1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngư dân đón Tết trên biển: Ai chẳng muốn quây quần bên vợ con

(Dân trí) - Khi cái Tết cận kề, trong khi nhà nhà sum vầy bên nhau, tưởng nhớ tổ tiên, thì hàng nghìn ngư dân Bình Định vẫn vươn khơi đánh bắt thủy sản, rồi đón giao thừa trên biển. Trên biển đồ ăn, thức uống không thiếu, nhưng lại thiếu đi cái ấm áp của gia đình.

Ngư dân đón Tết trên biển: Ai chẳng muốn quây quần bên vợ con

Ghi nhận của PV Dân trí, những ngày cuối năm tại cảng cá Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, Bình Định), nhiều ngư dân tất bật tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm để chuẩn bị vươn khơi. Thế nhưng, tâm lý ngư dân luôn ước ao có nhiều hơn những cái Tết ở đất liền sum vầy bên vợ con, người thân yêu.

Sau khi vừa cập cảng cá Quy Nhơn bán cá, mực cho thương lái, ngư dân Nguyễn Đình Như (42 tuổi, ngụ thôn Cửu Lợi Đông, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) - chủ tàu cá BĐ 98101 TS cùng 12 thuyền viên đang tất bật chuẩn bị tiếp nhiên liệu, đá lạnh, lương thực thực phẩm chuẩn bị vươn khơi đón Tết trên biển. Trước khi tàu xuất bến, các thuyền viên cùng làm bữa cơm tất niên sớm.

“Ngư dân cũng là người Việt, cho nên, tâm lý ngư dân nào chẳng muốn đón Tết với vợ con ở đất liền. Nhưng cũng chấp nhận vì cuộc sống mưu sinh của gia đình cũng như các thuyền viên trên tàu. Hy vọng tàu sẽ đánh bắt được nhiều tôm cá để chia phần cho anh em, xứng đáng với những ngày xa nhà trong dịp Tết”, anh Như chia sẻ.

Hàng ngàn ngư dân tỉnh Bình Định chuẩn bị ngư lưới cụ vươn khơi đón Tết trên biển
Hàng ngàn ngư dân tỉnh Bình Định chuẩn bị ngư lưới cụ vươn khơi đón Tết trên biển

Ở cái tuổi 54 với gần 35 năm theo tàu đi biển, ông Nguyễn Thân (thôn Diêu Quang, xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn)- thuyền viên trên tàu BĐ 99768 TS, không nhớ nỗi ông phải xa vợ bao nhiêu mùa xuân. Nghề đi biển nhiều rủi ro, sóng gió nên cần thanh niên trai tráng, sức khỏe tốt. Còn ông Thân đã đến tuổi nghỉ ngơi nhưng vẫn phải đạp sóng gió mưu sinh.

“Còn sức khỏe thì con đi biển thôi chú! Giờ già cả rồi, con cái cũng lập gia đình, nên cũng không quan trọng ăn Tết ở nhà hay trên biển. Ở trên biển cũng đủ tiện nghi lắm, có bánh kẹo, bia, gà, vịt làm sẵn. Đêm giao thừa, các anh em thuyền viên cũng làm đồ ăn ngon, ngồi quây quần, mở đài nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc mừng năm mới. Ăn uống xong, nghỉ ngơi rồi ngày mai tiếp tục làm”, ông Thân nói như tự động viên chính bản thân.

Trái với lứa tuổi như ông Thân, trên những chuyến biển có nhiều em tuổi đời chưa đến 20, cũng chẳng biết vui chơi cùng bạn bè ngày Tết. Các em theo những chuyến tàu vươn khơi nhưng ở sâu trong thâm tâm các em luôn ao ước được đón Tết ở đất liền, được vui chơi.

Chuyến tàu chuẩn bị nhổ neo vươn khơi, ngồi cảnh cửa tàu, em Lê Thanh Dương (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn), như đang có tâm trạng gì đó. Thì ra, trong chuyến biển này, lần đầu tiên Dương phải theo bố vươn khơi đón Tết trên biển. “Em thích ở nhà ăn Tết hơn đi biển, nhưng gia đình còn khó khăn nên em phải theo ba đi biển làm thuê cho người ta. Buồn lắm chứ, nhưng cũng biết làm sao”, Dương ngậm ngùi.

Theo quan niệm của ngư dân, vươn khơi xuyên Tết sẽ đem lại nhiều may mắn, cả năm sẽ thuận buồm xuôi gió, bội thu. Hơn nữa, thời điểm này, thời tiết ấm, biển êm, luồng cá nhiều sẽ đánh bắt được nhiều cá, bù cho những tháng biển gặp mưa bão.

“Bình Định có khoảng 6.350 tàu cá cùng 45.000 ngư dân luôn thường trực trên biển. Rất nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ trong ngày cuối năm. Họ đón giao thừa giữa biển, chịu nỗi buồn xa gia đình nhưng cũng đang thầm lặng góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương”, ông Trần Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định cho hay.

Ngư dân Nguyễn Hữu Sao 54 tuổi, nhưng có đến vài chục năm đón Tết xa vợ con
Ngư dân Nguyễn Hữu Sao 54 tuổi, nhưng có đến vài chục năm đón Tết xa vợ con
Ngư dân Trần Quang Đức (24 tuổi) tự an ủi đón Tết trên biển cũng vui như đất liền có mì tôm, có bia...
Ngư dân Trần Quang Đức (24 tuổi) tự an ủi đón Tết trên biển cũng vui như đất liền có mì tôm, có bia...

Ngư dân vùng biển Quảng Trị hân hoan đón Tết cổ truyền Đinh Dậu

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, ngư dân Quảng Trị đón Tết Đinh Dậu tiết kiệm hơn nhưng vẫn có đầy đủ bánh chưng, kẹo, mứt… Đây là Tết cổ truyền nên ai cũng cố gắng chuẩn bị các vật phẩm thiết yếu để dâng lên tổ tiên của mình. Ghi nhận của PV Dân trí vào ngày 27/1 (tức 30 Tết Âm lịch), bà con các địa phương đang hối hả chuẩn bị vui Xuân, đón Tết.

Vẫn như mọi năm, Tết Nguyên đán năm nay gia đình anh Nguyễn Văn Quynh (trú tại thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh), vẫn duy trì các phong tục truyền thống. Năm qua, sự cố môi trường biển khiến kinh tế gia đình anh rơi vào khó khăn, thiếu thốn, nhiều tháng liền không có thu nhập.


Dù không được sung túc như mọi năm nhưng Tết Nguyên đán năm nay tại nhà anh Quynh vẫn ấm cúng, đầy đủ

Dù không được sung túc như mọi năm nhưng Tết Nguyên đán năm nay tại nhà anh Quynh vẫn ấm cúng, đầy đủ

Trước thềm năm mới, gia đình anh nhận được khoản tiền bồi thường do sự cố môi trường biển. Nhờ khoản tiền đó, anh Quynh mới chi trả được nợ nần và có một số chi phí để cải tạo tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ và đặc biệt là chuẩn bị các thứ thiết yếu để đón Tết cổ truyền.

Tuy không sắm được những món đồ giá trị nhưng gia đình anh cũng có chuẩn bị được tươm tất lễ vật thờ cúng, bánh kẹo, mứt, hoa quả, gói bánh chưng và mua sắm áo quần mới cho con cái. Những thứ thiết yếu để cả gia đình đón Tết ấm cúng hơn, đủ đầy được vợ chồng anh chuẩn bị chu đáo.

Anh Quynh làm nghề đánh bắt gần bờ với thuyền công suất 9 CV. Những năm trước, vào thời điểm cận Tết, anh còn bám biển đánh bắt và mang lại cho gia đình nguồn thu nhập khá vì được mùa cá tôm.

Còn năm nay, một phần vì điều kiện kinh tế khó khăn, ảnh hưởng sự cố môi trường biển nên không khí Tết cũng trầm lắng, việc chi tiêu ngày Tết cũng tiết kiệm hơn. Anh Quynh chia sẻ: “Năm qua tuy khó khăn vất vả, nhưng vợ chồng cũng cố gắng tạo điều kiện để lo Tết trong gia đình. Sắm sửa cho con cái bộ quần áo đi chơi với bạn bè đàng hoàng hơn”.


Anh Phẩm sửa sang chu đáo bàn thờ gia tiên để đón Tết

Anh Phẩm sửa sang chu đáo bàn thờ gia tiên để đón Tết

Không chỉ gia đình anh Quynh mà bao hộ dân khác tại làng biển đều gặp khó khăn, song bà con vẫn cố gắng đón Tết cổ truyền thật đầy đủ. Đang sửa sang lại bàn thờ gia tiên để đón Tết, anh Hoàng Văn Phẩm (trú tại khu phố 7, thị trấn Cửa Việt) cho biết: “Năm nay gia đình vẫn đón Tết như mọi năm, có điều phải chi tiêu eo hẹp hơn. Cuộc sống của gia đình sống dựa vào nghề đi biển, nhưng mấy tháng liền việc đánh bắt bị đình trệ, hải sản tụt giá nên nguồn thu nhập không được bao nhiêu.

Tui làm nghề đi bạn nên chỉ dựa vào tiền công từng chuyến biển. Giá hải sản thấp cũng khiến tiền công của anh em ít lại. Từ đầu tháng Chạp đến nay, thuyền nằm ở bến nên anh em thuyền viên cũng nằm chờ ở nhà. Đón Tết Nguyên đán xong, chúng tôi mới lên thuyền ra biển đánh bắt trở lại”.


Ngư dân đưa thuyền vào bến neo đậu để đón Tết

Ngư dân đưa thuyền vào bến neo đậu để đón Tết

Tại bến thuyền bắc Cửa Việt, hàng trăm chiếc thuyền của ngư dân đã được đưa vào neo đậu. Ngư dân các địa phương tạm gác lại công việc bận rộn để đón Tết nguyên đán thật vui tươi. Ngư dân Phan Văn Quang cho biết: "Nhờ khoản đền bù, hỗ trợ vừa rồi nên bà con mới có điều kiện để sắm Tết chứ mấy tháng trời không đánh bắt gì được khiến đời sống vô cùng khó khăn.

Gia đình tôi vẫn đón Tết như mọi năm, các thứ cần có như bánh, mứt, dưa hành vẫn được chuẩn bị đầy đủ. Một năm mới vui được 3 ngày Tết nên ai cũng tranh thủ nghỉ ngơi và sửa soạn mọi thứ để đón Tết. Dù không được sung túc thì vẫn đảm bảo đón một cái Tết thật ấm cúng".


Gia đình anh Quang sửa sang, trang trí nhà cửa đón Tết

Gia đình anh Quang sửa sang, trang trí nhà cửa đón Tết

Hành nghề đánh bắt với thuyền có công suất 167 CV, anh Quang dự định sau khi đón Tết xong, nếu thời tiết thuận lợi sẽ tiếp tục ra khơi đánh bắt.

Đi dọc làng biển các xã bãi ngang: Gio Hải, Trung Giang… chúng tôi cảm nhận được sự hối hả trong mỗi gia đình để đón năm mới. Một mùa Xuân nữa lại về mang đến bao dự cảm về sự đổi thay tích cực trong đời sống của các hộ ngư dân nơi đây.

Doãn Công - Đăng Đức