1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngoại giao 2014: Một năm nhiều thành tựu

Năm 2014, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã vận dụng được phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong đường lối đối ngoại ở thời điểm khó khăn.

TS. Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mexico, Thụy Điển, hiện là Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế, chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về những thành tựu ngoại giao nổi bật của đất nước trong năm 2014.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường (Ảnh TG&VN)

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường (Ảnh TG&VN)

Theo TS. Nguyễn Ngọc Trường, năm 2014 ngoại giao Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các mặt ngoại giao song phương, ngoại giao đa phương, đấu tranh ngoại giao bảo vệ chủ quyền, kinh tế đối ngoại…

Đặc biệt, chúng ta đã đạt được thành tựu đáng kể trong cuộc đấu tranh ngoại giao bảo vệ chủ quyền khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

“Bản lĩnh của một dân tộc được thể hiện trong những thời điểm khó khăn thử thách. Đối với Việt Nam, năm 2014 là một thời điểm như vậy. Chúng ta đã xử lý một cách thành công, vận dụng đấu tranh ngoại giao bảo vệ chủ quyền ở các cấp độ ngoại giao song phương, ở cấp độ khu vực ASEAN và các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc", TS. Nguyễn Ngọc Trường nói.

Ngoài ra, chúng ta còn thực hiện cuộc vận động quốc tế, làm cho thế giới hiểu rõ hơn về sự kiện này. Vụ việc giàn khoan 981 cho thấy một bản lĩnh Việt Nam: Vừa đấu tranh kiên quyết, có tính nguyên tắc, đồng thời kiên trì phương châm hòa hiếu với láng giềng nước lớn, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển.

Vụ việc này đã khiến thế giới hiểu Việt Nam hơn, nhận thức được rằng Việt Nam có bản lĩnh để xử lý các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, đồng thời giữ vừng hòa bình và ổn định ở Biển Đông và khu vực Đông Nam Á. Các nước lớn liên quan nhìn nhận Việt Nam là một nhân tố địa-chính trị quan trọng tại khu vực.

Bài học của ngoại giao lần này là nếu không kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, nếu không bày tỏ rõ lập trường của mình, sẽ rất ít quốc gia bày tỏ thái độ ủng hộ.

Một ví dụ cụ thể, việc Thượng nghị viện và Hạ nghị viện Mỹ thông qua những nghị quyết liên quan đến những diễn biến trên Biển Đông là một trường hợp rất hiếm. Ở đây, ta đã đặt vấn đề Biển Đông trong sự vận hành của các quan hệ và luật pháp quốc tế. Vấn đề Biển Đông không chỉ liên quan lợi ích Việt Nam và không chỉ về chủ quyền biển đảo - mà liên quan lợi ích nhiều quốc gia, liên quan đến tự do hàng hải quốc tế, luật biển quốc tế, lợi ích địa-chính trị của các nước lớn. Trong thời kỳ mới, nói “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” chính là phải xuất phát từ nhận thức như vậy và đó là việc hiện thực hóa các mối quan hệ ràng buộc, qua lại, đan xen lợi ích.

Một thành tựu nổi bật khác trên lĩnh vực ngoại giao là Việt Nam đã chủ động thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược một cách có trọng tâm, trọng điểm thông qua ngoại giao cấp cao, ngoại giao nguyên thủ. Cụ thể: Tổng Bí thư thăm Nga, cử đặc phái viên cấp cao sang Trung Quốc; Chủ tịch nước thăm Nhật Bản, Campuchia; Thủ tướng thăm EU, Ấn Độ, dự Hội nghị Tiểu vùng sông Mekong mở rộng; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao thăm Mỹ, và việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam là thành quả đối ngoại rất quan trọng trong quan hệ song phương với một nước lớn. Việc ASEAN ra Nghị quyết về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 7 cũng là một sự kiện có ý nghĩa…

TS Nguyễn Ngọc Trường nhấn mạnh cần phải tăng cường hơn nữa quan hệ với các đối tác chiến lược thông qua việc thúc đẩy các lợi ích chiến lược trên lĩnh vực kinh tế và chính trị.

Về mặt kinh tế đối ngoại, việc Việt Nam kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan; Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc là rất kịp thời, góp phần củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa các bên, nhưng quan trọng là thúc đẩy phát triển kinh tế.

Một trong những thành tựu kinh tế đối ngoại đáng chú ý trong năm 2014 là chúng ta đã giữ được tăng trưởng thương mại gần 15% và xuất siêu. Việt Nam đã tiếp cận được cấp độ hàng hóa sản phẩm thiết yếu, phát huy được những mặt hàng lợi thế, phù hợp với trình độ của Việt Nam, phù hợp với phân công lao động quốc tế.

Tuy nhiên, Việt Nam đang bước vào môi trường cạnh tranh kinh tế gay gắt khi Cộng đồng kinh tế ASEAN đi vào hoạt động, trong đó có cạnh tranh về vốn đầu tư và cạnh tranh về thị trường ngay trên sân nhà. Nếu chúng ta không tăng cường năng lực cạnh tranh, chúng ta sẽ thua thiệt. Chúng ta phải biết tận dụng lợi thế của mình để phát huy sản xuất như gia công xuất khẩu, hàng nông sản, thủy sản. Nổi bật là trong năm nay Việt Nam đã cùng với Nhật Bản thúc đẩy liên kết hiện đại hóa nông nghiệp và ngư nghiệp, qua đó Việt Nam sẽ cùng Nhật Bản tham gia vào phân công lao động mới trong TPP, góp phần gia tăng xuất khẩu.

TS. Nguyễn Ngọc Trường nhận xét một điểm nổi bật khác trong hoạt động ngoại giao năm 2014 là tăng cường được nhận thức trong toàn dân và toàn xã hội về đối tượng và đối tác. Việt Nam là bạn của tất cả các quốc gia, là đối tác tin cậy của các nước. Chúng ta đã xác định rõ hơn một bước nội hàm của đối tác chiến lược và việc cần tạo ra lợi ích chiến lược thông qua các quan hệ kinh tế và phát huy vị trí địa-chiến lược của đất nước.

Ngoài ra, trong quan hệ với Trung Quốc và các nước, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khái quát “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” khiến chúng ta đã có một nhận thức mới về nghệ thuật ngoại giao.

Trước "sức ép" ngược lại của các nước lớn cộng với dư luận trong nước, các nhà lãnh đạo cần biết thúc đẩy quan hệ với nước lớn này tới giới hạn tối đa trong khuôn khổ cho phép mà không gây xung đột đổ vỡ quan hệ với nước lớn khác. Có như vậy mới tối ưu hóa lợi ích quốc gia của mình.

“Hoạt động đối ngoại của nước ta trong năm qua đã phát huy được những nét đặc trưng của ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”, TS. Nguyễn Ngọc Trường kết luận.

Theo Hồng Nguyên
Chính phủ