“Nghề” giả sư đi quyên tiền
(Dân trí) - Xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ, Nghệ An) nghèo khó, đất đai cằn cỗi, nhưng được nhiều người biết đến với “nghề” giả sư, ngày ngày đội lốt nhà chùa đi quyên tiền công đức. Vài năm nay, đã có hàng chục đối tượng bị công an bắt khi đang hành nghề tại khắp mọi miền đất nước.
Về thăm “làng giả sư” chỉ gặp những con người lam lũ, bình dị và chất phác…
Lộ diện “sư giả”
Bà chủ quán đầu xã với mớ hàng kẹo bánh lèo tèo, chén chè chát đặc quánh mời khách, mở lời: “Sư giả thì có nhưng chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” thôi”.
Trở lại hồi cuối tháng 7/2007, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, Công an phường Cửa Nam (TP Vinh) bắt quả tang hai phụ nữ giả danh nhà sư để lừa tiền, thu giữ tại chỗ gần 1,5 triệu đồng - đây là số tiền một người dân vừa bán tài sản để cúng tiến cho “nhà chùa”. Danh tính của hai đối tượng được xác định là Võ Thị Lan (SN 1977) và Phạm Thị Hợi (SN 1971), cùng trú tại xã Nghĩa Đồng.
Trước cơ quan điều tra, 2 “nhà sư” khai: Thấy “nghề” này chẳng nặng nhọc lại dễ kiếm cơm nên mới làm. Nhiều người muốn đóng góp công đức cho nhà chùa để lòng được thanh thản nên không tiếc tiền.
Liên tiếp sau đó ở nhiều nơi, công an phát hiện có hiện tượng một bộ phận dân thường cũng áo nâu, tay nải, đội lốt nhà sư đi quyên tiền. Kỳ thực khi kiểm tra thì mọi thứ “nhà sư” mang theo đều giả. Phần nhiều các đối tượng đều có “gốc rễ” tại xã Nghĩa Đồng, số ít ở xã khác nhưng cũng nằm trên địa bàn huyện Tân Kỳ.
Chiêu bài chung của các “sư” là mặc áo của ni sư, tay xách túi dạo bộ, vận động bà con mua nhang. Khi vào nhà, các “ni sư” đều đưa ra bản danh sách trong đó ghi tên những người mua nhang và cúng dưỡng để chứng minh là mình đi làm công quả nên nhiều người đã không ngần ngại mua những thẻ nhang với giá rất cao.
Mỗi lần bán được nhang, các đối tượng lại cẩn thận ghi tên người mua vào danh sách một cách rất “minh bạch” với lời giải thích: Đây là ân đức của thập phương, nhà chùa ghi lại để có dịp tri ân.
Táo bạo hơn, nhiều “sư” còn gõ cửa từng nhà ra dạng “thuyết pháp” rồi có nhã ý quyên góp tiền để làm từ thiện. Nhiều người nhẹ dạ đã ủng hộ hàng trăm nghìn đồng.
Mới đây Công an TPHCM cũng đã bắt Lê Thị Mạo (SN 1966) và Trần Thị Huệ (SN 1979), đều trú ở huyện Tân Kỳ cũng với “chiêu bài” trên. Hay Dương Thị Thủy (SN 1971) và Dương Thị Nga (SN 1970) cùng ở xã Nghĩa Đồng cũng bị công an TP Quy Nhơn (Bình Định) “lật tẩy” khi đang hành nghề.
Chuyện “con sâu” như lời bà chủ quán nước nói cũng đúng một phần vì qua điều tra, công an chỉ phát hiện một số đối tượng nhỏ lợi dụng sự cả tin của người dân để hành nghề. Nhưng quả thật xã Nghĩa Đồng đã nổi tiếng với “thương hiệu” làng giả sư.
“Chúng tôi làm quần quật mấy chục năm, sống còn chật vật. Đến khi về già cũng chẳng được nghỉ ngơi phải ra đây bán chén nước kiếm ăn. Chỉ trách cái bọn ham ăn nhác làm… Giờ cứ nghĩ cái tiếng giả sư lại thấy xót xa”, bà chủ quán tâm sự.
Cần xử lý nghiêm!
Ông Lê Công Hợi - Trưởng Công an xã Nghĩa Đồng - cho biết: Năm 2006, xã Nghĩa Đồng có 10 đối tượng bị lực lượng công an bắt và xử lý vì tội giả sư. Năm 2007 lại có thêm 6 đối tượng phạm tội với cùng tội danh. Hàng năm xã có hàng trăm người dân rời địa phương đi làm ăn xa nhưng họ không khai báo tạm vắng nên xã cũng không biết họ đang làm việc gì, đi đâu…
Tuy nhiên, ông Hợi phủ nhận việc nói xã Nghĩa Đồng có nhiều đối tượng giả sư. Ông cho rằng vì nơi đây là điểm khởi xướng của trò lừa đảo này nên mới bị quy cho thế. Phần lớn các đối tượng phạm tội là nông dân tranh thủ khi nông nhàn, phiêu dạt tứ xứ làm ăn vài ba tháng rồi “gác kiếm”. Hiện chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền nhiều về hành vi giả sư để xử lý nghiêm minh những thành phần này nhưng xem ra vẫn không mấy hiệu quả.
Được biết, UBND xã Nghĩa Đồng cũng đã có công văn thông báo tới một số thành phố, tỉnh thành trong cả nước nhằm cảnh báo hiện tượng sư giả đi quyên tiền công đức.
Nhiều nhà sư chân chính tỏ ra vô cùng bất bình trước thực trạng giả danh nhà chùa đi lừa dân. “… Các nhà sư đi khất thực đều không hề nói nửa lời quyên góp tiền trong nhân dân. Đối tượng giả sư nói nhiều nên rất dễ bị lộ. Pháp luật cần xử lý nghiêm những đối tượng này”, một sư trụ trì bức xúc.
Đặng Nguyên Nghĩa