1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Ngôi nhà tang tóc

Trước khi ra xe về trại giam, bị can Huỳnh Thái Dân nói rằng: “Tôi không sợ phiên tòa này, không sợ những lời buộc tội, tôi sợ nhất là ánh mắt của những đứa cháu ruột, con anh ấy, người ta nói sẩy cha còn chú, thế mà...”.

Đó là lời ân hận muộn màng của một người em đã giết chết anh ruột mình để rồi phải nhận án chung thân, để lại hai đứa cháu mồ côi và người mẹ già nua sống trong u uất những ngày cuối đời.

Giết anh ruột để chiếm nhà

 

Câu chuyện đau lòng ấy xảy ra tại thị trấn huyện An Nhơn, Bình Định. Hai anh em Huỳnh Trọng Hạnh (52 tuổi) và Huỳnh Thái Dân (40 tuổi) đã có gia đình riêng nhưng đều ở chung trong ngôi nhà của mẹ già gần tuổi 80. Người anh ruột mắc bệnh lao phổi. Nghèo và bệnh tật triền miên, người vợ bỏ đi làm ăn xa, nhiều năm không về.

 

Anh Hạnh mưu sinh lây lắt qua ngày bằng đủ mọi việc từ nghề mài giũa liềm hái đến bốc thuốc nam dạo bán khắp các làng quê. Tài sản duy nhất của người anh chỉ là chiếc xe đạp cà tàng. Còn người em khỏe mạnh có đủ vợ chồng, thu nhập ổn định với nghề điện cơ.

 

Sống chung trong ngôi nhà của mẹ, vợ chồng Dân và người anh trai thỉnh thoảng xảy ra chuyện bất hòa. Bà mẹ già dần dần nhận ra rằng chuyện ngôi nhà sau khi bà mất là nguyên nhân sâu xa gây ra mối bất hòa của hai người con. Không ai hiểu lòng con bằng mẹ, bà hiểu tất cả, nhưng trong sâu xa bà thương người con cả nghèo nàn, bệnh tật và bất hạnh bởi vợ chồng ly tán.

 

Có lẽ chuyện ngôi nhà đã dần giết chết tình máu mủ ruột thịt trong tâm hồn người em. 1 giờ sáng 7/9/2004, đêm ấy bà mẹ già đã về thăm quê, Huỳnh Thái Dân cầm khúc cây lẻn sang phòng anh ruột. Bất ngờ nghe tiếng động, anh Hạnh bật dậy. Nhưng trong bóng đêm mịt mù, Dân đè anh trai xuống giường, đánh tới tấp vào đầu, vào người. Người anh ngất xỉu mà không kịp kêu cứu. Dân còn tạo ra hiện trường giả là có kẻ lạ đột nhập gây án và tẩu thoát. Sáng hôm sau, nạn nhân đã chết trên đường đưa đi cấp cứu.

 

Mất hai năm, cơ quan điều tra mới xác định được thủ phạm chính là người em trai. Ngày hay tin này, bà mẹ già ngất xỉu. Dù suốt hai năm, trước khi Dân lộ diện là kẻ thủ ác, bà mẹ đã mang máng cảm nhận một cái gì đó không bình thường ở người con út nhưng bà không dám tin đó là sự thật.

 

Bà và những đứa cháu nội

 

Hôm diễn ra phiên tòa (31/5/2006) tại Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định, ngay cả vị thẩm phán cũng không giấu được xúc động khi nhìn thấy bà mẹ già cứ khẩn khoản xin hội đồng xét xử tha tội cho đứa con trai. Bà ngất xỉu khi nghe tòa tuyên án tù chung thân đối với Huỳnh Thái Dân.

 

Mặc dù cho đến phút cuối, trước những bằng chứng buộc tội của hội đồng xét xử (kể cả những bức thư tố giác của bà con ở địa phương), Huỳnh Thái Dân vẫn một mực chối cãi: “Tôi không giết anh ấy, còn ai giết thì tôi không biết”.

 

Khi công tố viên đặt câu hỏi: “Khi sự việc xảy ra, bị cáo là em ruột, lẽ ra phải lập tức đưa anh trai mình đi cấp cứu, nhưng tại sao bị cáo không làm ngay việc đó để kịp cứu mạng sống anh trai mình mà lại “cẩn thận” đến mức đi mời từng nhân chứng, báo cáo công an đến hiện trường, trong lúc người anh đang hấp hối?”, khuôn mặt Dân dại đi như một kẻ vô hồn, khóc nấc lên rồi đổ sụp trước vành móng ngựa...

 

Mọi người có mặt trong phòng xử án hôm ấy bàng hoàng. Trong lúc những người thân chết lặng, có một cháu bé còn đeo băng tang (con của bị cáo Huỳnh Thái Dân) cứ tung tăng nói cười hồn nhiên, quấn quít bên các anh chị (con người bác ruột) giờ đã mồ côi. Nó còn quá nhỏ để hiểu rằng đã xảy ra chuyện đau đớn trong gia đình giữa những người ruột thịt.

 

Hôm trở lại ngôi nhà ấy, tôi thấy bà mẹ già tóc bạc phơ trầm ngâm ngồi một mình trong góc bếp. Dường như bà cụ đã lú lẫn hẳn sau cú sốc ấy. Bà hỏi tôi có phải là bạn của Dân không? Tôi đành gật đầu, không dám gợi lại chuyện cũ.

 

Bên gian nhà phía tây, trên chiếc bàn thờ là di ảnh người anh trai vẫn nghi ngút khói hương. Tôi xin phép cụ được thắp một nén nhang rồi bước ngang qua phòng ngủ của người anh trai. Không nhìn thấy chiếc giường của người anh bạc mệnh ở đó, chỉ thấy sự trống không lạnh lẽo, ảm đạm, heo hút. “Không phải thằng Dân làm chuyện động trời ấy đâu con, chẳng lẽ nhà bác lại mạt phước đến vậy?”, bà mẹ già nói đi nói lại như thế. Bà cụ nay đã gần đất xa trời.

 

Thỉnh thoảng những người hàng xóm sang thăm, ai cũng ái ngại, ngậm ngùi. “Cuối cùng chỉ có bà cụ là mất tất cả. Tội nghiệp, một đời lặn lội nuôi con, bây giờ một đứa đã chết, đứa còn lại trong chốn lao tù chưa biết ngày nào ra, một thân một mình đơn độc trong ngôi nhà tang tóc”, một cụ già hàng xóm nói. Rồi những đứa cháu con chú, con bác sẽ lớn dần lên trong ngôi nhà bất hạnh này, liệu những mặc cảm trong những tâm hồn bé thơ ấy có nguôi ngoai?...

 

Theo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm