1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghề săn “hung thần biển cả”

Được mệnh danh là “hung thần biển cả”, cá mập gieo rắc bao nỗi kinh hoàng cho những người đi biển. Ít người biết, vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước, ở xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) có nghề săn cá mập.

Hàng ngàn, hàng vạn “hung thần biển cả” được những ngư dân ở đây “trục vớt” lên bờ từ biển khơi…
Hàng ngàn, hàng vạn “hung thần biển cả” được những ngư dân ở đây “trục vớt” lên bờ từ biển khơi… 

Nấu vi cá mập ăn… trừ bữa

Theo lời kể của ông Vũ Văn Cự -Trưởng Liên tập đoàn nghề cá Nam Triệu - từ những năm 1980, ngư dân Lập Lễ bắt đầu đóng những tàu, thuyền lớn vươn ra đánh bắt hải sản ở ngư trường xa. Đó cũng là thời gian nghề săn “hung thần biển cả” hình thành và phát triển mạnh mẽ. Trong ký ức của nhiều ngư dân cao tuổi ở xã Lập Lễ, những cái tên như Đinh Ngọc Bút, Nguyễn Đức Tần, Đinh Chí Nghỉ, Đinh Như Tiện, Nguyễn Đức Lời… cùng với nghề săn cá mập đã đi vào huyền thoại.

Ngư dân già Đinh Ngọc Bút, năm nay ngoài 80 tuổi, bồi hồi nhớ lại, đồ nghề câu cá mập rất đơn giản, gồm cước, lưỡi câu, phao, mồi và dụng cụ chuyên dụng gọi là “đọc”. Cán “đọc” làm bằng tre hoặc gỗ, một đầu gắn với lưỡi lao có ngạnh, một đầu buộc với sợi dây nylon dài hàng trăm mét. Mỗi thuyền có 1 đường câu làm bằng cước to, dài từ 7-10km, cách 15m buộc một lưỡi câu mắc mồi là cá nhệch cắt khúc. 

Cá mập rất khỏe, khi cắn câu, nếu kéo trực tiếp lên thuyền sẽ đứt cước, gãy lưỡi câu. Vì thế, ngư dân phải chiến đấu theo kiểu “mềm nắn, rắn buông”. Nếu thấy sợi cước quá căng thì thả lỏng, còn chùng thì nhanh tay thu về. Khi thấy nó mệt nhoài thì từ từ kéo lại sát mạn thuyền. Với những ngư dân có kinh nghiệm, đó chính là lúc cá mập giả bộ. Có người chủ quan thò tay xuống kéo, dính cú táp đứt đến tận khuỷu, nhiều người còn bị lôi tuột xuống làm bạn với thủy thần. 

Vì thế, tốt nhất là phóng thật mạnh mũi “đọc” vào lưng rồi nhanh tay xoay ngang để con cá tiếp tục chạy rông trên mặt biển. Chỉ khi nào thấy cái bụng trắng hếu của nó phơi trên mặt nước, thì mới có thể yên tâm mà lôi lên thuyền.

Do không có đá lạnh để ướp cá, ngư dân mổ bụng, vứt ruột xuống biển, cắt vây phơi khô, lọc thịt ướp muối bảo quản. Khi thuyền cập bến, số thịt cá này được cắt thành từng miếng nhỏ đem bán, còn bộ vây ít người mua, chủ yếu đem về nấu ăn dần. Khi chế biến món ăn, nhúng vào nước sôi rồi đánh bỏ phần ngoài còn lại phần vi trắng như cước. 

Bây giờ, vi cá mập là đặc sản mà chỉ những đại gia mới được thưởng thức. Tuy vậy ngày đó, vi cá mập chỉ là món ăn dân dã hằng ngày. Trong những ngày biển động kéo dài, không ra khơi được, khi hết lương thực, nhiều gia đình “phải” nấu vi cá mập… ăn trừ bữa.

Giai đoạn lên ngôi ngắn ngủi

Bắt đầu từ năm 1987, một số ngư dân ở xã Lập Lễ đóng tàu máy to, đan lưới bắt cá mập. Số lượng cá bắt được nhiều hơn, vây cá mập xuất khẩu đem lại giá trị kinh tế cao. Nghề săn cá mập cũng như đời sống của những người thợ săn “hung thần biển cả” dần lên ngôi. 

Ông Đinh Như Tiện, nhà ở thôn Láng Cáp, kể lại, từ năm 1987, ông cùng với một số ngư dân khác vay vốn của Công ty Xuất khẩu thủy sản để đóng tàu, đan lưới. Vốn vay không phải bằng tiền mặt mà là sợi nylon và máy tàu sản xuất ở Nhật Bản có công suất 6CV và 12CV. Người vay trả dần bằng sản phẩm là những bộ vây cá mập phơi khô.

Nếu như đi câu thường chỉ bắt được những con cá mập nhỏ nặng vài chục cân, thì đánh lưới bắt được nhiều con trên dưới 1 tạ. Có con nặng tới vài tạ, thậm chí cả tấn. Con cá mập nặng kỷ lục do ông Tiện bắt được ở khu vực cửa Dứa (tỉnh Quảng Ninh). Ông Tiện kể lại, năm 1991, ông Nhủ, nhà ở đảo Cát Bà (huyện Cát Hải), đi đánh te điện ở khu vực cửa Dứa thấy con cá mập to hơn cái thuyền. Con cá này đi đến đâu là lũ cá nhỏ nháo nhào chạy trốn làm xao động cả vùng mặt nước rộng lớn. 

