“Nghiệp bóng đá” và câu chuyện về một người đã đi xa...
(Dân trí) - Hồi 6h10 sáng qua (25/12), cựu danh thủ, đại tá Ngô Xuân Quýnh đã qua đời sau một cơn đau đột ngột tại Bệnh viện Quân đội 108. Trân trọng tình cảm của gia đình và tâm nguyện của ông khi còn sống, chúng tôi xin đăng lại bài báo viết về ông mà ông từng rất tâm đắc.
Trước khi gặp ông, trong đầu tôi luôn nghĩ đến một ông cụ đã bước vào độ tuổi nghỉ ngơi, bỏ qua mọi điều thị phi tầm thường trong cuộc sống. Nhưng quả thật tôi đã nhầm khi “trót dại” hỏi ông về bóng đá. Một câu chuyện đối với ông dường như không bao giờ kết thúc và những nỗi mệt mỏi của tuổi già không thể ngăn cản nổi những tình cảm vô bờ của ông đối với trái bóng tròn.
Những kỉ niệm khó quên
“Quả thật, bóng đá, đối với tôi như các cụ nhà ta hay nói, đã trở thành một cái nghiệp...”, đại tá Ngô Xuân Quýnh tâm sự. Trái bóng như có một mãnh lực nào đó khó giải thích khiến cho ông, ngay từ thuở nhỏ đã có những tình cảm vô cùng thắm thiết.
Nhắc về những kỉ niệm xa xưa, ông tỏ ra vô cùng phấn khích khi nhắc đến những trận đấu bóng tổ chức tại thành Vinh. Ngồi sát đường biên, mỗi khi các cầu thủ chuẩn bị phát bóng, cậu bé Quýnh lại... lao ra ôm chặt chân họ, dường như cậu muốn tình yêu bóng đá từ các cầu thủ của họ sẽ truyền cả sang người mình. Rồi những trận đấu cùng bạn bè với trái bóng là quả bưởi trong vườn hay những cuộn giẻ, trái ban quần... đã trở thành trận đấu không thể nào quên.
Ước mơ trở thành một cầu thủ bóng đá trở thành sự thật khi ông theo học lớp cán sự về Văn hoá - Thể thao tại trường Lục quân. Tại đây, được sự dìu dắt tận tình của “túc cầu tiểu vương” Nguyễn Thông, một cầu thủ bóng đá xuất sắc nổi tiếng từ trước năm 1945, chàng trai Ngô Xuân Quýnh nỗ lực tập luyện với tất cả niềm hăng say của tuổi trẻ đầy nhiệt huyết.
| |
Ngô Xuân Quýnh (đứng,phải) trong màu áo tuyển VN năm 1957. |
Và những nỗ lực không mệt mỏi của cầu thủ trẻ Ngô Xuân Quýnh đã được đền đáp xứng đáng khi ngày 23/9/1954, Ngô Xuân Quýnh và 22 chiến sĩ khác trở thành những cầu thủ đầu tiên của một đôi bóng được nhiều thế hệ người hâm mộ bóng đá Việt Nam biết đến: Đội bóng Thể Công.
Ngô Xuân Quýnh, người xây đền
Là một trong những cầu thủ đầu tiên của đội bóng mang tên Thể Công đầy hào hùng, dường như cuộc đời ông sinh ra đã được gắn với trái bóng tròn. Ba chức vô địch quốc gia năm 1955, 1956 và 1958 đối với cuộc đời cầu thủ của Thể Công chưa thể gọi là nhiều, nhưng với ông, đó chính là những trái ngọt đầu tiên mà ông giành được cùng với những người đồng đội trong màu áo xanh.
Chính những thành quả này đã khiến ông gắn bó cả cuộc đời mình với trái bóng tròn. Dù bất kỳ ở vị trí nào, HLV hay trên cương vị trưởng đoàn Thể Công, ông đều trăn trở làm sao để xây dựng đội bóng trở thành một tập thể gắn kết, một khối thống nhất mà ở đó, các cầu thủ coi nhau như anh em ruột thịt. “Có như vậy, Thể Công mới có thể trở thành một đội bóng mạnh, đội bóng của các chiến sỹ bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng với niềm tin yêu của người hâm mộ” - ông tâm sự.
| |
Xuân Quýnh cùng những đồng đội đã xây dựng nên một Thể Công vang bóng một thời. |
Chính vì thế, những bước thăng trầm của Thể Công đều mang những dấu ấn nhất định của người lính già Ngô Xuân Quýnh. Thế hệ những cầu thủ Thể Công gây tiếng vang suốt thập niên 70- 80 của thế kỷ trước như Ba Đẻn, Nguyễn Trọng Giáp, Phan Văn Mỵ, Vũ Mạnh Hải, Vương Tiến Dũng... mà sau này là Cao Cường, Hồng Sơn... đều đã từng là những người học trò được ông dìu dắt những bước đầu tiên với bóng đá.
“Tôi muốn xây phần hồn của đội bóng”
Đối với ông, điều đáng sợ nhất khi mọi người nghĩ về những cầu thủ bóng đá: Đó chỉ là những kẻ mặc quần đùi, áo số...”. Quả thật không thể trách người ta suy nghĩ như vậy khi mà có quá nhiều chuyện đáng buồn xảy ra trong và ngoài sân bóng: đánh nhau, hành hung trọng tài, cãi HLV...
“Thời tôi làm HLV, nhất quyết không thể có chuyện đó xảy ra. Tiêu chuẩn mà BHL chúng tôi đưa ra khi đó vô cùng khắt khe: Là cầu thủ của Thể Công về chuyên môn phải đạt cấp kiện tướng, về quân sự phải đeo quân hàm cấp uý, về văn hóa phải học xong phổ thông trung học...”, ông bức xúc nói.
Tôi chợt hiểu ra rằng, chính những tiêu chuẩn mà ông vừa nói quả thật có ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh của một cầu thủ bóng đá. Để trở thành một cầu thủ bóng đá thực sự không chỉ cần tài năng mà còn đòi hỏi một quá trình luyện tập cần cù, một ý thức cầu tiến luôn chịu khó học hỏi và rèn luyện mình không những về chuyên môn mà cả về đạo đức và lối sống. Mỗi cầu thủ không chỉ cần những người thầy về chuyên môn mà họ còn cần những những người thày về đạo đức, người sẽ dẫn dắt họ, định hướng cho họ trở thành một cầu thủ bóng đá chân chính. Đó chính là phần hồn của các cầu thủ, phần hồn của mỗi đội bóng.
“Quyến (Văn Quyến) là một tài năng bóng đá mà ai cũng biết, những gì xảy ra với cậu ta thời gian gần đây là chuyện chúng ta đáng suy nghĩ. Cậu ta có lỗi nhưng đã có ai tìm hiểu tại sao lại vậy? Với xuất thân nghèo khó và những vinh hoa đạt được trong thời gian ngắn, Quyến trở thành một con người hoàn toàn khác và chính vì vậy những gì xảy ra đều có lí. Thế nhưng, nếu tôi là người trực tiếp quản lí Quyến, chắc chắn đã không có những chuyện đáng tiếc như vậy xảy ra”, ông thoáng buồn.
Người gieo hạt
| |
Người lính già tìm niềm vui cùng phong trào bóng đá trẻ.
|
Nghỉ hưu năm 1992, nhưng cuộc đời ông vẫn lăn đều với trái bóng tròn. Nhận một công việc tại LĐBĐVN, ông ấp ủ nguyện vọng muốn đem hết sức mình giúp cho bóng đá Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa so với các nền bóng đá trong khu vực. Năm 1995, giải bóng đá Nhi đồng Toàn quốc lần thứ nhất do báo Nhi đồng tổ chức diễn ra rất thành công với sự đóng góp rất lớn của ông. Đó chính là mảnh đất để ông thực hiện ấp ủ của mình. Mọi quy định, luật thi đấu, sân bãi, số lượng cầu thủ tham gia đều do chính ông nghiên cứu và quyết định.
Kể từ đó, cùng với báo Nhi đồng ông trở thành người gieo những hạt mầm bóng đá đến khắp mọi miền tổ quốc từ miền núi cao Hà Giang cho đến mũi Cà Mau xa xôi. Rất nhiều những tài năng bóng đá trẻ hiện nay như Văn Quyến, Như Thuật, Hải Nam... đều là những cầu thủ được phát hiện từ cái nôi bóng đá phong trào này.
Thấm thoát đã qua 10 năm, giải bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng toàn quốc đã dần có được tiếng vang, thu hút đông đảo sự quan tâm chú ý của người hâm mộ. Hình ảnh người lính già với quyển sổ trên tay ghi chép cẩn thận số liệu từng trận đấu khiến người ta tự hỏi sức mạnh nào đã giúp ông có thể hoàn thành một số lượng công việc khổng lồ đòi hỏi thời gian và lòng kiên trì mà ở độ tuổi ông đã trở không còn phù hợp.
Và tôi biết rằng, nếu còn cơ hội, ông cũng vẫn sẽ chọn công việc của một người gieo hạt, phát hiện và nuôi dưỡng những tài năng bóng đá còn đang chớm nở trong vườn cây bóng đá, những nhân tố chính để giúp bóng đá Việt Nam ngày càng lớn mạnh, sánh ngang với những nền bóng đá mạnh khác trong khu vực. Nhìn người lình già cặm cụi bên những tập tài liệu chứa đựng bao tâm huyết của mình với bóng đá nước nhà, tôi bỗng nhiên thấy trong lòng mình bật lên câu: Ước gì...
Đại tá Ngô Xuân Quýnh sinh năm 1933 tại Hưng Nguyên - Nghệ An. Nhập ngũ năm 17 tuổi.
Năm 1954: Ông là một trong 23 cầu thủ đầu tiên của đội bóng Thể Công tại chiến khu Việt Bắc.
Đoạt ba chức vô địch quốc gia các năm 1955, 1956, 1958, hạng nhì năm 1957.
Năm 1959, ông được bầu là một trong 11 cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất do báo Thời Mới tổ chức (tiền thân của báo Hà Nội Mới ngày nay).
Từ năm 1961 đến năm 1989 tham gia công tác huấn luyện và tổ chức đoàn Thể Công. Là người đã gây dựng những tên tuổi lớn không chỉ cho bóng đá Thể Công mà còn cả bóng đá nước nhà: Ba Đẻn, Nguyễn Trọng Giáp, Phan Văn Mỵ, Vũ Mạnh Hải, Vương Tiến Dũng...
Năm 1989, ông tham gia vào Ban Trù bị đại hội thành lập Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và được bầu làm Phó Chủ tịch LĐBĐVN. Các nhiệm kỳ tiếp theo, ông được tín nhiệm bầu là Uỷ viên BCH LĐBĐVN.
Năm 1992, ông nghỉ hưu và về công tác tại LĐBĐVN Từ đó đến nay ông phụ trách phát triển bóng đá phong trào. Ngoài ra, ông còn là một cộng tác viên bóng đá vô cùng nhiệt tình cho các tờ báo như Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Bóng Đá...
Không những thế ông còn được các nhà báo thể thao khác tôn sùng là “pho từ điển sống của bóng đá Việt Nam”. Tự tay ông ghi chép vô cùng cẩn thận từ những danh thủ bóng đá Việt Nam đầu tiên như Trương Tấn Bửu, Ngô Chí Viễn, Thìn A... cho đến những cầu thủ mà chúng ta vẫn quen biết như Ba Đẻn, Cao Cường, Hồng Sơn...
Lễ viếng chuyên gia Ngô Xuân Quýnh được tổ chức vào hồi 10h30 ngày 27/12/2005 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. |
Việt Hưng