Nghi Xuân – miền quê đáng sống
(Dân trí) - Không chỉ được biết đến là quê hương của Danh nhân văn hóa thế giới Đại thi hào Nguyễn Du mà huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) với lịch sử 550 năm hình thành và phát triển đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thực sự là một miền quê đáng sống.
Quá trình lịch sử, huyện Nghi Xuân có nhiều tên gọi và địa giới hành chính khác nhau. Thời kỳ nước ta bị đặt dưới quyền cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc, huyện có nhiều tên gọi khác nhau, như: Dương Thành, Dương Toại, Phổ Dương, đến thời nhà Minh đô hộ tên huyện gọi là Nha Nghi sau đó là Nghi Chân.
Năm Kỷ Sửu (1469) niên hiệu Quang Thuận thứ 10, vua Lê Thánh Tông định lại bản đồ cả nước, tên huyện Nghi Xuân cùng địa giới huyện được hoạch định rành mạch từ đó.
Huyện Nghi Xuân là nơi được kết nối từ 3 tuyến địa giới tự nhiên: Phía Bắc là dòng sông Lam, bên kia sông là huyện Hưng Nguyên, huyện Nghi Lộc và thành phố Vinh thuộc tỉnh Nghệ An; phía Tây Nam là dãy Hồng Lĩnh; phía Đông giáp biển Đông với 32 km bờ biển kéo dài từ Cửa Hội đến Lạch Kèn. Đây thực sự là vị trí địa lý quan trọng, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Nét đẹp trên các làng quê huyện Nghi Xuân
Trải qua các thời kỳ lịch sử, huyện Nghi Xuân đều có những đóng góp hết sức quan trọng sự phát triển của tỉnh và của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2012 - 2018 bình quân đạt 17,95%, riêng năm 2018 đạt 17,56%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 40 triệu đồng, gấp 3,07 lần so với năm 2010, tăng 1,42 lần so với năm 2015.
Với những thành tích nổi bật trong xây dựng và phát triển quê hương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Nghi Xuân đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2008; Chính phủ tặng Cờ thi đua năm 2017; UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng nhiều Cờ thi đua, danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và Bằng khen. Đặc biệt, huyện đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho những thành tích xuất sắc giai đoạn 2014 - 2018.
Không chỉ đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, mà Nghi Xuân còn là vùng “địa linh nhân kiệt” nơi sản sinh ra những con người tài hoa, kiệt xuất. Đó là quê hương của Đại Thi hào Nguyễn Du - Danh nhân Văn hóa thế giới, Danh nhân văn hóa Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, Thánh sư Địa lý Tả Ao…
Ảnh: Đức Đồng
Những con đường xanh tươi, sạch đẹp, là điểm đến hấp dẫn của du khách
Đây cũng là cái nôi sinh ra những giá trị văn hóa truyền thống, là vùng đất cổ giàu trầm tích văn hóa, hội tụ tinh hoa của các nền văn hóa cổ với dày đặc các di chỉ khảo cổ học kết nối liên tục các giai đoạn lịch sử hình thành của con người nơi đây từ thời tiền sử đến nay.
Về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, sau 8 năm thực hiện, huyện Nghi Xuân đã huy động nguồn lực được 2.600 tỷ đồng (Ngân sách nhà nước và nguồn vốn lồng ghép gần 900 tỷ đồng, vốn tín dụng gần 900 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp gần 15 tỷ đồng, nhân dân đóng góp và nguồn xã hội hóa trên 450 tỷ đồng…).
100% xã trong huyện đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM); có 9/9 tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM (quy hoạch, giao thông, thủy lợi, y tế, văn hóa, giáo dục, sản xuất, môi trường, an ninh trật tự xã hội).
Đến cuối năm 2018, Nghi Xuân là huyện đạt chuẩn đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh, trước 2 năm so với kế hoạch.
Nhờ kinh tế phát triển, văn hóa được coi trọng và giữ gìn nên đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân Nghi Xuân ngày càng khởi sắc và nâng cao.
Cảnh quan nông thôn như những bức tranh đầy màu sắc: Đường bê tông rộng rãi, xanh sạch đẹp; những hàng cây xanh mát, những rặng hoa, đường hoa lúc nào cũng khoe sắc tỏa hương. Đặc biệt, con người nơi đây hết sức niềm nở, thân thương và mến khách.
Cũng chính vì vậy, hàng năm lượng du khách đổ xô về huyện Nghi Xuân tham quan, học hỏi ngày một đông. Họ tìm về những nét đẹp văn hóa, những giá trị về bề dày lịch sử và tìm về những không gian tĩnh lặng, thơ mộng nơi miền quê này.
Xuân Sinh