Nghiên cứu lập đơn vị mua sắm chuyên nghiệp để bác sĩ không "dính" sai phạm
(Dân trí) - Chính phủ có cơ chế giao cơ quan chuyên môn, thống nhất một đầu mối để thực hiện mua sắm tập trung vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng, chống dịch… là kiến nghị được cử tri gửi tới Quốc hội.
Báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội Khóa XV, được Chính phủ tổng hợp gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với 273 kiến nghị được Ban Dân nguyện chuyển đến, Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng giao cho 22 bộ, cơ quan xem xét, giải quyết và trả lời cử tri.
Hạn chế sai sót ở cả Trung ương và địa phương
Về lĩnh vực y tế, cử tri nêu quan điểm để nhân viên ngành y tế dồn tâm lực trong công tác phòng, chống dịch, hạn chế những sai sót trong mua sắm, không phù hợp với ngành nghề chính được đào tạo, đề nghị Chính phủ xem xét cơ chế mới.
Đó là giao cho cơ quan chuyên môn về đấu thầu mua sắm thực hiện mua sắm tập trung, thống nhất một đầu mối để mua sắm vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng, chống dịch, không chỉ cho ngành y tế mà còn cho tất cả các ngành tham gia chống dịch.
Ngoài ra, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ nghiên cứu, xem xét xây dựng cơ chế, chính sách, thang bảng lương riêng đối với đội ngũ cán bộ y tế, phù hợp với quá trình đào tạo nhằm đảm bảo đời sống cho cán bộ, viên chức y tế, tránh thất thoát nguồn lực và thu hút nhân tài cho ngành.
Trả lời kiến nghị này, Chính phủ cho biết mua sắm tập trung do đơn vị chuyên môn về mua sắm thực hiện có ưu điểm là có hiệu quả kinh tế nếu số lượng mua sắm lớn, giá cả thống nhất, hạn chế một số sai sót so với việc các cơ sở y tế tự thực hiện.
Tuy nhiên, việc này cũng có hạn chế như cần thời gian để xây dựng năng lực đơn vị mua sắm; việc tập hợp nhu cầu sử dụng vật tư, trang thiết bị, hóa chất, thuốc cần nhiều thời gian, nếu không khẩn trương sẽ không đáp ứng được yêu cầu.
Theo phân tích của Chính phủ, hiện nay, tại Bộ Y tế đã có Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, tại một số địa phương cũng có đơn vị mua sắm tập trung và đã tổ chức mua sắm tập trung một số loại thuốc biệt dược, vật tư, trang thiết bị y tế.
Vì vậy, Bộ Y tế được giao phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát các quy định về mua sắm tập trung để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng, điều chỉnh cho phù hợp.
Qua đó, các đơn vị thúc đẩy việc thành lập đơn vị mua sắm chuyên nghiệp để thực hiện mua sắm tập trung một số vật tư, trang thiết bị, hóa chất phù hợp, có hiệu quả tại cả cấp Trung ương và địa phương.
Chính phủ cho biết sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách về mua sắm, đấu thầu để hạn chế các sai sót, cho dù là giao cho đơn vị mua sắm chuyên nghiệp hay các đơn vị chủ động thực hiện.
Đề nghị điều chỉnh tiền lương tương ứng mức giá sinh hoạt
Về cải cách chính sách tiền lương, cử tri đề nghị xem xét thực hiện lộ trình tăng lương cơ bản và điều chỉnh chế độ chính sách tiền lương tương ứng với mức giá các dịch vụ sinh hoạt.
Chính phủ cho biết từ năm 2020 đến nay, do tác động bất lợi của nhiều yếu tố ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 nên chưa có đủ điều kiện để cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Bên cạnh đó, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang cũng chưa được điều chỉnh, dẫn đến đời sống của người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua việc nâng mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng (tăng thêm 20,8%) từ ngày 1/7 cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Quốc hội đồng thời giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện vào thời điểm thích hợp sau năm 2023, nhằm tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, cống hiến.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng lãng phí, cử tri cho rằng vấn đề tham nhũng trong đại án kit test Việt Á chưa được giải quyết thỏa đáng. Dù những người vi phạm đã và đang được xử lý, nhưng quyền lợi của người dân thì chưa được đề cập.
Chính phủ khẳng định thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả. Các bộ thuộc Chính phủ đã được giao rà soát, xác định rõ những cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội còn thiếu chặt chẽ, sở hở, dễ bị lợi dụng, dễ nảy sinh tham nhũng.
Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo tập trung khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ, tăng cường công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm nhũng tổ chức, cá nhân vi phạm…
Việc đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng cũng là nội dung được Chính phủ tập trung triển khai.