1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nghề “độc” đất Hà Thành: Bới đen, tìm trắng

Căn phòng vẻn vẹn 9m2 tại phố Phù Đổng Thiên Vương (Hà Nội) là nơi khai sinh một loại hình dịch vụ chưa thấy bao giờ: Nhổ tóc bạc. Những người hàng xóm của ông chủ 8X gọi đùa đây là cửa hàng bới đen, tìm trắng hay nghề “bảo vệ đen, tìm diệt trắng”.

Bỏ liên doanh bia Tiger, Heineken đi... nhổ tóc

 

Cái cửa hiệu có cái tên lạ lẫm: “Chấy - nhổ tóc bạc” là của ông chủ 8X Nguyễn Anh Dũng - nhân viên đại diện thương mại cho hãng rượu ngoại chuyên về thương hiệu và các chương trình khuyến mãi tại các nhà hàng, quán café, vũ trường, karaoke, khách sạn, quán bar...

 

Đấy là “thì hiện tại”, còn thời điểm tháng 5/2007, khi mở “Chấy - nhổ tóc bạc” thì Dũng là một người “thất nghiệp”.

 

Năm 2002, học xong ĐH Thương mại, Dũng được nhận vào làm tại Nhà máy bia Tiger - Heineken ở Hà Tây. 5 năm làm việc ở nơi có mức lương “trông xuống hơn khối người” ấy cũng không đủ níu chân chàng trai thích làm ông chủ. Đùng một cái, đầu năm 2007 Dũng xin nghỉ việc ngồi nhà để “âm mưu” một hướng đi mới. Tuy vậy, suốt mấy tháng ngồi không đó, chưa có ý tưởng hay ho nào xuất hiện.

 

Thấy con rỗi việc, mẹ và cô Dũng phải tạo thêm công ăn việc làm bằng cách... nhờ nhổ tóc bạc, tóc sâu. Nhổ đến lần thứ 3 thì ý nghĩ trở thành “nghệ nhân dùng nhíp” lóe lên trong đầu anh chàng “thất nghiệp”. 10 ngày sau, quán “Chấy - nhổ tóc bạc” ra đời dù bị cả gia đình phản đối.

 

5 tháng sau khi quán đã đi vào hoạt động ổn định, thậm chí đã có “tên tuổi”, ông chủ Dũng mới “tái xuất giang hồ” - làm việc cho Remy Martin. “Cuối cùng thì em vẫn “chết chìm” trong môi trường rượu bia” - Dũng hài hước.

 

168 giờ không nhổ được một... sợi tóc

 

Nhớ lại ngày đầu mở quán, trong căn phòng 9m2 đó, lúc nào cũng chỉ có 1 nhân viên kiêm... ông chủ. Biết là cần phải thuê người làm, nhưng lăn lộn kiếm tìm mãi mà không ai nhận lời trở thành nhân viên của cái tiệm dịch vụ kỳ quặc ấy. Có người còn chặc lưỡi: “Lại nhổ tất cả... các thứ tóc chứ gì. Nhổ tóc mà cũng có đèn mờ!”.

 

“Không tuyển được nhân viên thì ta tự làm. Chẳng nhẽ cái bằng cử nhân thương mại mà lại không nhổ được tóc?!” - Dũng chặc lưỡi tự trào như vậy. Thế là tay lăm lăm nhíp chờ khách đến để “vít đầu vít cổ”.

 

Khí thế tự thân lên cao như vậy nhưng rồi ông chủ trẻ suýt phải bỏ nghề, dẹp tiệm (phải thuê giá 2,7 triệu/tháng). Tháng đầu, có thời điểm 7 ngày liền ông chủ kiêm nhân viên ngáp dài, ngủ gật trên ghế vì tuyệt nhiên không có một khách hàng nào lui tới.

 

Lịch làm việc của anh chàng 8X bỗng giống như ông lão U70: Sáng mở cửa ra quét dọn, giữa buổi ngồi “đờ đẫn” xem tivi, đọc báo - trưa nhai cơm hộp - chiều xem tivi, ngáp vặt - tối đóng cửa đi về. Lần nào cũng thế, trên đường về, phương án thanh lý mấy cái ghế, gương của tiệm, cũng hình thành trong đầu.

