1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Ngọc Long lớn nhất Việt Nam

Ngọc Long được chế tác nguyên khối từ một khối đá mồ côi nằm sâu dưới lòng đất hàng chục mét, nặng 5 tấn, được liệt vào dạng đá quý rất có giá trị.

Ngọc Long lớn nhất Việt Nam  - 1
Ngọc Long tại xưởng chế tác ở Bình Chánh.
 
Đến Công viên văn hóa Tao Đàn trong dịp Tết Kỷ Sửu vừa qua, ngoài xem hội hoa xuân, nhiều du khách vô cùng thích thú khi mục sở thị Ngọc Long chầu hoàng “đệ nhất linh vật” bằng đá quý với vẻ đẹp huyền ảo như một tuyệt tác.

 

Sau Tết, Ngọc Long được đưa về trưng bày tại số 55 Cửu Long, P15Q10 (cư xá Bắc Hải). Ngoài Ngọc Long, nơi đây còn trưng bày hàng chục tác phẩm nghệ thuật bằng đá quý khác, được chế tác thủ công rất tinh xảo với các tên gọi đầy ấn tượng như: Cổ mộc trường sinh (đào trường thọ), Sơn Dương bái nguyệt (dê núi ngắm trăng), Hùng điểu chiến mãng xà (chim dữ đấu với rắn độc), Táo Quân đằng vân (Táo cỡi mây về trời)...

 

Đông đảo khách đến đây vừa nhâm nhi cà phê vừa thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật đẹp đến mê hồn, nhất là Ngọc Long chầu hoàng được bảo hiểm đến 1 triệu USD. Chúng tôi thật sự thán phục khi nghe ông Nguyễn Văn Hữu (SN 1962, giám đốc Công ty đá quý Ngọc Gia Bảo) kể lại quá trình sưu tầm, chế tác nên tác phẩm Ngọc Long độc đáo có một không hai này.

 

Giữa tháng 3/2008, nhóm thợ chuyên khai thác đá ở tỉnh Đắc Nông đào được một viên đá mồ côi nằm sâu dưới lòng đất hàng chục mét. Phải mất gần 10 ngày, họ  mới đưa được khối đá nặng gần 5 tấn (dài 5m, rộng 1,8m) lên khỏi mặt đất. Biết tin, nhiều nhà sưu tầm đá quý từ Bắc, Trung, Nam đổ về đây để ngã giá mua cho được khối đá nhưng cuối cùng ông Hữu là người “có duyên” nhất. Phải bỏ ra gần 300 triệu đồng và mất 45 ngày, ông mới  đưa được khối đá từ trong rừng sâu ra Quốc lộ 14 rồi thuê xe tải chuyên dụng chở về TPHCM. Một số chuyên gia về đá quý cho biết, khối đá thuộc họ đá Opal và Casidon, được liệt vào loại đá quý, rất có giá trị.

 

Giây phút đầu tiên nhìn thấy khối đá, trong đầu ông Hữu đã hiện lên hình bóng của một con rồng. Sau khi tham khảo ý kiến nhiều bạn hữu, ông Hữu quyết định chế tác khối đá thành “Ngọc Long”, thể hiện tinh thần hướng về nguồn cội, cũng là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam “con Rồng cháu Tiên”. Mặt khác, theo quan điểm của người Á Đông, rồng đứng đầu trong “tứ linh” (Long - Lân - Quy - Phụng). Tìm ở TPHCM rồi Đà Nẵng không có, ông Hữu lặn lội ra tận cố đô Huế gặp nhóm 19 thợ lành nghề (có người là con cháu của các nghệ nhân chế tác rồng thời nhà Nguyễn) mời vào TPHCM.

 

Từ khối đá, ròng rã hơn 6 tháng, nhóm nghệ nhân tài hoa xứ Huế đã chế tác thành công, tạo nên con rồng tuyệt đẹp, được chăm chút đến từng chi tiết nhỏ nhất, xứng với tên gọi “Ngọc Long - đệ nhất linh vật”.

 

Ngọc Long có màu vàng phối kết tự nhiên với màu ngọc bích lấp lánh, huyền ảo, dài 3,76m, nặng hơn 1,5 tấn, đầu vươn cao, thân như ẩn hiện trong mây... Ông Hữu cho biết, hiện ông đang xúc tiến đăng ký xác lập kỷ lục con rồng bằng đá quý lớn nhất Việt Nam. Sau khi Khu di tích lịch sử văn hóa TPHCM khánh thành, ông Hữu sẵn sàng đưa Ngọc Long đến đây trưng bày và đặt trang trọng trong khu Đền Hùng. Dự kiến, Ngọc Long sẽ được chọn đưa đi dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Ngoài Ngọc Long “đệ nhất linh vật”, ông Hữu còn chế tác hai Ngọc Long nhỏ, nặng chừng 100kg. Hai Ngọc Long này sẽ được bán đấu giá làm từ thiện...

 

Theo Võ Thiên Ân

Công an TPHCM