1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Hà Nội rải thảm đỏ đón nhân tài:

Nghe sướng tai, dài cổ đợi!

(Dân trí) - Tôn vinh các thủ khoa, sẵn sàng tiếp nhận họ về làm việc tại các cơ quan thuộc Hà Nội - nghe thì hay nhưng thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc. Thiếu thông tin, thủ tục rườm rà, chậm trễ thời gian và các khó khăn “hậu tôn vinh” đang cản trở việc thực thi chủ trương cầu hiền của TP Hà Nội.

Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc những tâm sự, mong muốn của người trong cuộc và lý giải của quan chức thành phố.

 

Bà Nguyễn Thị Vinh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ: Hà Nội là thỏi “nam châm” thiếu sức hút

 

17 trong số 300 sinh viên thủ khoa tốt nghiệp đại học của 3 năm được nhận vào làm việc tại thành phố Hà Nội thông qua Sở Nội vụ đã khiến cho người ta nghi ngại về tính thực tế của chính sách thu hút nhân tài. 

 

Xin bà cho biết, những thủ khoa trong những năm gần đây đã đi đâu, về đâu?

 

Trong vòng 3 năm qua, với hơn 300 thủ khoa được tuyên dương có 50% chọn phương án ở lại trường, 30% đã tìm được việc làm ngay từ khi còn ngồi lên ghế giảng đường, hơn 10% tìm các suất học bổng du học nước ngoài và chỉ có 17 người (chiếm chưa tới 10%) là hiện công tác tại Hà Nội theo chính sách thu hút nhân tài của thành phố

 

Vì sao lại có ít như vậy?

 

Đó là do công tác tuyên truyền của chúng tôi chưa tốt. Nhiều sinh viên không biết được các chính sách ưu đãi để có hướng phấn đấu học tập và rèn luyện trong quá trình học bậc đại học. Bên cạnh đó, những thông tin về tuyển dụng của các cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc UBND TP Hà Nội đối với những nhân tài cũng chưa được phổ biến rộng rãi. Điều đó khiến cho nhiều thủ khoa không tìm được cơ hội đóng góp cho Hà Nội.

 

Một lý do khác nữa đó là chế độ lương bổng. Vì sau khi vào làm việc tại các cơ quan hành chính sự nghiệp của Hà Nội, các thủ khoa hiện vẫn chỉ hưởng mức luơng do Nhà nước quy định giống như bao sinh viên khác mới ra trường, mức lương này thường ít hơn rất nhiều so với các công ty tư nhân, doanh nghiệp, liên doanh với nước ngoài...

 

TP Hà Nội đã có chủ trương gì để trọng dụng nhân tài là các thủ khoa tốt nghiệp đại học một cách hiệu quả nhất?

 

Năm nay Hà Nội ban hành thêm nhiều cơ chế, chính sách mới nhằm thu hút nhân tài về đóng góp sức lực cho thành phố. Cụ thể là thay vì việc các thủ khoa phải trải qua 2 năm công chức dự bị, một khoá ngắn tiền công chức trước khi tuyển vào biên chế chính thức như mọi khi, năm nay, thủ khoa có nguyện vọng ở lại Hà Nội sẽ được tuyển thẳng.

 

Những bạn đủ tiêu chuẩn sẽ vào công chức, được tham gia các khoá học đào tạo cao hơn, đào tạo ở nước ngoài với sự hỗ trợ của UBND TP. Hà Nội với mức 100USD/người/tháng ngoài số tiền Nhà nước cấp kinh phí.

 

Các thủ khoa được đi học các khoá đào tạo ở nước ngoài sẽ còn được Thành phố ưu tiên cho vay kinh phí để trang bị học tập như: sách giáo khoa, học phí, kinh phí làm luận văn với mức hỗ trợ cao cấp gấp nhiều lần so với mức lương  họ đang hưởng...

 

Xin chân thành cảm ơn bà!

 

Doãn Thị Tích - Cựu thủ khoa ĐH Kinh tế Quốc dân năm 2003, thành viên ban Chủ nhiệm CLB thủ khoa

 

Em nghĩ, việc tuyên dương và sử dụng các thủ khoa sau khi ra trường tới 2 tháng là lâu so với thời gian cần thiết cho các bạn chọn công việc. Trong khoảng thời gian này rất nhiều bạn đã có cơ hội lựa chọn những công việc phù hợp cho mình và không muốn thay đổi.

 

Các chính sách về chế độ lương, chính sách đào tạo sau đại học không thực sự hấp dẫn trong điều kiện hiện nay. TP Hà Nội có chính sách rõ ràng nhưng chưa có một bộ phận chuyên trách vấn đề này cùng như chưa có những thông báo, chỉ tiêu, yêu cầu cụ thể, công khai để các bạn thủ khoa đăng ký tuyển dụng.

