Khánh Hòa:
Ngư dân gặp khó vì nhiều “lệ làng” khi vay vốn đóng tàu cá
(Dân trí) - Sau 2 năm Nghị định 67 về “Một số chính sách phát triển thủy sản” của Chính phủ có hiệu lực thì đến nay Khánh Hòa, một trong những địa phương phát triển mạnh về nghề cá mới chỉ có 5 tàu cá đóng mới, cùng 2 tàu cá nâng cấp đã đi vào hoạt động… do có quá nhiều “lệ làng”.
Nhiều “lệ làng”, ngư dân nản lòng
Đây là Nghị định nhằm thúc đẩy hoạt động đánh bắt xa bờ phát triển bền vững, góp phần thay đổi phương thức tổ chức sản xuất trên biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, tại Khánh Hòa đã bộc lộ nhiều bất cập cũng như việc áp dụng nhiều” lệ làng” của một số đơn vị tại địa phương này đã gây không ít trở ngại khiến ngư dân nản lòng.
Theo kế hoạch, tính đến cuối năm nay, Khánh Hòa sẽ đóng mới 175 tàu, trong đó, có 15 tàu dịch vụ hậu cần từ nguồn vốn theo Nghị định 67. Thế nhưng đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa chỉ có 5 tàu cá đóng mới và 2 tàu cá nâng cấp đã đi vào hoạt động; đang triển khai đóng mới 5 tàu vỏ vật liệu mới; đã ký hợp đồng tín dụng 4 tàu; đơn vị thẩm định giá do Ngân hàng chỉ định đang thẩm định giá 4 tàu; đang lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật 4 tàu, số còn lại chủ tàu đang cân nhắc triển khai.
Theo Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 của tỉnh Khánh Hòa, tính đến cuối tháng 8/2016, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt danh sách 45 chủ tàu cá đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán với tổng nhu cầu vốn vay là hơn 400 tỷ đồng. Trong đó: 33 tàu đóng mới (6 tàu vỏ sát, 23 tàu vỏ vật liệu mới, 4 tàu vỏ gỗ) và nâng cấp 12 tàu.
Số chủ tàu tiếp cận ngân hàng để vay vốn đóng mới, nâng cấp không được các ngân hàng thương mại cho vay và đã trả hồ sơ là 57 tàu. Hiện tổng số tiền ngân hàng đã giải ngân hàng là hơn 37 tỷ đồng, trong đó hơn 33 tỷ/5 tàu đóng mới; hơn 1,8 tỷ/2 tàu nâng cấp; 1,7 tỷ/2 tàu vay vốn lưu động. Hiện mới có gần 350 tàu tham gia mua bảo hiểm thân tàu với số tiền hơn 4 tỷ đồng, hơn 2.000 thuyền viên được mua bảo hiểm với số tiền hơn 650 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, hiện nay xuất hiện một số “lệ làng” trong việc thực hiện Nghị định 67 ở tỉnh Khánh Hòa như: Chủ tàu cá đăng ký đóng mới sau khi được UBND tỉnh phê duyệt nhưng khi triển khai thì có thay đổi so với phương án ban đầu nên các ngân hàng thẩm định lại làm chậm việc triển khai; thời gian thẩm định thực tế tại các ngân hàng thương mại còn kéo dài; hiện nay ngoài 21 mẫu thiết kế tàu cá vỏ thép đã được Bộ NN&PTNT công bố, thì các mẫu tàu Composite và vỏ gỗ chưa có mẫu thiết kế để ngư dân lựa chọn; thời gian thẩm định giá của đơn vị thẩm định giá độc lập do ngân hàng chỉ định và chưa được quy định trong quy trình thực hiện chính sách 67 nên việc triển khai chậm tiến độ…
Phía ngân hàng Nhà nước nói gì?
Nói về sự “thận trọng” của các ngân hàng thương mại, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, cho rằng, trước đây, một số ngân hàng đã không thu hồi được vốn cho vay theo chương trình đánh bắt xa bờ. Hiện nay, vốn của các ngân hàng thương mại phải huy động từ trong dân nên khi cho ngư dân vay, các ngân hàng phải tính đến hiệu quả.
Việc ký hợp đồng tín dụng chậm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa nhận định, do ngư dân do dự về quyết định đóng tàu, vì vốn đầu tư quá lớn, trong khi khả năng quản lý, hiệu quả và khả năng thu hồi vốn, trả nợ vay chưa thật rõ ràng. Ngoài ra, một số chủ tàu chưa có kinh nghiệm sử dụng tàu vỏ thép, vỏ composite nên muốn chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu giám đốc các chi nhánh ngân hàng thương mại phải tiếp tục tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị vay vốn, ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân cho vay đối với các chủ tàu để đóng mới, nâng cấp tàu theo đúng quy định. Đối với chủ tàu đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt cho vay vốn, thì tích cực phối hợp với chủ tàu, hướng dẫn thực hiện đầy đủ các quy định, đẩy nhanh tiến độ ký kết hợp đồng tín dụng, giải ngân cho vay; không bắt buộc chủ tàu bổ sung tài sản đảm bảo để triển khai đóng mới, nâng cấp tàu cá…
Trước đó, vào tháng 8/2014, trong buổi làm việc tại TP Nha Trang về “Triển khai thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: Việc ban hành Nghị định 67 là thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước để tạo ra một bước đột phá nhằm thúc đẩy ngành khai thác thủy sản phát triển bền vững. Đồng thời, thông qua đó tạo điều kiện để ngư dân tham gia bám biển, đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo, và quyết tâm thực hiện không để thất bại.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài Chính phải đặc biệt ưu tiên cân đối nguồn lực cho lĩnh vực này, năm sau phải cao hơn năm trước. Đề nghị các địa phương rà soát ưu tiên những vấn đề cần thiết, mấu chốt làm trước, xác định đúng đối tượng cho vay. Phó Thủ tướng lưu ý cần triển khai đồng bộ các nội dung của Nghị định nhưng không làm ồ ạt theo phong trào, không để lợi dụng chính sách, không để xảy ra tiêu cực khi thực hiện.
Viết Hảo