 

Gần hết 7 ngày ngáp vặt, bình tâm suy nghĩ lại, Dũng thấy nhu cầu nhổ tóc sâu, tóc bạc là có thật. Vậy thì chỉ có thể là cửa hàng đi chưa đúng hướng, nghĩa là những người có nhu cầu và điều kiện thực sự thì chưa được biết đến dịch vụ này.

 

Dù trước đó, kinh nghiệm marketing 5 năm làm ở Nhà máy bia Hà Tây đã mách Dũng chiêu rải tờ rơi quảng cáo cửa hàng như bươm bướm ở một số chợ, trung tâm, công viên trong khu vực; rồi việc đưa thông tin đến đối tượng khách hàng ở tuổi trung niên trở lên... thế mà khách vẫn không đến.

 

“Xác định khách hàng cơ bản là đúng, nhưng chưa trúng. Tiểu thương ở chợ muốn nhổ tóc bạc thật, nhưng họ còn phải bán hàng, làm sao đến tiệm của mình? Với lại trong lúc rỗi rãi, họ thường nhổ cho nhau. Việc xác định khách hàng chủ yếu là nữ cũng không đúng 100%” - Dũng nghĩ vậy và bắt tay triển khai marketing theo hướng mới: “Chỉ có những người bận công tác, những người thường xuyên đến vũ trường nhạc cổ điển thích chăm sóc bản thân mà không có thời gian, mới thực sự là đối tượng của tiệm mình”.

 

Quả đúng như vậy, sau khi “điều chỉnh” lại, “cơn ác mộng” đã đi qua: Mỗi ngày tiệm đã có khoảng 4-5 vị khách. Một tín hiệu vui nữa là sau nhiều lần thuyết phục gãy lưỡi rằng công việc hoàn toàn lành mạnh và khách đang đông dần lên, Dũng mới được một cô bạn chưa có công ăn việc làm nhận làm nhân viên nhổ tóc.

 

Vì lượng khách đến quán thường không theo thời gian cố định, nên ông chủ quyết định thực hiện khuyến mại. Khi vắng khách, 2 nhân viên sẽ cùng nhổ một đầu nhưng cũng chỉ tính phí nhổ tóc như 1 nhân viên làm, nghĩa là mua 1 tặng 1. Hiện “Chấy - nhổ tóc bạc” thu 40.000đ/1 giờ nhổ tóc.

 

Dũng bảo: “Nhổ tóc thì ai chẳng nhổ được, nhưng khách vẫn đến tiệm vì tính chuyên nghiệp. Đó là ghế êm, đó là tiếng nhạc du dương, đó là cách nhổ sao cho đỡ đau nhất, đó là vô tư ngồi ngủ trên ghế trong lúc nhổ...”.

 

Trả lời câu hỏi: Tại sao tiệm không triển khai dịch vụ đi kèm như: Lấy ráy tai, mát xa đầu, bấm huyệt đầu, bóp đầu...? Ông chủ lắc đầu quầy quậy: “Phải kiên định con đường ban đầu chứ. Xã hội hiện đại thích sự chuyên môn hoá, việc gì làm chuyên môn thì cũng sẽ tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. Làm tốt một cái có khi đông khách hơn ôm đồm nhiều thứ”.

 

Lui tới 1, 2 lần, những vị khách ấy dần dần bị “Chấy - nhổ tóc bạc” níu chân. Họ giới thiệu với người mới. Cứ thế khách đông dần lên và ổn định ở mức trên dưới 10 khách/ngày, có ngày lên tới 20 khách. Đợt rét “lịch sử” đầu năm 2008 vừa qua, lượng khách giảm hẳn, nhưng vẫn có những người “nghiện”, tìm đến để được nhổ tóc.

 

“Ăn nên làm ra” (ông chủ “bật mí” thu nhập từ quán được khoảng 10 triệu đồng/tháng) nên tiệm cũng tuyển được 3 nhân viên, 2 nhân viên cố định cả tuần, 1 chỉ làm 2 ngày cuối tuần do còn đi học.

 

Những vị khách thú vị

 

Dịch vụ nhổ tóc của Dũng tuy ra đời chưa lâu, nhưng cũng chứng kiến rất nhiều chuyện thú vị do khách hàng mang lại.

 

Vị khách đặc biệt nhất cho đến thời điểm này mà Dũng tiếp xúc là một nam khách hàng 70 tuổi. Hôm ông cụ đến, Dũng và nhân viên cứ tưởng ông vào nhầm nhà. Nhưng không, ông cụ điểm nhiên ngồi vào ghế và yêu cầu nhân viên nhổ.

 

Đầu của vị khách chỉ còn lơ thơ một vài sợi tóc đen, nhưng không đều. Thì ra, ông cụ yêu cầu nhổ bớt tóc bạc đi để thưa đầu và lượng tóc bạc “hài hòa” hơn, không áp đảo tuyệt đối mấy sợi tóc đen “quý hiếm”. “Nhổ đến bao giờ thấy tôi đẹp trai hơn thì thôi” - vị khách cười nửa đùa nửa thật. Cứ 2 ngày ông cụ đến nhổ 1 lần, mỗi lần nhổ trong 2 tiếng.

 

Có vị vừa “bị” nhổ tóc vừa kể chuyện hài, thậm chí khiến nhân viên cười nghiêng ngả, giảm cả năng suất nhổ. Có trường hợp cả hai vợ chồng, hai bố con đèo nhau đến cùng nhổ. Có vị vừa ngồi xuống ghế nhổ tiếng ngáy đã o o. Có người đến nhổ tóc bạc thì ít mà yêu cầu nhổ râu bạc thì nhiều. “Thích thì chiều, vì râu, về bản chất, cũng như tóc” - Dũng cười vui nhận xét.

 

Thậm chí, có người yêu cầu chỉ được nhổ điểm A, điểm G trên đầu. Họ bận việc phải đi, nên cần nhổ chỗ “trọng điểm” trước. Cũng có người chỉ muốn mất tiền cho những chỗ tóc họ không thể tự soi gương nhổ ở nhà được như đỉnh đầu, sau gáy.

 

Khách miền Nam ra Hà Nội, được bạn bè mách, cũng đến tiệm để thử dịch vụ mới. Từ ngày mở tiệm, cũng đã có 3 người Nhật lui tới thường xuyên để được “bới đen, tìm trắng”. Khách ngoại nhưng giá vẫn... nội.

 

“Nhưng vị khách đặc biệt nhất lại không phải những người này mà là mẹ của tôi. Hôm mở hàng bà tới nhổ và trả tiền hẳn hoi” - Dũng kể.                                              

 

Khi chúng tôi hỏi: “Nhân viên nhổ tóc có phải đào tạo và nâng cao tay nghề?”, ông chủ trẻ Nguyễn Anh Dũng cười rất tươi trả lời: “Chẳng cần qua đào tạo gì cả. Tuy nhiên muốn trở thành nhân viên nhổ tóc thì cần có một “tố chất đặc biệt”, đó là... tinh mắt. Nhổ 10 sợi trắng chỉ cần nhầm 1 sợi đen là... “hỏng hẳn” với khách. Đơn giản thế thôi!”.

 

Trước khi chia tay, tôi hỏi Dũng: “Tốt nghiệp ĐH Thương mại, lại làm việc ở 2 Cty đầu tư nước ngoài, có bao giờ Dũng nghĩ đến việc bành trướng của một “tập đoàn Chấy - nhổ tóc bạc” không?”. Dũng trả lời, mắt hấp háy: “Thú thực là chưa nghĩ đến tầm “group”, nhưng sắp tới sẽ có thêm 1 hoặc 2 “Chấy” nữa ở Hà Nội. Cũng có người khuyên là nên đi đăng ký bản quyền để ngày sau làm lớn, nhưng tôi nghĩ không cần lắm, vì việc này cũng dễ làm, ai thích thì cứ làm thôi. Tôi chỉ là người đi đầu, như vậy là được lợi nhiều hơn người đi sau rồi. Khi nào mở đến 5-10 tiệm thì chắc cũng phải tính chuyện sở hữu trí tuệ thương hiệu.

 

Theo Kim Chi

Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm