1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngư dân Sóc Trăng đồng lòng nỗ lực gỡ “thẻ vàng” ngành thủy sản

(Dân trí) - Sau cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, cùng với các tỉnh, thành ven biển, Sóc Trăng đã và đang nỗ lực khắc phục nhằm thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu.

Sau khi quán triệt Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch về việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thanh tra về khai thác thủy sản trên biển và tại cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch, tất cả tàu cá đăng ký trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, thuộc diện bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. 

Tàu cá trong diện bắt buộc lắp thiết bị phải lắp đúng lộ trình thời gian quy định, các tàu không lắp thiết bị sẽ không đủ điều kiện được cấp giấy phép khai thác thủy sản và sẽ bị xử lý theo quy định.

Ngư dân Sóc Trăng đồng lòng nỗ lực gỡ “thẻ vàng” ngành thủy sản - 1

Tàu cá vào cảng cá Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng).

Tỉnh Sóc Trăng hiện có trên 1.000 tàu đánh cá, trong đó nhiều nhất là huyện Trần Đề có 540 phương tiện. Trong bối cảnh Ủy ban châu Âu (EC) đã ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả 4 nhóm kiến nghị, như: Hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi hệ thống giám sát; thực thi pháp luật; thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Theo ông Phạm Văn Hứa - Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Trần Đề, thời gian qua đã kết hợp với Chi cục Thủy sản dự thảo kế hoạch tuần tra, kiểm soát đối với tàu cập cảng; mở các lớp tập huấn cho các chủ tàu, thuyền trưởng để phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản. Phân công cán bộ trực tiếp xuống từng nhà chủ phương tiện để hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt cách ghi chép nội dung sổ nhật ký khai thác để giúp ngư dân thực hiện đúng theo quy định. Các nội dung kế hoạch cũng được gửi đến từng chủ tàu, thuyền trưởng ở địa phương, các tàu tỉnh bạn để ngư dân biết và thực hiện đúng các thủ tục khi vào cảng cá và khi xuất bến.

Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với Ban quản lý Cảng cá Trần Đề, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương tổ chức triển khai Luật Thủy sản và các văn bản quy định về công tác khai thác thủy sản và công tác kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm các tàu cá khai thác trái phép.

Ông Lưu Hữu Danh - Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, cho biết đến nay các phương tiện của địa phương đã thực hiện tốt việc lắp thiết bị hành trình. 

“Nếu chủ phương tiện không trang bị đầy đủ sẽ không được cấp phép khai thác, không ghi nhật ký hành trình sẽ không cho cập bến. Vì thế, thời gian qua, không có tàu đánh bắt nào vi phạm về đánh bắt bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài”, ông Danh thông tin.

Ông Nguyễn Văn Ơn (một chủ tàu cá ở huyện Trần Đề) cho biết: “Lúc đầu thực hiện cũng có khó khăn vì từ trước tới giờ mình chỉ biết ra khơi khai thác thôi chứ có cần phải ghi chép gì đâu, nhưng cũng cố gắng khắc phục để làm tròn trách nhiệm của một người dân. Ra vào cảng cũng thực hiện xuất trình đầy đủ giấy tờ, báo cáo việc khai thác, đánh bắt, số lượng cho cơ quan chức năng.

Bây giờ bà con ngư dân chúng tôi đã hiểu không phải muốn ra khơi đánh bắt cái gì, đánh bắt như thế nào cũng được mà phải hiểu biết Luật, phải biết quy định của người mua hàng để thực hiện cho đúng thì sản phẩm khai thác của mình mới bán được. Có như vậy thì mình mới sống được lâu dài với nghề”.

Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Trần Đề - ông Phạm Văn Hứa cho biết thời gian tới sau tuyên truyền nếu phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo hoạt động khai thác thủy sản đúng quy định trong nước và quốc tế, nâng cao uy tín sản phẩm thủy sản của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và Việt Nam nói chung, để cùng cả nước sớm ra khỏi “thẻ vàng” của EC.

Cao Xuân Lương