Thanh Hóa:
Ngôi làng 20 năm có gần 100 người chết vì ung thư
(Dân trí) - Hơn 20 năm qua, “án tử” ung thư đeo bám ngôi làng nghèo dưới chân núi Nưa (Thanh Hóa). Cho đến nay, đã có gần 100 người ra đi vì căn bệnh quái ác và tử thần vẫn chưa chịu dừng lại.
“Nổi tiếng” vì... ung thư!
Làng Thổ Vị, xã Tế Thắng nằm sát chân núi Nưa “nổi tiếng” với cái tên “làng ung thư”. Hơn 20 năm qua, làng đã có tới cả trăm người chết vì ung thư. Thấy có điều bất thường, ông Trần Minh Hán, người làng Thổ Vị, đã âm thầm ghi chép lại các con số và đến năm 2008 khi tổng kết lại, ông không khỏi bàng hoàng khi số người chết vì ung thư lên cả trăm người.
Theo chân ông Hán, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Vũ Văn Hi (78 tuổi), nhà ông Hi có tới 3 người đang mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác, trong đó có hai người con của ông Hi, một người 40 tuổi và một người 46 tuổi.
Trong căn nhà nhỏ lạnh lẽo, ông Hi thở dài: “Tôi ngần này tuổi rồi, có chết cũng không sao, nhưng 2 con tôi còn trẻ quá. Dân chúng tôi cũng chỉ mong cơ quan chức năng tìm ra được nguyên nhân chính thức để còn biết cách phòng tránh và yên tâm làm ăn”.
Không chỉ riêng gì gia đình ông Hi, mà có rất nhiều gia đình trong làng Thổ Vị có người mắc căn bệnh quái ác này: ung thư gan, vòm họng, phổi, máu...
Theo thống kê của Trạm y tế xã Tế Thắng từ năm 1992 đến tháng 4/2014 toàn xã có tới 159 người chết vì ung thư, trong đó làng Thổ Vị có tới 90 người. Người dân chết chủ yếu do bị ung thư gan, phổi, dạ dày, máu... Số người chết dưới 60 tuổi chiếm quá nửa, trong làng có rất nhiều gia đình có tới 2-3 người chết, thậm chí có nhiều gia đình có tới cả 4 người chết vì ung thư, trong đó có rất nhiều người chết khi tuổi đời đang rất trẻ.
Số người chết đến cả trăm người, thế nhưng hiện nay ở ngôi làng nhỏ dưới chân núi Nưa này vẫn đang có 5-7 người bị ung thư.
“Bí ẩn” không lời giải
Theo người dân làng Thổ Vị thì năm 1963, tại chân núi Nưa có một đoàn địa chất về khai thác mỏ để lấy quặng amiăng và cũng từ thời điểm đó cả xã phát động toàn dân xây giếng để lấy nước sinh hoạt. Toàn bộ đá dùng để kè giếng được lấy từ chân núi Nưa về, rồi từ nhà cửa, tường rào, đường sá đi lại của người dân làng Thổ Vị đều phủ kín đá núi Nưa. Người dân cũng nghi ngờ loại đá này có rất nhiều vỉa bột trắng là các sợi amiăng, theo thời gian các vỉa amiăng gặp mưa vữa ra hòa vào nước chảy xuống ao, hồ và ngấm vào nguồn nước dưới lòng đất, nguồn nước giếng có thể đây chính là nguyên nhân gây nên bệnh ung thư.
Tuy nhiên, rất nhiều các đoàn về đây lấy mẫu đất, nước đưa đi phân tích và nhận thấy nguồn nước ở đây bị nhiễm asen, nhiễm mặn và sắt cao, nhưng nếu qua lắng lọc thì vẫn có thể sử dụng được. Còn quặng amiăng thì lại không thấy nhắc đến? Và từ đó, cả làng không ai dám dùng nước giếng nữa.
Theo ông Đỗ Khắc Trí, Trưởng Trạm Y tế xã Tế Thắng, cho tới thời điểm hiện tại cũng không rõ căn bệnh ung thư là nguyên nhân từ đâu, số người chết vì ung thư trong xã hiện nay không chỉ ở riêng làng Thổ Vị mà có cả một số làng khác.
“Kể từ khi làng Thổ Vị bùng phát bệnh ung thư, người dân nơi đây đã tiếp không biết bao nhiêu đoàn, từ các nhà khoa học, kể cả các tổ chức nước ngoài về điều tra tìm nguyên nhân, họ lấy mẫu đất, nước không khí mang đi xét nghiệm. Thế nhưng, đến nay kết luận nguyên nhân vẫn đang bị bỏ ngỏ” – ông Trí nói.
Ông Hoàng Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Tế Thắng, xác nhận việc người dân làng Thổ Vị chết nhiều do ung thư là có thật. “Bà con địa phương cho đến giờ cũng không biết nguyên nhân do đâu, có người thì cho rằng có thể là do đá lấy ở chân núi Nưa về làm giếng, xây nhà, làm đường nên nhiễm chất độc amiăng. Chúng tôi cũng thấy có lý, nhưng đó cũng chỉ là phỏng đoán, vì chưa có một kết luận chính thức nào được đưa ra từ các cơ quan chức năng hay các nhà khoa học” – ông Khánh cho biết.
“Chúng tôi đã thấy có một vài đoàn về khảo sát nguồn nước và hứa rằng sẽ xây dựng cho người dân một nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh nhưng họ hứa cho vui hay sao ấy chứ. Bởi đã nhiều năm trôi qua mà chẳng thấy có công trình nước sạch nào cả” – ông Hán phân trần. Ông Đỗ Khắc Trí cho biết nhiều cuộc họp người dân có nói: “Cấp trên mà hứa thì nên làm, đừng để mất lòng tin ở người dân”, nhưng nói rồi cũng chỉ để đấy.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Thuấn, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, cho biết huyện cũng rất lo lắng về hiện tượng trên nhưng để xây dựng được 1 nguồn nước sạch cung cấp cho người dân làng Thổ Vị thì với địa phương là quá sức vì nguồn ngân sách còn hạn hẹp. Địa phương rất cần sự quan tâm của cấp trên, xây cho làng Thổ Vị một hệ thống nước sạch.
Nguyễn Thùy