1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghỉ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: Không thể đi “tắt” luật!

(Dân trí) - Chiều nay 7/3, Chính phủ chính thức trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho người lao động nghỉ làm việc, hưởng lương trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Tuy nhiên, việc người lao động có được nghỉ ngày Giỗ Tổ ngay trong năm nay vẫn chưa được định đoạt.

Cùng đồng thuận

 

Tuy trong tờ trình của Bộ LĐTB&XH và báo cáo của Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đều khẳng định những mặt thuận và không thuận của việc nghỉ ngày giỗ Tổ Hùng Vương nhưng đa số các uỷ viên thường vụ đều thống nhất việc cho người lao động nghỉ ngày giỗ Tổ Hùng Vương là cần thiết.

 

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu - Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Quốc hội khẳng định: Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn mang bản sắc văn hoá dân tộc, có ý nghĩa thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam. Đây là dịp để đồng bào, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, chính kiến chính trị… hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của các Vua Hùng đã có công dựng nước.

 

Ngày 18 tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 22/CNV/CC cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Từ 1995, Bộ luật lao động tuy không quy định cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch song hàng năm Đảng và Nhà nước ta vẫn chỉ đạo việc tổ chức ngày giỗ Tổ Hùng Vương đảm bảo trang trọng, thành kính, đúng với ý nghĩa và tầm quan trọng của một ngày lễ lớn.

 

Việc quy định cho người lao động được nghỉ làm việc (hưởng lương) ngày giỗ Tổ không chỉ góp phần tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp các tầng lớp nhân dân cả nước hướng về cội nguồn mà còn góp phần thúc đẩy các hoạt động dịch vụ, du lịch phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người lao động.

 

Mặt khác, số ngày nghỉ lễ, Tết ở Việt Nam hiện ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực. Do đó, việc quy định nghỉ thêm 1 ngày giỗ Tổ là phù hợp với xu hướng chung.

 

Thời điểm thực hiện

 

Tuyệt đại đa số Uỷ viên thường vụ Quốc hội đều thống nhất cho rằng việc cho người lao động nghỉ ngày giỗ Tổ Hùng Vương là cần thiết. Tuy nhiên, cũng còn những ý kiến khác nhau quanh tên gọi ngày nghỉ, thời điểm thực hiện và phương án thực hiện. Thậm chí, có không ít uỷ viên đứng lên phát biểu nhiều lần để khẳng định ý kiến cá nhân.

 

Về tên gọi, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hằng nêu 2 phương án. Lấy theo tên gọi “Ngày Hùng Vương” đã quy định trong Sắc lệnh số 22 CNV/CC của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc “ngày giỗ Tổ Hùng Vương” theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.

 

Quốc hội sẽ dành 2 ngày cho phiên chất vấn

 

Theo báo cáo của Văn phòng Quốc hội, kỳ họp 11 Quốc hội khoá 11 tới dự kiến kéo dài trong 15 ngày, trong đó dành 2 ngày cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

 

Nội dung trọng tâm của kỳ họp cuối nhiệm kỳ là tổng kết công tác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, sẽ ưu tiên thời gian để thảo luận các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, đặc biệt đánh giá sâu những vấn đề trọng tâm, từ đó rút ra những bài học có tính chiến lược cho nhiệm kỳ tới.

 

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bố trí 1 ngày thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 2006. Ngoài ra, sẽ yêu cầu Chính phủ có báo cáo về kết quả thực hiện các nghị quyết về các công trình quan trọng quốc gia.

Đại diện Bộ Văn hoá - Thông tin cho rằng nên chọn phương án 1. Tuy nhiên, các uỷ viên Thường vụ đều thống nhất ý kiến đóng góp của Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội. Tên gọi “ngày giỗ Tổ Hùng Vương” thực chất vẫn trên cơ sở tên gọi thứ nhất, chỉ thêm cụm từ “giỗ Tổ” thể hiện hình thức tổ chức ngày lễ một cách trân trọng mang tính dân tộc.

 

Hình thức văn bản quy định bổ sung ngày nghỉ giỗ Tổ Hùng Vương là chủ đề nóng nhất trong phiên họp chiều nay. Việc quyết định “đi” theo hướng nào sẽ góp phần không nhỏ trong việc đưa vào áp dụng sớm hay muộn việc quy định nghỉ ngày giỗ tổ.

 

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Tráng A Pao ủng hộ quan điểm của Thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội nghiêng về phương án 1: đệ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết. Lý giải cho lựa chọn này, bà Nguyễn Thị Hoài Thu - Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội cho rằng: ngày 29/11/2006 tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XI, Quốc hội mới vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động. Nếu kỳ họp này sửa thêm một điều trong khi luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động chưa có hiệu lực thi hành sẽ tạo tâm lý cho rằng Bộ luật Lao động không ổn định, luôn bị sửa đổi.

 

Không đồng ý với quan điểm này, ông Vũ Đức Khiển - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật kiên quyết với ý kiến: “Thường vụ Quốc hội không thể làm tắt. Nếu sửa luật thì phải sửa bằng luật. Nếu sửa luật bằng cách ra Nghị quyết, đây sẽ là một tiền lệ xấu”.

 

Ý kiến này của ông Khiển nhận được nhiều sự đồng tình của các uỷ viên khác. Kết thúc phiên họp về tờ trình này của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho ý kiến: “Đồng ý phương án trình Quốc hội bổ sung vào Điều 73 của Chương VII của Bộ luật Lao động về việc nghỉ ngày giỗ Tổ Hùng Vương theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật rút gọn. Không thể nóng ruột mà làm nhanh. Sang năm thông qua cũng không có vấn đề gì”. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thêm, “nếu Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới thì tôi tin chắc nhân dân ta sẽ rất hoan nghênh”.

 

Phúc Hưng - Thái Sơn