1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghĩ từ văn hóa đâm trâu, chém lợn và chuyện Maggie Q bảo vệ tê giác

Tuần trước, nữ diễn viên người Mỹ gốc Việt nổi tiếng Maggie Q có mặt tại nước ta - nơi bị coi là một trong hai thị trường tiêu thụ sừng tê nhiều nhất thế giới - để tham gia chiến dịch bảo vệ tê giác mà cô là đại sứ quốc tế. Và những chú cá heo mắc cạn tại bờ biển Đông Bắc Nhật Bản cách đây không lâu thì được những người dân địa phương nỗ lực tiếp nước bằng từng xô nước và cả những chiếc khăn bông. Còn chúng ta - vẫn tiếp tục tranh cãi về… văn hóa đâm trâu, chém lợn.

Thông điệp từ Maggie Q

Thông điệp từ Maggie Q

Không chỉ cùng các đại sứ khác phát đi thông điệp “Không có người mua, không còn kẻ giết”, bằng những gắn bó và trải nghiệm sâu sắc của mình, Maggie Q (tên VN là Lý Mỹ Kỳ) còn có những việc làm và phát ngôn lay động công chúng trong cố gắng hướng họ đến tình yêu thương các con vật.

Trong cuộc họp báo tại Hà Nội(ảnh),khi được hỏi cô nghĩ sao về lễ hội giết động vật công khai như đâm trâu ở Tây Nguyên và chém lợn ở Bắc Ninh, nữ đại sứ đã khéo léo trả lời: “Từ sâu thẳm trái tim, mỗi con người sẽ có những cảm nhận khác nhau về một vấn đề. Nhìn vào sự đau đớn, có những người đồng cảm và cũng có những người không cảm nhận thấy. Ước mơ của tôi là mọi người sẽ biết dùng cả trái tim và cái đầu để biết mình nên làm gì và ứng xử thế nào cho đúng đắn. Không phải ngay hôm nay thì sẽ là ngày mai…”. Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình làm đại sứ của chiến dịch này, cô cũng có những dòng hồi tưởng gây xúc động: “Đó là khi ở châu Phi, được nhìn thấy tê giác và voi sống thật tự nhiên và hoang dã trong khung cảnh vô cùng kỳ vĩ. Tôi chợt nhận thấy rất rõ mục đích cuộc sống và những món quà quý giá thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Chúng ta sinh ra ở trên đời, được sống trên trái đất này đều có lý do - đó là niềm tin của riêng tôi!”

Trước đó, trong một chiến dịch khác, kêu gọi mọi người ăn chay, cô cũng đưa ra những lý do đầy lay động: “Điều quan trọng với tôi là, tôi không tạo ra nỗi đau (cho các loài động vật) mà chúng sẽ phải chịu đựng nếu tôi thờ ơ. Khi tôi chết đi, cơ thể sẽ tan biến nhưng tôi tin rằng linh hồn sẽ ở lại và những quyết định của mình sẽ có ích…”. Nữ diễn viên từng góp mặt trong kha khá dự án phim bom tấn của Hollywood này hóa ra không coi điện ảnh là mục tiêu hành động số 1 của cô mà là: “Có được tiếng nói giàu trọng lượng nhằm bảo vệ quyền lợi cho các loài động vật”.

Maggie Q không nói suông. Ít ai biết, cô từng nhận nuôi tới sáu chú chó là “nạn nhân” của nạn bạo hành động vật; thậm chí cả những chú chó có vẻ ngoài dữ tợn mà không mấy ai dám nhận nuôi; đồng thời lên tiếng phản đối tệ lạm dụng động vật trong các rạp xiếc; tham gia sản xuất bộ phim tài liệu “Earthlings” nói về cách xã hội loài người đang đối xử với các sinh vật như thế nào… Lần trước đến VN, cô cũng tham gia chiến dịch cứu hộ gấu, và hiện là thành viên của một trung tâm chăm sóc voi mồ côi tại Kenya…

Những chiếc xô, những chiếc khăn bên bờ biển Hokota

Cùng thời điểm, truyền thông quốc tế đưa tin: Hôm 10.4, một hiện tượng lạ đã xảy ra ở bãi biển thành phố Hokota, đông bắc Tokyo, 150 con cá heo bị mắc cạn dọc theo bờ biển dài khoảng 10km. Ngoài nỗ lực giải cứu của cơ quan chức năng thì những cảnh quay trên kênh truyền hình NHK (Nhật Bản) cũng cho thấy một động thái gây xúc động mạnh cho người xem: Hàng chục người dân địa phương đã cần mẫn xách những xô nước đổ lên mình những chú cá heo, thậm chí còn dùng cả khăn tắm thấm nước để giữ cho da chúng không bị khô. Được tiếp nước, những chú cá mắc cạn nhúc nhích và lắc nhẹ vây nhưng cuối cùng chỉ 3 con trong số sống sót và được cảnh sát biển trả về với biển…

Thêm lần nữa, hình ảnh Nhật Bản lại có thêm điểm cộng trong mắt dư luận quốc tế. Trong khi đó, theo chị Hoàng Thị Minh Hồng (Giám đốc Trung tâm Change) thì tại Nam Phi, mỗi lần nghe tin có thêm một con tê giác bị giết, là ngay lập tức nhiều người sử dụng facebook của nước này bèn đồng loạt thay avatar:Bức ảnh đồ họa những chú tê giác cụt sừng nằm gục xuống bên… lá cờ đỏ sao vàng. Bởi VN được coi (đúng hơn là bị coi) là một trong hai quốc gia tiêu thụ sừng tê lớn nhất trên thế giới (cùng Trung Quốc). “Tôi không muốn hình ảnh một đất nước xinh đẹp, mến khách, yêu chuộng hòa bình… trong mắt bạn bè quốc tế lại có lúc thành ra như vậy” - chị Hồng cho biết lý do vì sao chị cùng các cộng sự đổ công đổ sức cho chiến dịch bảo vệ tê giác tại VN...

Theo Thiên An
Lao động