Thừa Thiên Huế:

Nghĩa tình ngày “hiệp kỵ” cho người có công với Cách mạng đã quá cố, neo đơn

(Dân trí) - Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng ở các cụ, các mẹ điều có điểm chung là có công với nước, neo đơn, không nơi nương tựa... khi người thân của họ đã hy sinh trong chiến tranh. Đến khi mất đi, 27/7 hàng năm là ngày “hiệp kỵ” chung của các cụ.

Ngôi nhà thứ 2 đong đầy tình thương

Trung tâm Điều dưỡng, Chăm sóc người có công tỉnh Thừa Thiên Huế ở đường Yết Kiêu, TP Huế được tách ra từ năm 2008. Trước đây, năm 1985 là Trại xã hội và Nhà dưỡng lão của UBND tỉnh Bình Trị Thiên. Hiên nay, nơi đây đang nhận chăm sóc cho 22 cụ già có công với cách mạng và là thân nhân của người có công với cách mạng. Có cụ vào đây cũng đã hơn 30 năm, có cụ ít nhất cũng phải 4 năm. Họ xem đây là ngôi nhà thứ hai của mình và các cụ trong trung tâm là những người anh, chị, em ruột thịt của mình.

Cụ Thân Thị Sáu, 82 tuổi, vào trung tâm cũng đã được 4 năm chia sẻ: “Chồng tôi hi sinh trong chiến tranh. Đến khi hòa bình con tôi nhiễm chất độc đi-ô-xin rồi cũng bỏ tôi mà đi luôn. Ở quê tôi không còn ai cả, tuổi già sống một mình cô đơn không ai chăm sóc nên tôi xin vào trung tâm để ở”.

Tại trung tâm, các cán bộ điều dưỡng xem các cụ như là bố là mẹ của mình chăm sóc chu đáo từ sinh hoạt đi lại đến bữa ăn. Có hôm các cụ ốm các cán bộ điều dưỡng phải thay nhau trực 24/24. Ở đây, có 5 cụ không còn khả năng đi lại, không tự lo cho các sinh hoạt của bản thân được nên các cán bộ phải lo tất cả, đến bữa ăn phải bón từng thìa cho các cụ.

Chị Nguyễn Thị Loan, cán bộ điều dưỡng là người có thâm niên làm việc ở trung tâm lâu nhất tâm sự với chúng tôi rằng: “Làm việc ở đây đã lâu năm nên tôi rất gắn bó với các cụ tôi thương các cụ như bố như mẹ của tôi vậy. Chăm sóc các cụ hàng ngày, đến khi các cụ già yếu mất đi tôi buồn như mất đi một người thân trong gia đình vậy”.

Trung tâm Điều dưỡng, Chăm sóc người có công tỉnh Thừa Thiên Huế
Trung tâm Điều dưỡng, Chăm sóc người có công tỉnh Thừa Thiên Huế

Các cụ ở đây, có chế độ chăm sóc chu đáo, cẩn thận. Sáng tập thể dục dưỡng sinh, rồi đi kiểm tra sức khỏe. Các bữa ăn hàng ngày đều được ăn theo chế độ dinh dưỡng khoa học của người cao tuổi.

Anh Nguyễn Sĩ Quế, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng, Chăm sóc người có công tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là các cụ tuổi đã lớn nên rất khó tính. Đôi lúc chúng tôi phải trò chuyện tâm sự thân mật từng cụ để các cụ hiểu cho chúng tôi hơn”.

Ngày “hiệp kỵ” cho các cụ đã khuất

Trong khuôn viên trung tâm Điều dưỡng, Chăm sóc người có công có nhà tang lễ và khu phòng tưởng niệm, thờ cúng những người có công không còn thân nhân. Một bàn thờ được đặt trang trọng ấm cúng có phông màn trướng liễn câu đối, có tủ phía trước đặt lư đồng, đèn đồng, bát nhang chung của các cụ, phía trước là bàn lễ thấp để bày mâm cỗ.

Khi các cụ còn sống được chăm sóc tận tình, kỹ lưỡng. Đến khi già yếu mất đi, các cụ sẽ được trung tâm lo đám tang trong 3 ngày, sau đó sẽ đưa tang và an táng các cụ tại nghĩa trang chung của trung tâm. Thế nhưng có cụ, lúc còn sống khỏe mạnh chắt chiu được chút ít thì nhờ Trung tâm mua đất, xây lăng rồi để sau này các cụ mất đi an táng các cụ tại đó và lo hậu sự về sau.

Sau 3 ngày đưa tang, các cụ được Trung tâm cúng cơm đến 49 ngày. Đúng 1 năm sau ngày mất, bát nhang các cụ sẽ được nhập chung cùng với bát nhang của các cụ đã mất trước. Đến rằm, Tết Nguyên Đán trung tâm đều có hoa quả cúng các cụ. Đặc biệt đúng ngày 27/7 hàng năm là ngày “hiệp kỵ” của các cụ. Một mâm cỗ cúng với đầy đủ các món truyền thống đây là lúc mọi người nhớ lại các cụ đã khuất trong sự thành kính, trang nghiêm.

Sau khi giỗ xong, các cụ trong trung tâm sẽ có một bữa cơm sum họp như là lời tri ân và biết ơn trong ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Một bàn thờ được đặt trang trọng ấm cúng có phông màn trướng liễn câu đối, có tủ phía trước đặt lư đồng, đèn đồng, bát nhang chung của các cụ, phía trước là bàn lễ thấp để bày mâm cỗ.
Một bàn thờ được đặt trang trọng ấm cúng có phông màn trướng liễn câu đối, có tủ phía trước đặt lư đồng, đèn đồng, bát nhang chung của các cụ, phía trước là bàn lễ thấp để bày mâm cỗ.
Bàn thờ và bát nhang chung của các cụ đã khuất không có người thân thờ phụng tại trung tâm.
Bàn thờ và bát nhang chung của các cụ đã khuất không có người thân thờ phụng tại trung tâm.
Anh Nguyễn Sĩ Quế, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng, Chăm sóc người có công tỉnh Thừa Thiên Huế thay mặt Ban giám đốc thắp nén nhang trong ngày hiệp kỵ 27/7 của các cụ đã khuất
Anh Nguyễn Sĩ Quế, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng, Chăm sóc người có công tỉnh Thừa Thiên Huế thay mặt Ban giám đốc thắp nén nhang trong ngày hiệp kỵ 27/7 của các cụ đã khuất
Thắp hương lên các cụ đã khuất
Thắp hương lên các cụ đã khuất
Một mâm cỗ cúng với đầy đủ các món truyền thống trong ngày 27/7 ấm áp nghĩa tình
Một mâm cỗ cúng với đầy đủ các món truyền thống trong ngày 27/7 ấm áp nghĩa tình
Sau khi giỗ xong, các cụ trong trung tâm sẽ có một bữa cơm sum họp như là lời tri ân và biết ơn trong ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Sau khi giỗ xong, các cụ trong trung tâm sẽ có một bữa cơm sum họp như là lời tri ân và biết ơn trong ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Quỳnh Nga – Đại Dương