1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nam:

Nghị lực phi thường của "Hoa hậu HIV"

(Dân trí) - Chồng mất vì nhiễm HIV, bản thân chị Trần Thị Huệ và con trai cũng mang trong mình căn bệnh thế kỷ, nhưng không vì thế mà chị chán nản, tự ti… Đứng lên từ tận cùng nỗi đau, chị bắt đầu tìm lại hạnh phúc từ điều nhỏ nhoi nhất...

Đó là hoàn cảnh của chị Trần Thị Huệ (SN 1983) ở xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đang có một gia đình êm ấm, hạnh phúc, bỗng dưng chồng mất vì căn bệnh thế kỷ, bản thân chị và con trai cũng mang “án tử” đã được báo trước, nhưng không vì thế mà chị từ bỏ tất cả. Vượt qua nỗi đau, chị bắt đầu đi tìm lại hạnh phúc. Và dấu ấn là chị đã "đăng quang" ngôi vị hoa hậu tại cuộc thi “Dấu cộng duyên dáng năm 2010” - cuộc thi dành cho những người đẹp có HIV.

Chúng tôi tìm đến gia đình ông Trần Văn Phong (SN 1945) và Vũ Thị Vui (SN 1946), bố mẹ chồng của chị Huệ. Vừa rót chén trà mời khách, ông Phong vừa kể chuyện gia đình mình. Vợ chồng ông có 6 người con (2 gái, 4 trai). Trong 4 người con thì có anh Trần Văn Thạch là con thứ 2 trong gia đình, học hết lớp 12, nhập ngũ đi bộ đội. Sau khi anh xuất ngũ, ở quê chỉ có vài ba sào ruộng, ngày nông nhàn cũng không biết làm gì nên anh Thạch lên Hà Nội làm thuê kiếm thêm thu nhập. Cũng tại đây anh Thạch gặp chị Huệ rồi nên duyên vợ chồng.

Sau khi cưới, vợ chồng chị Huệ chuyển về ở với gia đình ông Phong dưới căn nhà cấp 4 ở quê. Tuy nghèo khó nhưng bù lại gia đình lại rất thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Đứa con đầu ra đời trong niềm vui sướng của gia đình. Nhưng số phận thật trớ trêu, khi cháu được 2 tuổi thì gia đình phát hiện cháu bị mắc tật câm điếc, nằm một chỗ.

Năm 2005, gia đình anh chị lại hân hoan đón chào đứa con thứ 2. Nhưng số phận vẫn chưa hết trêu ngươi gia đình bé nhỏ ấy. Đứa con thứ 2 bị nhiễm “H”, tin ấy như sét đánh ngang tai với cả gia đình. Đưa cả nhà đi xét nghiệm lại càng sốc hơn khi kết quả cho thấy cả anh Thạch và chị Huệ cùng nhiễm “H”.

 Căn nhà bố mẹ chồng - điểm tựa tinh thần của chị Huệ.
 Căn nhà bố mẹ chồng - điểm tựa tinh thần của chị Huệ.

Cực chẳng đã, năm 2007, chị Huệ và chồng cùng đứa con thứ 2 vào miền Nam, thuê một phòng trọ rồi đi bán bong bóng kiếm thêm tiền, tránh lời đàm tiếu của thiên hạ. Nhưng ở trong đó cũng chẳng được bao lâu vì chi phí quá đắt đỏ, chưa kể tiền thuốc, thu nhập bán bong bóng lại bấp bênh, nên năm 2008 hai vợ chồng chị Huệ lại về quê. Cũng trong năm này anh Thạch qua đời vì căn bệnh thế kỷ.

Ông Phong tâm sự: “Đó thực sự là quãng thời gian vô cùng khó khăn với gia đình, bản thân Huệ lại là phụ nữ, nỗi đau ấy thực sự quá lớn, gia đình tôi cũng phải động viên con nó cố gắng chứ chẳng biết làm gì khác”.

Sau khi anh Thạch mất, bản thân mang trong mình căn bệnh “H”, lúc bấy giờ “H” là một cái gì đó thực sự ghê gớm, chị Huệ bị mọi người xa lánh. Để tránh những ánh mắt kỳ thị ấy, chị Huệ đã đưa 2 con ra Hà Nội sinh sống. Ở Hà Nội, chị Huệ được sự giúp đỡ, tư vấn của rất nhiều người, đặc biệt là các tổ chức giúp người nhiễm HIV chống chọi với bệnh tật và tái hòa nhập cộng đồng.

Ông Trần Văn Phong rất tự hào về con dâu của mình.
Ông Trần Văn Phong rất tự hào về con dâu của mình.

Thấy các tổ chức giúp người nhiễm HIV chống chọi với bệnh tật và tái hòa nhập cộng đồng là các tổ chức vô cùng hữu ích với người nhiễm “H”, nên chị Huệ đã đăng ký tham gia một khóa đào tạo thuyết trình viên cho người có HIV và xin tham gia vào các tổ chức để tuyên truyền, giúp đỡ những người khác đang mất tự tin như mình.

Nói về chị Huệ, bà Vui cho hay: “Cái Huệ vốn rất ngoan ngoãn, hiền lành, sống lễ phép, có trước có sau với gia đình chồng. Mặc dù một mình nó phải nuôi 2 đứa con bệnh tật, nhưng chưa bao giờ nó kêu than trách phận. Gia đình tôi sau khi biết tin con nó đạt giải nhất cuộc thi Hoa hậu Dấu cộng duyên dáng năm 2010 thì vui mừng lắm”.

Ảnh lễ đăng quang của chị Trần Thị Huệ.
Ảnh lễ đăng quang của chị Trần Thị Huệ.

Sau khi “đăng quang” tại cuộc thi “Dấu cộng duyên dáng năm 2010”, chị Huệ làm tuyên truyền viên có lương của Trung tâm Sức khỏe phụ nữ Hà Nội. Mỗi lần về quê, chị Huệ cũng tuyên truyền đến người dân, đồng thời tư vấn những người nhiễm “H” đến nơi cấp thuốc miễn phí.

Ở vùng quê nghèo đồng bằng chiêm trũng Hà Nam, cả xã Chính Lý chắc cũng chẳng lạ lẫm gì chị Huệ. Họ xem chị là niềm tự hào, cũng là tấm gương sáng trong việc vượt lên chính mình. 

Đức Văn


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm