1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thanh Hóa:

Ngư dân khốn đốn vì cảng cá bồi lắng

(Dân trí) - Không những không chủ động được việc ra vào, khó khăn trong đi lại, buôn bán mà việc cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc – Thanh Hóa) bồi lắng đã khiến nhiều hộ ngư dân khốn đốn vì tàu thuyền bị vỡ, hư hỏng.

Dài cổ chờ cập cảng

Cảng cá Hòa Lộc được đầu tư xây dựng năm 2007 với tổng mức đầu tư trên 90 tỷ đồng và đưa vào khai thác từ tháng 1/2013. Sau khi đi vào hoạt động, đã thu hút lượng lớn tàu thuyền của huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa và các một số tỉnh khác vào neo đậu như Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh… trao đổi hàng hóa, đồng thời là nơi tránh trú bão cho tàu cá của ngư dân.

Tuy nhiên, từ năm ngoái, cửa lạch bắt đầu xuất hiện tình trạng bồi lắng cho đến hiện tại thì tình trạng này ngày càng nghiêm trọng. Việc bồi lắng cửa lạch đang gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cảng, ảnh hưởng lớn đến việc đánh bắt và hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư dân.

Theo tìm hiểu của PV, những ngày vừa qua, có hàng trăm con tàu công suất từ 200 - 400 CV của ngư dân phải chờ con nước để cập cảng. Cá biệt, những con tàu lớn hơn phải mất hàng tháng ròng mới có thể vào cập cảng. Rồi đến khi có thể vào thì lại không dám vào vì sợ vào sẽ không ra được.

Ngư dân vào cảng rồi mắc kẹt lại chưa ra khơi được
Ngư dân vào cảng rồi mắc kẹt lại chưa ra khơi được

Ông Trần Văn Minh, thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết : “Từ khi cửa lạch xuất hiện tình trạng bồi lắng, ngư dân chúng tôi khổ lắm, không chủ động được thời gian. Ví dụ khi đánh bắt xong đưa hàng về buổi sáng nhưng có khi phải đợi đến tối, thủy triều lên thì mới cho tàu vào được. Có khi nước lên nhỏ thì chúng tôi phải đợi vài ngày mới vào được. Đồ thủy sản mang về phải ướp đông lạnh, bán cũng mất giá rất nhiều”.

Ngoài việc ảnh hưởng đến buôn bán, ngay cả những phương tiện của ngư dân cũng bị hỏng hóc do sự bồi lắng này.

“Từ đầu năm đến nay đã có tới 5 chiếc tàu của ngư dân bị hư hỏng do bồi lắng cửa lạch. Trong đó có một chiếc tàu bị vỡ, hư hỏng hoàn toàn”. – ông Bùi Văn Dũng, ngư dân xã Hòa Lộc cho hay.

Không chỉ gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cảng mà một số nhà máy chế biến tinh bột cá cũng thiếu nguyên liệu, nhiều công nhân phải nghỉ việc.

Đầm ngao "nuốt" lạch cảng?

Trước tình trạng trên, ngư dân đều có chung mong muốn nhà nước có phương án nạo vét để giải quyết tình trạng bồi lắng này, tạo điều kiện để ngư dân thuận lợi cho việc đưa tàu thuyền ra vào cảng.

Một chiếc tàu cá mắc cạn ngay cửa Lạch Trường
Một chiếc tàu cá mắc cạn ngay cửa Lạch Trường

Được biết, cửa Lạch Trường, nơi tiếp giáp đường thủy dẫn vào cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão chỗ sâu nhất cũng chỉ khoảng chừng hơn 1 mét, xung quanh khu vực này là nơi hai huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc quy hoạch cho dân nuôi ngao thương phẩm. Điều này khiến một số ngư dân cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới số đông tàu thuyền này không ra khơi được là do nơi đây bị các ông chủ đồng ngao lấn chiếm cửa lạch dựng lều, cắm trà và thuê tàu có công suất lớn bơm cát tạo thành những bãi nuôi ngao lớn, dẫn tới cửa lạch bị bồi lắng và thu hẹp nhiều so với 2 năm trước.

Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Hòa Lộc cho biết: “Tình trạng bồi lắng của cảng đã bắt đầu xuất hiện từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, cho đến nay thì tình trạng này càng ngày càng nghiêm trọng, gây khó khăn vô cùng cho ngư dân ra vào cảng. Không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán mà còn gây hỏng hóc nhiều phương tiện tàu thuyền. Nếu cứ để tình trạng này thì tôi chắc rằng những loại tàu lớn mà đóng theo nghị định 67 mà nhà nước đang phổ biến sẽ không thể vào được”

“Năm ngoái chúng tôi cũng đã có tờ trình gửi lên UBND huyện Hậu Lộc đề nghị xin phương án nạo vét, huyện cũng đã đề nghị lên tỉnh nhưng không hiểu vì lý do gì cho đến nay vẫn chưa có phản hồi gì về việc nạo vét từ cấp trên. Ngư dân ở đây kêu nhiều lắm nhưng chúng tôi cũng đành chịu” – ông Thăng cho biết thêm.

Ông Thăng cũng đồng quan điểm về nguyên nhân gây bồi lắng cửa lạch của ngư dân là do các hộ nuôi ngao khiến bồi cát lên bãi.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho rằng, việc cửa lạch bị bồi lắng không hoàn toàn do nguyên nhân từ việc nuôi ngao. Cửa Lạch Trường, nơi vào cảng cá Hòa Lộc bị tác động bởi hai cửa sông là cửa Lạch Trường và cửa Lạch Sung. Trong đó đặc biệt là từ cửa Lạch Sung tác động bồi lắng rất nhiều và thường xuyên.

Việc bồi lắng cửa lạch càng ngày càng nghiêm trọng
Việc bồi lắng cửa lạch càng ngày càng nghiêm trọng

Cũng theo ông Long thì mặc dù được đầu tư quy hoạch nhưng độ sâu của cảng không đáp ứng được. Chúng tôi cũng đã nhiều lần để xuất với tỉnh việc nạo vét cảng cá này rồi, mới đây nhất là trong cuộc triển khai phòng chống lụt bão.

“Hiện nay đang có dự án gần 1.000 tỷ đồng do Sở GT-VT làm chủ đầu tư, nạo vét toàn bộ tuyến đường thủy từ phía cầu Tào đến tận cửa Lạch Trường có nghĩa là cảng cá Hòa Lộc sẽ được dự án này nạo vét qua. Cho đến thời điểm này, dự án đã nạo vét gần tới cảng. Theo tôi nghĩ thì nếu dự án có nạo vét qua thì hằng năm vẫn phải xin chủ trương của tỉnh về việc nạo vét chứ việc bồi lắng này sẽ không chấm dứt được” – ông Long nói.

Tuy nhiên, phía đơn vị đang triển khai Dự án nạo vét sông Lạch Trường, đoạn từ cầu Tào đến cửa Lạch Sung cho biết dự án sẽ không nạo vét trong khu vực cảng Hoà Lộc, mà chỉ thực hiện đúng khối lượng công việc và đảm bảo mục đích là khơi thông luồng lạch. Điều này đồng nghĩa với việc mặc dù chờ đến khi hoàn tất dự án nạo vét hiện đang triển khai thì việc tàu thuyền ra vào tại cảng cá Hòa Lộc vẫn gặp ít nhiều khó khăn.

Nguyễn Thùy

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm