1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ngư dân kể chuyện đời đi biển

(Dân trí) - Khi cơn bão ập đến, thuyền chúng tôi đang lênh đênh trên biển. May mắn thoát chết nhưng khi cập bờ thì phải chứng kiến cảnh tang thương: cơn bão đi qua, biến làng cá Khánh Hội (Cà Mau) thành “làng goá phụ”...

Nhọc nhằn phận đời bám biển

Biển mang lại cho ngư dân cuộc sống, và biển cũng lấy đi cuộc sống của nhiều ngư dân. Đời người đi biển hàng ngày đối mặt với nhiều tai ương, bão tố và có thể bị tước đi sinh mạng bất kỳ lúc nào. Với ngư dân, mỗi lần ra biển là mỗi lần đặt cược tính mạng mình trên “đầu sóng ngọn gió”. Nhưng nếu có ai đó nói với họ: “Đừng đi biển nữa!”, họ sẽ đáp ngay: “Không! Biển là Tổ quốc. Biển là cuộc sống”. Sống bám biển, bám ngư trường như một sự tri ân của mỗi ngư dân với đời.

Lão ngư Võ Nghễ (77 tuổi), ở thôn Phú An, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định, đã từng bám biển từ lúc 14 tuổi. Với trên dưới 50 năm kinh nghiệm lênh đênh trên biển, lão đã từng vào sinh ra tử và chứng kiến biết bao cảnh bão táp phong ba ở nơi ngư trường. “Với vóc dáng to khoẻ, chân tay rắn chắc… của tui mà cũng không ít lần run sợ trước sự giận dữ của biển. Nhưng nói thật, sự run sợ ấy chẳng đáng kể gì so với lòng yêu nghề của những người dân chài quê hương, nó như chính là mạch máu, là hơi thở của tui vậy”, lão Nghễ bộc bạch.

Ngư dân kể chuyện đời đi biển
Niềm vui của những ngư dân trở về từ biển khơi

Bằng giọng trầm trầm, lão Nghễ kể lại cơn bão kinh hoàng đã xảy ra cách đây 15 năm. Đó là cơn bão số 5 năm 1997, đối với lão, trong cuộc đời chinh chiến trên biển thì đây là một kỷ niệm buồn. “Tui không thể diễn tả nỗi đau đó thành lời. Khi cơn bão ập đến thì thuyền chúng tôi đang lênh đênh trên biển, may mắn thoát chết, nhưng khi cập bờ thì chúng tôi đã chứng kiến cảnh tang thương. Cơn bão ấy qua đi, đã biến làng cá Khánh Hội (Cà Mau) thành “làng goá phụ”.

Anh Đỗ Văn Ngọc (ở thôn Phú An, xã Hoài Hương) năm nay 32 tuổi và đã làm một ngư dân khi mới ở tuổi 16. 16 năm bám biển, cưỡi sóng như ngồi trên lưng hổ, với anh biển mang lại lắm chuyện buồn, vui. Anh kể lúc mới “chập chững” vào nghề, anh từng bị tay quay của máy bạc đánh trọng thương ở đầu. Vết thương khá nặng khiến anh bất tỉnh trong 8 giờ đồng hồ. Sau đó anh được đưa tới đảo Phú Quý để khâu và băng bó vết thương với 32 mũi. Thế là anh có chuyến nghỉ phép dài ngày trên đảo.
 
Biết nghề đi biển khó khăn, vất vả nhưng anh Ngọc vẫn cố gắng học nghề bởi anh biết cũng chính nhờ biển, gia đình anh mới có một cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn.

Chú Võ Tồn, con trai lão ngư Võ Nghễ, năm nay vừa tròn 50 tuổi. Chú Tồn cũng theo theo nghiệp cha sống chung với biển từ khi lên 10: “Khi ấy tôi đành lòng rời xa mái trường bỏ lại sau lưng thời ấu thơ được vui đùa cùng bạn bè, cũng bởi gia đình quá nghèo khó, lại đông anh em, mà trên vùng đất chỉ có cát, nắng và gió này thì đây là sự lựa chọn duy nhất. Kể từ đó cuộc sống của tôi đối diện với làng sóng dữ luôn luôn thường trực trong đời, nhìn xuống thì tôi thấy nước biển xanh mênh mông như bất tận, ngửa mặt lên thì cũng chỉ có trời cao vời vợi”.

Ngư dân kể chuyện đời đi biển

Biển yên lành thì những chuyến thuyền đi suôn sẻ, còn những ngày biển động thì vất vả muôn bề. Ngày nào ngư dân cũng phải đối mặt với nắng gió, với sóng dữ, với những cơn bão biển, với những bữa ăn không thể ngồi yên vì sóng biển đang chầu chực cướp mất; với những giấc ngủ mà mùi hôi tanh của cá mực luôn sộc vào đến nghẹt thở; với những lúc nằm hay ngồi cũng không thể yên thân vì sóng biển luôn khuấy động...

“Nếu nói đến vất vả thì phải kể đến chuyện cơm nước trên đầu con sóng. Cách đây 10 năm về trước, nấu cơm trên biển không phải bằng gas, sướng như bây giờ đâu mà nấu bằng bếp than, cực lắm… Tới lúc ăn cơm thì còn cực hơn nhiều, người ta nói “trời đánh tránh bữa ăn”. Mà ở biển thì ổng (con sóng - PV) đánh khi nào thì chịu khi nấy. Lúc ăn ai nấy trên thuyền cũng vừa ăn vừa khư khư giữ lấy mâm ăn, nếu không có sóng to ập đến là lật đổ hết, khi đó chỉ còn đường nhịn thôi”, anh Ngọc kể.

Thật khó khăn để tồn tại giữa biển cả, những ngư dân bám biển họ đều mang trên vai gánh nặng gia đình: người mẹ già, người vợ, đàn con nheo nhóc. Bởi vậy đến với biển họ luôn mong chờ và hy vọng.

Nỗi đau người ở lại

Tại bến cá Tam Quan (xã Tam Quan Bắc - Hoài Nhơn), mới 5 giờ sáng, khi mặt trời vừa ló lên khỏi mặt biển, những người phụ nữ hối hả ra đón chồng, con trở về sau những ngày lênh đênh trên sóng biển. Dân buôn cũng tụ tập ở đây từ rất sớm, họ đang dò tìm những món hàng “ngon” để kiếm lời.

Ngư dân kể chuyện đời đi biển
Bến cá Tam Quan nhộn nhịp tàu thuyền.

Đối với những người vợ, người mẹ, chuyến trở về mỗi sớm mai, lành lặn và khỏe mạnh, của chồng con mới là điều đáng quan tâm. Trước mỗi chuyến ra khơi của những người đàn ông trong nhà, những người phụ nữ lại thầm mong họ sẽ trở về; mong biển bình yên, đừng cướp đi mạng sống của những trụ cột gia đình.

Cô Lê Thị Tấn, 55 tuổi, ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, đã hai lần gánh nỗi đau lớn khi lần lượt chồng và con trai cùng gửi thác nơi biển cả.

Ngư dân kể chuyện đời đi biển

Những chuyến tàu ra khơi ẩn chứa nhiều rủi ro.

Đó là chuyến đi định mệnh từ cuối tháng 11/2004. Từ đó cho đến nay, đã 8 năm trôi qua, cô vẫn thầm mong chồng và con được cứu sống ở một nơi nào đó. Niềm tin le lói đó là nghị lực giúp cô tiếp tục sống.

 
Thu Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm