1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngôi trường mẫu giáo có đến 6 cặp sinh đôi

Đó là Trường mẫu giáo Hoàng Yến (xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, An Giang). Điều thú vị ở ngôi trường trên cù lao Ông Hổ này là hầu như năm nào cũng có cặp sinh đôi vào học. Riêng năm học 2014-2015, xuất hiện 6 cặp.

Giáo viên nơi đây phải điều chỉnh “giáo án” để thích ứng với những học sinh đặc biệt.

 

Điểm đặc biệt của những cặp song sinh ở Trường mẫu giáo Hoàng Yến là không phải đều cùng giới tính mà xuất hiện cả cặp nam - nữ. Trường hợp của 2 bé Nguyễn Tấn Hoàng - Nguyễn Thị Hồng Mỹ là một điển hình. Các bé có nhiều nét tương đồng về ngoại hình nhưng không đến mức “như hai giọt nước” theo lối suy nghĩ thông thường của dân gian.

 

Cô Trần Thị Minh Phượng, giáo viên chủ nhiệm của Tấn Hoàng – Hồng Mỹ, nhận định: “Mặc dù là anh em sinh đôi nhưng tính cách của 2 bé không tương đồng nhiều. Có lẽ sự khác biệt về giới tính là nguyên nhân. Tuy nhiên, chúng vẫn giống nhau về sở thích ăn uống hay ưa chuộng một số màu sắc nhất định”.

 

Một đôi song sinh nam - nữ khác là 2 bé Nguyễn Lê A Tình - Nguyễn Lê Hồng Gấm cũng cho thấy sự khác biệt lớn về tính cách. Trong khi A Tình tỏ ra ít nói thì cô em gái song sinh lại rất lanh lợi.

 

Cô Nguyễn Thị Thúy Liễu, giáo viên chủ nhiệm của 2 bé, chia sẻ: “Khi đến lớp, Hồng Gấm chăm chỉ học tập hơn A Tình rất nhiều, còn A Tình thì hiền hơn”.

 

Các bé song sinh tại Trường mẫu giáo Hoàng Yến

Các bé song sinh tại Trường mẫu giáo Hoàng Yến

 

Theo những giáo viên đứng lớp, đa số các cặp song sinh này đều có điểm chung là “đứa lớn” thụ động hơn “đứa nhỏ” trong hoạt động học tập, vui chơi. Tuy nhiên, các bé này thường quấn quýt với nhau, chứ ít khi rời xa nhau khi đến lớp.

 

Thông thường, các bé cũng diện trang phục giống nhau khi đến lớp nên tạo ra sự chú ý thú vị đối với người khác. Thời gian đầu, các giáo viên còn nhầm lẫn đối với những cặp song sinh cùng giới tính vì các bé giống nhau về bề ngoài, trang phục, sở thích ăn uống… Tuy nhiên, qua một thời gian chăm sóc, các cô giáo cũng dần “nhận diện” được các bé. Ngay cả các bé cùng lớp cũng ít khi “nhận lầm” bạn mình. Thỉnh thoảng không phân biệt được, một số bạn học dùng biện pháp cuối cùng là hỏi: “Bạn là chị hay là em vậy?”.

 

Về phía gia đình, các bậc phụ huynh cũng thường xuyên liên lạc với nhà trường, nhắn nhủ giáo viên chủ nhiệm về tính cách của con mình. Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Khang, cha của 2 bé Nguyễn Lê Bảo Trân - Nguyễn Lê Ngọc Trân, tâm sự: “Khi có được cặp song sinh, tôi thấy mình rất may mắn. Tôi nghĩ rằng, dù là con gái hay con trai, miễn là các cháu ngoan ngoãn, vâng lời là hạnh phúc. Tôi rất vui khi mình tự tay chọn cho con những bộ trang phục giống nhau để mỗi lần ra đường, các bé nhận được những nụ cười thân thiện của mọi người”.

 

Về nguyên nhân xuất hiện nhiều cặp song sinh, người dân địa phương không thể lý giải. Tuy nhiên, đối với họ, việc có nhiều cặp song sinh trên địa bàn là một hiện tượng khá thú vị. Theo khoa học, song sinh gần như là hiện tượng bình thường trong quá trình sinh sản của con người. Tuy nhiên, về góc độ xã hội, song sinh vẫn là yếu tố đặc biệt, ít nhiều thu hút sự chú ý. Đến nay, hiện tượng ngôi trường mẫu giáo có 6 cặp sinh đôi luôn trở thành đề tài bàn luận vui vẻ của người dân miệt cù lao sông nước Mỹ Hòa Hưng.

 

Cô Trần Thị Thúy Loan, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Hoàng Yến, thông tin: “Hiện tượng những cặp sinh đôi xuất hiện ở trường không phải là hiếm. Những năm trước đều có các em song sinh nhập học nhưng chỉ có 1 – 2 cặp, chứ không nhiều như năm nay. Việc chăm sóc trẻ sinh đôi có vài vấn đề đặc biệt, đòi hỏi giáo viên phải nắm bắt để giúp trẻ hòa đồng với các bạn cùng trang lứa”.

 

Theo Thanh Tiến
 Báo An Giang