Nghe ông Nhủ kể, ông Tiện cùng các bạn tàu lên đường quyết tâm săn bằng được. Thả lưới từ buổi chiều tối, đến 3h sáng thu lưới thấy con cá mập búa mắc lưới đã chết dài gần 10m, thân to bằng con trâu chọi, miệng rộng hơn 1m, răng to như quả chuối lùn. 3 tàu với tổng cộng gần 20 người không đủ sức kéo nó lên. Các ngư dân khác lấy lưới buộc quanh mình cá rồi kéo rê về khu vực bãi cát gần hang Buông ở đảo Cát Bà. Phần vây cắt phơi khô nặng hơn 20kg, còn phần thân bán cho tàu thương lái đến tận nơi thu mua. 

Ngày đó, cá mập nhiều đến mức, khi đánh được cá, người ta chỉ cắt lấy phần vây còn phần thân bị vứt trở lại biển. Một cân vây phơi khô có giá hơn 2 chỉ vàng. Mỗi chuyến ra khơi kéo dài trong vài ngày, một tàu thu được từ 40 - 60kg vây, bán được cả chục cây vàng. Nhờ đó, nhiều ngư dân xã Lập Lễ đổi đời, có tiền xây nhà to, sắm tiện nghi đắt tiền.

Cái kết không có hậu và “lời nguyền cá Ông”

Trong những năm đi đánh bắt cá mập, ngư dân Lập Lễ bắt được con cá to nhất nặng tới gần 10 tấn, dài hơn 10m. Nhưng đó không phải cá mập mà là cá nhu mì, thực chất là cá voi. Ngư dân gọi là cá nhu mì bởi nó rất hiền, chỉ ăn tôm, tép nhỏ. 

Anh Đinh Ngọc Giảng - con trai ông Đinh Ngọc Bút - kể lại, đầu cá to tới mức 4 người có thể trải chiếu ngồi uống rượu thoải mái. Còn trên lưng con cá, có thể bày được 2 mâm cỗ to. Cá mắc lưới do tàu của ông Lời thả, khi phát hiện ra thì đã chết. Do con nhu mì to quá nên tàu của ông Lời cùng với tàu của anh Giảng chạy song song buộc cá ở giữa rồi “áp tải” về bến. Thấy lạ, người dân trong vùng đổ xô ra xem. Thương lái biết tin xuống trả với cái giá rẻ mạt 500.000 đồng. Bực mình, ông Lời chặt dây thả cá cho trôi ra biển. 

Từ đó, ông Lời gặp nhiều tai ương. Người cha già bỗng nhiên đổ bệnh rồi mất không lâu sau đó. Còn chiếc tàu đang thả neo ở gần khu vực núi đá ở Cát Bà bỗng nhiên đứt dây neo lao vào núi vỡ tan tành. Mất tàu, hết vốn, ông Lời chuyển lên bờ kiếm kế sinh nhai nhưng vẫn bị “lời nguyền cá Ông” đeo bám. Đắp đầm nuôi tôm, cá, bình thường thì không sao, nhưng cứ đến khi chuẩn bị thu hoạch là tôm, cá bị chết hàng loạt. Phẫn chí, ông bỏ ra đảo Cát Bà dọn bãi nuôi tu hài, nhưng vẫn không thoát khỏi vận đen.

Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, mỗi chuyến ra khơi, 1 tàu có thể đánh bắt được vài tấn cá mập. Nhưng đến giai đoạn 1992-1993, tàu nhiều nhất cũng chỉ bắt được 5-6 tạ/chuyến. Từ năm 1994 trở đi, nhiều chuyến về không, nghề săn cá mập dần biến mất. 

Những ngư dân làm nghề săn cá mập hoặc lên bờ đắp đầm nuôi tôm, cua, cá, tu hài…, hoặc chuyển sang đánh bắt cá sủ vàng. Ngày đó, cá sủ vàng ở cửa Nam Triệu còn rất nhiều. Theo lời kể của ông Tiện thì ông cùng các bạn tàu khác thường xuyên bắt được những con cá sủ nặng 40-50kg, nặng nhất là 73kg. Thịt cá sủ vàng bán ít người mua, phần bóng cá phơi khô nấu ăn dai ngoách, chỉ phần dạ dày cá ăn còn vừa miệng. 

Đến cuối những năm 1990, cá sủ vàng theo chân cá mập dần biến mất. Nghề săn bắt cá mập và cá sủ vàng chỉ còn trong những câu chuyện kể. Nghĩ lại một thời huy hoàng, nhiều ngư dân già tỏ ra tiếc nuối và ân hận bởi lộc biển tuy nhiều nhưng có hạn. Vì khi xưa khai thác quá mức mà ngày nay, bản thân họ và con cháu chứng kiến cái kết không có hậu -“tham lộc từ biển, rưng rưng nước mắt”.

Theo Việt Hòa

Lao Động