1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghĩa trang... thơ!

(Dân trí) - Nhìn bề ngoài, nghĩa trang Cực Lạc Thái Bình (dưới chân núi Bà Đen thuộc xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) không khác so với các nghĩa trang trên khắp mọi miền đất nước. Song, có lẽ nơi đây được xếp vào loại độc nhất vô nhị bởi trên mỗi ngôi mộ của người quá cố đều có khắc lưu vài ba bài thơ…

Đến “thành phố buồn”

 

Bước qua một cái cổng chào cao, rêu phong phủ kín dấu tích thời gian, hàng ngàn ngôi mộ đủ kích cỡ cao thấp, từ kiến trúc nhỏ đến những ngôi mô xây dựng quy mô hoành tráng hiện ra trước mắt. Mới có, cũ có nhưng những ngôi mộ đều có quy hoạch theo hàng lối và nằm san sát nhau giữa hai hàng phi lao thẳng tắp.

 

Ở đây, cảnh sinh hoạt trần tục duy nhất có lẽ là một quán nước nằm giữa lối đi tách biệt hai khu mộ được kê vài ba chiếc ghế và một chiếc xe đẩy tạm bợ. Chủ của quán “cóc” đặc biệt này là cô Nguyễn Thị Hiền - một cô gái già dặn hơn với cái tuổi 22 của mình. Ít ai ngờ rằng, cô gái nhỏ nhắn này có “thâm niên” 11 năm buôn bán ở “thành phố buồn” này. Cách đây hai năm, Hiền lấy chồng rồi sinh đựơc một đứa con, không lâu sau thì ly dị.

 

Từ đó, Hiền chọn cho mình chỗ này để kiếm sống, đồng thời cũng để quên đi những chuyện buồn của mình. Hiền tâm sự: “11 năm buôn bán ở đây, em đã chứng kiến bao cảnh đau thương. Có nỗi đau nào đau hơn việc phải mất người thân hả anh! Chuyện của em đã thấm vào đâu?” Hàng ngày, đều đặn sáng dọn ra, tối thu về, Hiền vẫn thui thủi một mình buôn bán kiếm tiền nuôi con. Khách hàng của cô là những người xây mồ mả và một lượng lớn người thân đến thăm mộ. Hiền bảo: “Nhìn vậy chứ đông khách lắm anh ơi. Nghĩa trang này có hàng ngàn mộ và rộng gần 60ha cơ mà”.

 

Hiền được nghe ông bà kể lại, trước đây, nơi này hoang sơ vắng vẻ. Nghĩa trang là nơi an nghỉ cho các phối sư, đạo hữu đạo Cao Đài - Hoà Hảo Tây Ninh và cả những người ngoại đạo, thường dân. Mới đầu, khu nghĩa trang này chỉ có vài chục ngôi mộ, dần dần số lượng cứ tăng dần lên. Đến nay, “dân số” đã lên hàng nghìn ngôi. Tôi hỏi Hiền về những bài thơ khắc trên bia mộ. Hiền nhận xét ngắn gọn, do “ăn theo” thôi!.

 

Tôi tìm đến ông Phạm Văn Lộc, 65 tuổi - người quản trang lâu đời ở đây. Ông được xem là một trong những người quản trang lâu nhất của khu nghĩa trang này với hơn 40 năm trong nghề và hiện là thành viên trong Ban quản lý khu Cực Lạc Thái Bình.

 

Vào đây từ năm 1960, nhiệm vụ của ông Lộc là trông coi mồ mả, chỉ dẫn những người tìm mộ người thân của mình, đồng thời tiếp nhận việc xin cấp đất cất mộ của người có nhu cầu. Quản lý nghĩa trang này ngót nửa thế kỷ, ông Lộc chứng kiến biết bao nhiêu con người từ mọi miền về đây yên nghỉ. Con đường đến đây của mỗi người một khác: có người sống đến tuổi thất thập cổ lai hy chết vì tuổi cao sức yếu, cũng có đám “tre già khóc măng non”.

 

Về sự tích ra đời những bài thơ được khắc trên ngôi mộ, ông Lộc cho biết: “Chỉ biết rằng, lúc đầu một gia đình nọ có người thân mất nhưng một số con cháu ở xa không về kịp. Thế là, người thân làm một bài thơ khắc trên mộ tưởng nhớ người quá cố. Cũng từ đó, ông Lộc trở thành nhà thơ bất đắc dĩ. Ông nhớ lại hoàn cảnh ra đời bài thơ đầu tay của mình: “Dạo đó, có một ông bên Mặt Trận tổ quốc huyện đến tìm tôi nhờ sáng tác một bài thơ để thương tiếc đứa con trai (mới ngoài 20 tuổi) xấu số của mình.

 

Vốn là người yêu văn chương lại thấu hiểu chuyện nhân giả thiện báo, ác giả ác báo, ông Lộc đã đồng ý. Hai ông ngồi vào bàn nhâm nhi, tâm sự và tìm…cảm hứng. Khi rượu đã ngấm, ông Lộc “xuất khẩu” thành bài thơ mang tựa đề “Khóc con” gồm 8 câu thất ngôn tứ tuyệt mà đến tận bây giờ ông vẫn thuộc lòng: Tre già chịu cảnh khóc măng non/ Tiếng nói con thơ chẳng có còn/Một phút rủi ro do mạng số/Chỉ còn rơi lệ để tiễn con/ Nhìn lên di ảnh lệ dòng châu/Tất cả chị anh nhỏ giọt sầu/Đỗ quyên khóc bạn người bạc số/Anh chị còn đây em ở đâu?.

 

Không ngờ, bài thơ ấy dần dần trở nên nổi tiếng tại khu Cực Lạc Thái Bình này. Nhiều gia đình cùng cảnh ngộ đã lấy bài thơ khắc lên mộ người thân của mình. Cho đến lúc này, ông Lộc đã “xuất khẩu” đến vài chục bài thơ. Ngoài thơ của ông Lộc, quanh khu này còn có hơn 400 bài thơ được khắc lên hàng ngàn ngôi mộ .

 

Năm bảy đường thơ

 

Hầu hết các bài thơ ở đây được khắc đằng sau tấm bia mộ, bên trên thường đi kèm với một bích hoạ phong cảnh bằng đá ghép hoa cương rất đẹp. Thể thơ rất đa dạng, từ lục bát, thất ngôn tứ tuyệt, Đường luật, đến thơ tự do… đều có cả. Ông Lộc cho biết, thơ ở đây phần lớn là tự biên tự diễn. Họ tìm đến ông hoặc nhờ một người khác sáng tác theo đúng hoàn cảnh. Nguồn thứ hai là “tam sao thất bản” từ sách vở, từ Truyện Kiều, thơ Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến .... sau đó đựơc “cải biên” cho phù hợp với hoàn cảnh.

 

Thơ của các thi sĩ thường sâu xa, chiêm nghiệm lâu mới thấy hết ý nghĩa ẩn giấu bên trong. Còn hầu hết các bài thơ ở đây thường được viết theo lối trực khởi, một nghĩa, người đọc lên có thể hiểu được ngay nội dung “tác giả” muốn gửi gắm và cảm nhận đựơc sự đau khổ mất người thân, sự chia ly, vợ khóc chồng, con khóc cha… qua những lời thơ chan chứa tình cốt nhục. Duyên nợ ba sinh thiếp gặp chàng/ Tâm đầu ý hợp việc gia cang/Những tưởng trăm năm bền tơ tóc/Nào ngờ tứ khổ quá phũ phàng/Chàng lên lưng hạc về tiên cảnh/ Thiếp thân goá bụa phải liệu toan/Con côi thơ dại ôi chàng hỡi/Lệ đổ đêm thâu thiếp khóc chàng.

 

Và đây là một bài thơ con khóc cha: Cha ở nơi đâu tận nơi nào?/Thân con côi cút biết làm sao/Học hành giang dỡ ôi sự nghiệp/Mẹ khóc con thương ruột gan bào/Nhìn trước ngó sau cha vắng bóng/Tang thương vương vấn ngõ sân rào...

 

Có những bài thơ lại nói về nhân sinh quan cuộc đời, ví dụ như bài thơ tác giả là phối sư Thanh Vân khắc trên bia mộ người bạn của mình: Thuyền đạo lộng khơi buổi đảo quyền/Chợ đời xạo xự quá chinh nghiêng/Lao xao sóng vỗ thời tang tóc/Vi vu gió lùa buổi biến thiên/ Bền chí chèo xuôi qua bể khổ/Giữ gìn buồm thuận đến bờ liền/Lái lèo vững chắc nhờ chung sức /Vượt khỏi trùng dương rõ phước duyên.

 

Ai mua thơ tôi …bán thơ cho!

 

Có cung ắt có cầu. Hiện nay, giới thợ hồ chuyên xây mộ khu vực này đã sưu tầm được hơn 500 bài thơ. Được ghi chép trong quyển sổ tay nhỏ. Khách đến xem, tuỳ hoàn cảnh của mình và hoàn cảnh của người đã chết để lựa ra bài thơ thích hợp ưng ý nhất.  Một bài thơ như thế, sau khi hoàn thành đổ đồng giá 60.000 đồng/bài, bất kể thể loại thơ, nội dung ra sao. Theo một thợ xây mộ, đây không phải là số tiền trả “bản quyền” bài thơ mà đó chỉ là tiền công sắp chữ vi tính, tiền đá để khắc thơ.

 

Tôi thắc mắc, việc “đạo” thơ, ăn cắp bản quyền như thế có bị kiện cáo không? Ông Lộc lắc đầu, phân bua: “Tui Làm mấy chục năm có thấy ai tranh quyền đoạt lợi tìm hiểu xuất xứ bài thơ đâu? Hơn nữa, trong số các bài thơ này, thấy câu nào hay đem ghép sang bài thơ khác, hoặc lấy từ thơ Truyện Kiều, Nguyễn Khuyến... cải biên lại cho phù hợp với hoàn cảnh người nằm dưới mộ. Ngay cả những bài thơ tôi sáng tác mà lắm lúc vẫn không nhận ra vì đầu voi đuôi chuột…”.

 

Ông nói thêm, thơ cải biên, thơ ăn theo... tranh danh đoạt lợi làm gì. Nhiều ngôi mộ có đến 5- 6 bài thơ, thậm chí đến 8 bài thơ với các chủ đề khác nhau được khắc lên bia. Mỗi bài thơ thể hiện một tấm lòng của một thế hệ đối với người dưới mộ.

 

Ngoài thơ khắc trên mộ ra, ban quản lý nghĩa trang còn tổ chức lễ giỗ rất lớn theo đúng cách thức lễ giỗ ở Nam Bộ vào ngày 7/7 âm lịch hàng năm. Vào ngày này, người thân khắp nơi đổ về mua hoa quả nhang đèn cúng giỗ. Đêm trước ngày giỗ chính, nơi này còn tổ chức hoạt động văn hoá nghệ thuật đến tận đêm khuya. Lễ giỗ đã trở thành truyền thống, một nét văn hóa độc đáo nữa ở nghĩa trang thơ độc nhất vô nhị này.

 

Ca Hảo