 

Trên thực tế có rất nhiều bạn nộp hồ sơ tại TP nhưng không được đáp ứng và cũng không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Rất nhiều bạn đã kỳ vọng rất lớn vào chính sách của TP và cũng chờ đợi trong một thời gian dài nhưng kết quả vẫn không nhận được thông tin gì.

 

Lê Sử Năng - Thủ khoa ĐHDL Đông Đô năm 2004, thành viên Ban chủ nhiệm CLB Thủ khoa

 

Sau buổi lễ tuyên dương năm 2004, đã có khoảng 30 trong tổng số 112 thủ khoa nộp hồ sơ xin việc qua Sở Nội vụ, trong đó có em. Tuy nhiên, không ai có câu trả lời nào cả. Con số hồi âm chỉ là 3 người đã được nhận vào làm trong tổng số khoảng 30 hồ sơ đã nộp.

 

Em nghĩ, chính sách đưa ra rất tốt, tuy nhiên, thành phố cũng chưa lường hết được khả năng mà những công ty và cơ sở ở Hà Nội là sẽ nhận được bao nhiêu người. Vì thế khi chính sách đưa ra nó không tương ứng với nhu cầu. Con số 3/112 người, hay là con số 17/300 người đã nói lên điều đó.

 

Đặng Hồng Lam - Thủ khoa ĐH Giao thông vận tải năm 2004

 

Sau khi tốt nghiệp, em mong muốn được đi làm. Tuy nhiên em lại không nộp hồ sơ theo kênh Sở Nội vụ. Nguyên nhân là do thông tin về chính sách thu hút nhân tài đối với thủ khoa không đến được em.

 

Cuối tháng 5 em tốt nghiệp, mà đến cuối tháng 7 em mới có thông tin từ nhà trường về việc tuyên dương. Như vậy thì đã trễ mất rồi. Lúc đó, em đã nộp hồ sơ vào một số đơn vị khác về ngành giao thông và đã vào làm bên Tổng công ty Đường sắt. Sau đó 1 năm em lại làm hồ sơ chuyển về trường để dạy học.

 

Lê Quốc Tuấn - Thủ khoa ĐH Ngoại ngữ Hà Nội năm 2004

 

Về chính sách thu hút nhân tài, em thấy, nhân tài thì dù có tài mấy thì họ cũng phải sống. Nếu nói ở trên quan điểm của giáo viên, để một người đi dạy toàn tâm toàn ý trong công việc, ngoài việc nuôi bản thân, họ cần có thời gian nghiên cứu và giảng dạy.

 

Ba yếu tố này không thể tách rời nhau. Chính vì vậy, việc thu hút nhân tài cần phải xem xét đến tính thực tế của cuộc sống và tạo điều kiện tốt cho những thủ khoa như bọn em có điều kiện nâng cao trình độ, khẳng định mình với xã hội.

 

Bùi Thị Ngọc Lan - thủ khoa ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội năm 2005

 

Đợt tuyên dương năm ngoái, em được biết thủ khoa sẽ được tuyển thẳng vào các cơ quan trực thuộc thành phố nhưng thực tế thì không như vậy. Nếu cho em lựa chọn học tiếp hay đi làm rồi mới học thì sẽ nhận được sự ưu tiên của thành phố thì em sẽ chọn học tiếp. Vì em không dám chắc là sau khi đi làm 2, 3 năm sẽ được đi học tiếp.  

 

Những kiến nghị của thủ khoa về chính sách thu hút nhân tài của thành phố:

 

TP rất cần thành lập một bộ phận chuyên trách (có thể là một bộ phận của Sở nội vụ) là đầu mối trong việc thu hút nhân tài. Đây là cơ quan thông tin giữa TP và các hiền tài (không chỉ riêng các Thủ khoa mà còn nhiều nhà tri thức giỏi, nhà quản lý giỏi, nhà khoa học...). 

 

Các chính sách ưu đãi, kêu gọi hiền tài của TP nên được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ phận này sẽ phối kết hợp với các tổ chức, cá nhân hiền tài (như CLB Thủ Khoa, các CLB của các du học sinh, Việt kiều, các hiệp hội khoa học...) và các cơ quan chuyên trách của TP để có kiến nghị, đề xuất cụ thể về từng trường hợp, từng ý tưởng, từng đóng góp... của các hiền tài. CLB thủ khoa rất sẵn sàng và mong muốn được đóng góp với TP trong kế hoạch này.

 

Các chính sách ưu đãi của TP cần được cụ thể hoá bằng các khuyến khích vật chất và tinh thần cụ thể, phù hợp đối với từng nhóm đối tượng: các thủ khoa, các du học sinh giỏi, các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học... tránh những bất cập như trên.

 

Riêng việc thu thút các Thủ khoa cần tiến hành sớm, không chỉ dừng lại ở các SV đã tốt nghiệp mà có thể là các SV từ năm thứ 1 khi là thủ khoa đầu vào hoặc thủ khoa các năm học.

 

Nhóm PV Giáo dục
(Thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm