An Giang:

Nghệ nhân 65 tuổi miệt mài thổi hồn vào cây tre Việt Nam

(Dân trí) - Ở tuổi 65, nghệ nhân Võ Thành Viễn vẫn miệt mài đục đẽo, cắt ghép các mảnh tre bông lốm đốm đen thành những tác phẩm mỹ nghệ độc đáo vang danh cả trong nước và quốc tế...

Gắn mình với cây tre bông

Gia đình nghệ nhân Võ Thành Viễn sinh sống tại hẻm Cây Táo, phường Bình Khánh, TP Long Xuyên (An Giang). Những người dân địa phương cho biết, mấy chục năm qua, ông Viễn suốt ngày “mân mê” với đóng tăm xỉa răng, rồi đến cây tre bông, tạo ra hàng trăm mô hình đẹp và độc đáo vang danh cả thế giới.

Hôm chúng tôi đến, ông Viễn đang cắt đoạn tre bông, chuẩn bị làm tác phẩm mới, ông Viễn vừa làm vừa kể lại cái duyên đến với nghề “ghép tre” thành các tác phẩm mỹ nghệ: “Ngay từ nhỏ, tôi đã mê cây tre và cộng với năng khiếu trời cho nên tôi đã sớm học lén nghề này. Và đến 1971, “đứa con tinh thần” đầu tiên của tôi ra đời, là mô hình chùa Một Cột, chất liệu bằng tăm xỉa răng. Với tác phẩm này, tôi đạt giải vinh dự trong một cuộc thi toàn quốc và thời điểm này tôi là người đầu tiên ở Việt Nam đưa ra ý tưởng dùng tăm xỉa răng để tạo ra các tác phẩm mỹ nghệ”.

Bằng chất liệu tre bông ông Viễn mô phỏng chiếc đồng hồ ở chợ cổ TP Cần Thơ

Bằng chất liệu tre bông ông Viễn mô phỏng chiếc đồng hồ ở chợ cổ TP Cần Thơ

Sau tác phẩm chùa Một Cột, ông Viễn cho ra đời hàng loạt tác phẩm mỹ nghệ bằng tăm xỉa răng khác nhưng không tác phẩm nào khiến ông thấy hài lòng. Ông Viễn tiếp tục đi tìm nguyên liệu ưng ý. Đến năm 1976, trong một lần đi đến xã Bình Phước Xuân ở Cù lao Giêng (tỉnh An Giang) ông Viễn phát hiện nơi đây có cây tre rất lạ, trên thân tre có nhiều đốm đen, thân vàng sậm, nhìn như những bông hoa bung trổ trên thân tre. Khi hỏi ra ông Viễn mới biết đây là cây tre bông có nguồn gốc ở Huế.

Ông Viễn nhớ lại: “Khi thấy cây tre bông tôi biết đây là chất liệu mà tôi đang tìm kiếm bấy lâu nay. Theo tôi đây là loại tre quý hiếm, nhưng khó chế tác và thực tế tôi phải mắc 3 năm mới hiểu hết được “tính nết” và nét đẹp khó tả của cây tre bông này. Từ nguyên liệu quý này tôi đã làm ra các mô hình, như: chùa Một Cột, tách trà, đèn ngủ, nhà rông, thuyền nan, xe bò, xe lôi, bình đựng viết,... và rất may với nét đẹp tự nhiên của cây tre bông nhiều người bắt đầu để mắt đến những sản phẩm của tôi mỗi ngày một nhiều hơn.”

Tác phẩm Khuê Văn Các - Quốc Tử Giám

Tác phẩm Khuê Văn Các - Quốc Tử Giám

Theo ông Viễn, nguồn gốc cây tre bông hết sức đặc biệt. Loại tre này có xuất xứ từ Huế, khi những người đầu tiên từ Huế vào cù lao Giêng lập nghiệp đã đem theo cây tre trồng trên xứ cù lao. Trước đây họ trồng như hoa kiểng, sau đó những người lớn tuổi mất đi cây tre không được ai chăm sóc nên đem để phía sau nhà, dần dần cây tre bám rễ vào đất và phát triển tươi tốt cho đến ngày nay.

Cây tre bông rất đặc biệt, khi còn tươi cũng giống như các loại tre khác. Đem phơi khô thì trên thân tre xuất hiện nhiều hoa văn rất đẹp, những hoa văn này nổi lên càng rõ và có nhiều màu sắc khác nhau khi được đánh bóng và xử lý với phèn chua và phèn xanh. Bản thân tre bông khi phơi khô đã rất đẹp và qua bàn bay chế tác của ông Viễn làm cho các sản phẩm thêm độc đáo và mang tính thẩm mỹ cao.

Đưa cây tre Việt Nam vươn xa

Gắn bó với cây tre, ông Viễn luôn có một mong ước là gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Cũng chính vì thế mà đa phần sản phẩm thủ công mỹ nghệ ông Viễn làm ra đều thuộc về một thời quá khứ, như: khay hộp đựng rượu, cau trầu trong ngày cưới hỏi; hộp đựng đồ nữ trang; hộp đựng đồ gia bảo; kỷ dựng trà; xuồng ba lá; đến những địa danh, công trình lịch sữ, như: chùa Một Cột, Đại nội Huế, Lăng miếu Quốc Tử Giám,… Mọi thứ đều được chế tác theo đúng nguyên bản.

Ông Viễn chia sẻ: “Gần như cây tre gắn bó với mỗi người qua hình ảnh chiếc nôi, chiếc võng, đôi đũa ăn cơm, chiếc đòn gánh, cây cầu tre lắt lẽo và cây tre cũng gắn bó với dân tộc ta từ hàng ngàn năm qua, khi đất nước bị xâm lược thì cây tre được làm vũ khí đánh giặc,…Cũng chính vì điều này mà tôi mê cây tre là vậy!”.

Tác phẩm Khuê Văn Các - Quốc Tử Giám

Ông Viễn rất chú ý và chế tác thành công những vật dụng cổ truyền như khay trầu cau, khay rượu,... trong ngày cưới

Từ những đoạn tre bông lốm đốm hoa vàng qua bàn tay chế tác của ông Viễn hàng trăm tác phẩm mỹ nghệ căng tràn hồn Việt hình thành, như chùa Một Cột, Thành nội Huế, chiếc thuyền nan, xuồng ba lá, nhà Chăm,… Dù vất vả nhưng ông Viễn không hề toan tính thiệt hơn, trong tâm ông luôn mong muốn từ sản phẩm làm ra sẽ góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa Việt, giúp thế hệ sau nhìn thấy một đồ vật có thể hiểu được phần nào những nét đẹp trong phong tục tập quán và biết được cách sinh hoạt văn hóa của thế hệ cha ông.

Sau nhiều nỗ lực sáng tạo trên chất liệu tre bông, năm 1999 ông Viễn thành lập Cơ sở sản xuất mỹ nghệ tre bông ghép gỗ Viễn Thành. Năm 2000, được sự giúp đỡ của Sở Công nghiệp và Trung tâm Xúc tiến thương mại An Giang, ông Viễn đưa sản phẩm trình làng tại Hội chợ triển lãm làng nghề truyền thống Việt Nam - ASEAN. Nhờ đó mà sản phẩm của ông được nhiều người trong và ngoài nước biết đến.

Đại nội Huế hoành tráng bằng vật liệu tre bông

Đại nội Huế "hoành tráng" bằng vật liệu tre bông

Tại Hội chợ triển lãm làng nghề truyền thống Việt Nam -  ASEAN 2005, bộ sản phẩm Mai - Lan - Cúc - Trúc đã giúp ông Viễn đạt giải và được Hiệp hội Làng nghề truyền thống trao bằng công nhận sản phẩm ghép tre bông Viễn Thành là sản phẩm truyền thống. Sản phẩm còn được hiệp hội đưa sang Pháp và Mỹ trưng bày năm 2006. Đặc biệt, bộ khay trà, đèn hoa đăng, lọ hoa rồng Việt đã giúp ông đạt giải quốc gia năm 2006 trong cuộc thi sản phẩm thủ công Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động. Đầu tháng 4/2008, ông được cấp giấy đăng ký độc quyền về sản phẩm của mình. Niềm vui nhân đôi khi vào tháng 12/2008, ông Võ Thành Viễn được phong là Nghệ nhân làng nghề Việt Nam.
 
Dù tuổi đã 65, ông vẫn miệt mài làm việc và sáng tạo, ông rất nghiêm khắc với tác phẩm mình làm ra và xem nó như đứa con tinh thần. Hiện nay tôi cố gắng duy trì nghề chế tác tre bông này, vừa đảm bảo cho cuộc sống vừa đào tạo, chỉ dạy những người yêu nghề chế tác tre bông. Theo nghề này không phải một vài tháng có thể làm được mà cần phải có thời gian, trải nghiệm và kiên nhẫn. Cũng chính vì sự khắc nghiệt này mà đến nay tôi chưa tìm được một đệ tử ruột nào để truyền lại nghề”, ông Viễn bùi ngùi chia sẻ.
 
Nguyễn Hành