyền trên biển thời gian qua không làm nao núng quyết tâm ra khơi bám biển của ngư dân. Những chuyến tàu đánh cá vẫn đều đặn ra khơi, trước là phục vụ mưu sinh cho gia đình, sau là ngầm khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam…

Ngư dân Nguyễn Minh Đức, Tổ trưởng Tổ đoàn kết số 1, thôn Thắng Lộc, xã Ngư Lộc : “Chúng tôi cũng có nghe đài báo nói về chuyện tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển và uy hiếp tàu của ta, nhưng chúng tôi cũng không thấy lo lắng và sợ gì cả. Đời đi biển chúng tôi có gì là chưa gặp nữa đâu. Chúng tôi luôn chấp hành đúng pháp luật thì còn sợ gì nữa. Hơn nữa thời gian gần đây chúng tôi có các tổ tàu đoàn kết, anh em các tàu luôn hỗ trợ nhau nên cũng yên tâm. Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ nghề”.

Ngư dân Thanh Hóa kiên trì bám biển   - 3
Gánh nặng trên vai

Còn lão ngư Lê Văn Trinh năm nay đã 60 tuổi, ở thôn Thắng Lộc, xã Ngư Lộc nhưng đã có 40 năm gắn bó với nghề đi biển và hàng chục chuyến đánh bắt hải sản xa bờ tâm sự: “Giờ già rồi, sức khỏe yếu nên nghỉ cho con cháu đi. Thi thoảng nhớ nghề quá thì theo các con đi chuyến cho đỡ nhớ. Trước đây tôi đi có bao giờ gặp tàu nước bạn uy hiếp đâu. Không biết sao thời gian gần đây lại xảy ra nhiều chuyện như vậy.

Việc ngư dân đoàn kết lại đi biển là việc làm tốt, ngư dân chúng tôi chỉ kiến nghị với Nhà nước cần nghiên cứu, đầu tư cho các cá nhân, doanh nghiệp mua sắm tàu có công suất lớn và trang bị những phương tiện hiện đại để có thể lưu giữ hình ảnh, việc tàu nước bạn xâm phạm vùng biển nước ta. Chứ ngư dân bị tàu bạn uy hiếp nhưng chúng ta lại không có bằng chứng”.

Chia sẻ với Dân trí, Thiếu tá Lê Duy Hùng, Chính trị viên Phó, Đồn biên phòng 114 Đa Lộc, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa cho biết: Thời gian qua, nhiều địa phương đã thành lập các Tổ an ninh tự quản và các Tổ tàu thuyền tự quản để đảm bảo hỗ trợ nhau từ đó tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển. Các tổ an ninh này có thể thông báo cho cơ quan chức năng về tình hình an ninh trên biển.

Ngư dân Thanh Hóa kiên trì bám biển   - 4
Bốc giỡ cá xuống tàu

Trước đây ngư dân thường dấu những nơi có nhiều cá và đi đánh bắt nhỏ lẻ nên khả năng xảy ra rủi ro rất lớn. Nhưng thời gian qua, từ khi các Tổ an ninh và tàu thuyền tự quản ra đời, bà con ngư dân đã liên kết cùng nhau ra khơi đánh bắt, hỗ trợ nhau trong những tình huống thiên tai và tàu địch uy hiếp.

Riêng xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc có 67 Tổ an ninh và tàu thuyền tự quản. Mỗi tổ tự quản có từ 5 - 7 tàu, mỗi tàu có khoảng 7 - 10 ngư dân. Các tổ này được thành lập từ năm 2009. Lực lượng này tham gia tốt trong công tác tuyên truyền biển đảo.

Đây là một trong những lực lượng nòng cốt tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển. Các tổ an ninh và tàu thuyền tự quản này có thể hỗ trợ nhau trong lúc bão gió, tạo áp lực và có đối trọng với tàu địch, đảm bảo trật tự, giải quyết tốt những vấn đề an ninh và giúp ngư dân an tâm hơn trong sản xuất.

Ngư dân Thanh Hóa kiên trì bám biển   - 5
Hoạt động mua bán cũng nhộn nhịp không kém

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết: “Toàn xã có 309 tàu thuyền. Mỗi lần ngư dân ra biển, chúng tôi ở nhà cũng lo lắm. Hiện địa phương có 83 đài trực canh. Để giúp ngư dân yên tâm sản xuất, chúng tôi đã tổ chức thành lập 51 tổ tàu thuyền đoàn kết, mỗi tổ có 5 - 7 tàu thuyền. Tới đây Nhà nước sẽ hỗ trợ cho ngư dân 12 máy định vị vệ tinh tạo điều kiện cho ngư dân trong việc đánh bắt xa bờ. Việc thành lập các tổ tàu thuyền đoàn kết sẽ giúp ngư dân hỗ trợ nhau rất tốt trong quá trình đánh bắt hải sản”.

Rời vùng biển Ngư Lộc, chúng tôi vẫn còn nhắc nhiều đến những ngư dân chất phác, hiền hậu và chăm chỉ kia. Trong khi nghề biển ngày càng thêm khắc nghiệt nhưng họ vẫn luôn vững tin bám biển giữ nghề truyền thống của cha ông. Và những ngư dân đó còn là lực lượng nòng cốt tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Duy Tuyên