Khánh Hòa:

Ngư dân nóng lòng hạ thủy tàu lớn vươn khơi

(Dân trí) - Cũng như ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng… ngư dân Khánh Hòa đang đóng mới hàng loạt tàu cá công suất lớn để vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ngư dân nóng lòng hạ thủy tàu lớn vươn khơi
Tàu cá được đóng mới tại hợp tác xã đóng tàu Song Thủy, phường Vĩnh Phước, Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Đóng tàu bằng tiền ky cóp 10 năm làm biển

Đến hợp tác xã đóng tàu Song Thủy (phường Vĩnh Phước, Nha Trang, Khánh Hòa) những ngày này, chúng tôi chứng kiến không khí lao động trên công trường hết sức khẩn trương. Tại đây, không ít con tàu đã được đóng xong phần vỏ bên ngoài với màu gỗ mới nguyên, vàng óng và đang trong giai đoạn hoàn thiện thêm một số hạng mục khác để có thể hạ thủy trong nay mai.

Trong khoang máy, ngư dân Nguyễn Ngọc Toàn (34 tuổi, phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang) đang cùng với một số thợ máy lắp đặt động cơ cho để chuẩn bị hạ thủy con tàu. Anh cho biết con tàu anh đang làm chủ có công suất 410CV với giá trị hơn 2 tỷ đồng đã được đóng ròng rã trong 2 tháng qua bằng số tiền ky cóp trong 10 năm làm biển của mình. Sau khi hoàn thành, con tàu sẽ được trang bị thêm hệ thống thông tin liên lạc, thiết bị phòng cháy chữa cháy, đèn chiếu sáng, ngư lưới cụ… để vươn khơi trong tháng 6 tới.

Ngư dân nóng lòng hạ thủy tàu lớn vươn khơi
Con tàu đang trong giai đoạn hoàn thành của ngư dân Nguyễn Ngọc Toàn (phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang)

“Mấy anh em tôi cũng có 3 tàu cá nhưng công suất nhỏ nên đi biển gặp sóng gió cấp 7, cấp 8 thì khổ lắm, tàu của mình không chịu nổi, lại nguy hiểm nên buộc phải đóng tàu lớn để vươn khơi bám biển. Đóng tàu bây giờ so với 5 hoặc 6 năm trước thì giá tăng gấp 3 lần, tại bây giờ gỗ đắt, công thợ tăng lên 400.000 đồng/ngày, chi phí ăn uống cũng đắt hơn”, anh Toàn cho biết.

Ngư dân Toàn cũng chia sẻ, do con tàu được đóng với mục đích là đánh bắt xa bờ nên sau khi hoàn thiện, ngư trường mà anh hướng tới là những vùng biển khơi của Tổ quốc và con tàu này là một “cột mốc chủ quyền” mới trên biển. “Tôi biết rõ tình hình Biển Đông hiện nay, nhưng ngư dân chúng tôi sống nhờ biển nên không có gì phải ngại cả, sẽ quyết tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tôi cũng muốn con tàu hoàn thành sớm ngày nào hay ngày đó để được vươn khơi đánh bắt, nhưng mình đóng tàu đi biển cả đời nên buộc phải theo quy trình, không thể nóng vội được. Bây giờ đánh bắt khơi, anh em chúng tôi thường đi theo đoàn từ 10 đến 12 chiếc để có thể hỗ trợ, bảo vệ cho nhau trên biển”, anh Toàn nói thêm.

Anh Toàn đang làm việc trên con tàu của mình 
Anh Toàn đang làm việc trên con tàu của mình tại hợp tác xã đóng tàu Song Thủy, phường Vĩnh Phước, Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

“Đánh bắt xa bờ gắn liền với bảo vệ chủ quyền”

Trong khi đó, lão ngư Nguyễn Văn Liệu (61 tuổi, bố anh Toàn) tâm sự ông đã biết được tình hình Biển Đông hiện nay và cho biết sự ngang ngược của Trung Quốc, nhất là vụ đâm chìm tàu cá Đà Nẵng hôm 26/5, nhưng không thể bẻ gãy được ý chí vươn khơi bám biển của bà con ngư dân. “Ngư dân chúng tôi không bao giờ bỏ biển được, biển của mình thì mình phải bảo vệ mà làm chứ, làm sao mà bỏ được! Không chỉ bảo vệ ngư trường, mà việc đánh bắt xa bờ còn có ý nghĩa bảo vệ chủ quyền, tài nguyên quốc gia”, ông Liệu quyết tâm.



Nằm cách con tàu của anh Tòan không xa là con tàu mang số hiệu KH-98281-TS công suất 650CV đang trong quá trình hoàn thiện của ông Trần Nho (60 tuổi, trú xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, Khánh Hòa). Theo quan sát của chúng tôi, con tàu của ông Nho là một trong những con tàu lớn nhất được đóng mới tại Hợp tác xã đóng tàu Song Thủy vào thời điểm này. Từ trên khoang tàu, bất chấp trời nắng như đổ lửa, lão ngư Trần Nho mồ hôi nhễ nhại “lót” màu sơn mới cho con tàu trước khi nó được hạ thủy. Vui mừng vì con tàu sắp được hòan thành, ông Nho phấn khởi cho biết: “Con tàu này có giá trị khoảng 3 tỷ đồng, được đóng 3 tháng ròng rã liên tục và sắp được hạ thủy để đi biển. Sau khi hạ thủy, chúng tôi bố trí làm các nghề như giã cào, câu cá ngừ đại dương… Cũng như các tàu cá khác, tàu của chúng tôi cũng kiên quyết vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Ngoài việc đóng mới tàu, hiện nay do nhu cầu đánh bắt xa bờ gắn liền với việc bảo vệ chủ quyền trên biển, đồng thời để chống chọi với thời tiết, mưa bão… bà con ngư dân Khánh Hòa cũng đã cải hoán, nâng cấp nhiều tàu cá công suất nhỏ thành công suất lớn. Theo ghi nhận, nhu cầu nâng cấp tàu cá thay vì đóng mới ở Khánh Hòa tương đối lớn vì đây là giải pháp vừa giúp ngư dân tiết kiệm chi phí lại vừa sở hữu được những con tàu công suất như mong muốn. Do vậy, công việc nâng cấp tàu cá tại các cơ sở đóng tàu ở thành phố Nha Trang, thị xã Ninh Hòa… thường trải đều trong cả năm, cao điểm là dịp ngư dân nghỉ biển (nghỉ trăng).

Phần trước của tàu cá trong quá trình được đóng mới.
Phần trước của tàu cá trong quá trình được đóng mới.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Đẩu, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa, cho biết từ đầu năm 2014 tới nay ngư dân Khánh Hòa đã đóng mới 25 tàu cá. Trong vòng 3 năm qua, số lượng tàu cá được đóng mới tương đối lớn, góp phần làm tăng sản lượng đánh bắt, đồng thời giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Được biết, hiện Khánh Hòa có hơn 9.800 phương tiện đánh bắt, trong đó khoảng 1.200 tàu cá đánh bắt xa bờ. Trong số tàu cá đánh bắt xa bờ thì có hơn 500 tàu đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa và Nhà giàn DK1… Những tàu đánh bắt xa bờ đều được trang bị đầy đủ hệ thông tin liên lạc như máy I-com, máy định vị, đài vô tuyến… để cùng nhau trao đổi thông tin, bảo vệ nhau trong vùng khai thác. Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa Nguyễn Văn Đẩu cũng cho biết tổng sản lượng đánh bắt từ đầu năm đến nay của Khánh Hòa ước đạt 33 nghìn tấn, vượt chỉ tiêu đề ra.

Viết Hảo