1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghề “cứu hộ” diều

Từ một lời nhờ vả bất ngờ, phố diều Thủ Thiêm (TPHCM) bỗng hình thành đội quân chuyên cứu những con diều gặp nạn.

Nghề “cứu hộ” diều - 1
 
Thời gian gần đây, cứ chiều chiều là phố diều Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM lại thu hút hàng nghìn người dân ra hóng mát, ngắm cảnh và thả diều. Trên đoạn đường gần 1 km nối giữa cầu Thủ Thiêm và đại lộ Đông Tây cũng nở rộ hàng loạt dịch vụ ăn theo cánh diều.

 

Ngoài những dịch vụ thường thấy như bán diều, vé số, gánh hàng rong..., nơi đây còn xuất hiện một đội quân nhí chuyên tham gia... cứu diều!

 

Bán vé số kiêm “nghề” gỡ diều

 

Nhân vật đầu tiên phát hiện ra nghề cứu diều chính là Long “bay”. Long năm nay 12 tuổi, quê ở Thanh Hóa, nhà nghèo nên trôi dạt cùng đám bạn vào TPHCM bán vé số dạo, đánh giày. Trong một lần lang thang bán vé số gần cầu Thủ Thiêm, Long thấy gần đó cả trăm cánh diều bay rợp trời, lại quá chừng người đứng chật cả con đường nên lân la lại gần vừa chơi vừa bán vé số kiếm sống. Mải mê theo những cánh diều no gió trên bầu trời, Long muốn mình cũng có một con diều như thế để thả. Nhưng để sở hữu một con diều từ 30.000 đến 50.000 đồng đối với Long là quá xa xỉ so với số tiền kiếm được từ việc bán vé số hàng ngày.

 

Cơ hội đến với Long khi một con diều của ai đó rơi xuống đầm lầy, không tài nào kéo lên được. “Lúc đó em chỉ muốn người ta bỏ đi để mình xuống nhặt. Chờ mãi, cuối cùng họ cũng bỏ đi. Thế là em cởi áo lao xuống nước, một tay cầm vé số, một tay gỡ diều”, Long “bay” kể.

 

Trong lúc đang chơi với con diều vừa nhặt được, Long được một thanh niên đề nghị gỡ diều giúp và hứa cho 5.000 đồng. Không cần suy nghĩ, Long “bay” ào xuống đầm gỡ diều. “Chỉ trong buổi chiều đó thôi, ngoài tiền bán vé số, nhặt được một chiếc diều, em còn có thêm 35.000 đồng nhờ việc cứu diều, một khoản thu nhập khá lớn đối với em”, Long “bay” hí hửng kể.

 

Vậy là cứ chiều chiều, sau khi bán hết vé số, Long “bay” lại quần đùi, áo cộc ra phố diều hành nghề. Thấy Long “bay” làm ăn khấm khá, mấy đứa trẻ quanh đó cũng tham gia công việc cứu diều. Cùng với Long “bay”, Hùng, Toàn, Hoàng “còi” đã hình thành nên đội quân nhí chuyên cứu diều. Khỏi cần phải chờ ai nhờ vả, cứ thấy diều rơi, mấy đứa lại nhanh nhảu chạy tìm gia chủ đặt vấn đề.

 

Những hiểm nguy rình rập

 

Mỗi đứa chia nhau chiếm lĩnh một góc để hành nghề, chủ yếu là những địa điểm gần sông, nơi có nhiều cây cao, bụi rậm. Hễ thấy diều ai rơi xuống gần lãnh địa của mình là nhanh nhảu lại gần làm công tác cứu hộ. Lúc đầu việc gỡ một con diều như thế được trả công 5.000 đồng nhưng sau nhiều người làm quá nên giá cả cứ thế tụt xuống 3.000 đồng, thậm chí 2.000 đồng.

 
Nghề “cứu hộ” diều - 2
 

Địa điểm diều rơi thường là đầm lầy, bụi rậm ven sông và các ngọn cây cao, cột điện chiếu sáng. Chính vì thế, để kiếm được tiền cũng không hề đơn giản. Các em phải lội ra giữa đầm, nhiều nơi nước sâu ngang ngực hoặc phải leo lên ngọn cây cao ngất, bám theo bụi rậm bên dòng nước chảy xiết, hoặc phải leo lên cột điện, ngọn cây, nếu trượt chân hay điện giật thì không biết sự thể sẽ thế nào. Đó là chưa kể những hiểm nguy khác như rắn rết luôn rình rập các em.

 

Cái tên Long “bay” là đám bạn mới đặt cho Long mấy ngày gần đây để kỷ niệm một “tai nạn nghề nghiệp”. Trong một ca cứu diều mắc trên ngọn cây giữa đầm lầy, do diều nằm trên cao mà cây toàn nhánh nhỏ, cành khô nên Long bị rớt xuống, cũng may do bên dưới là sình lầy nên chấn thương không nặng.

 

Ngoài Long “bay”, nhóm trẻ cứu diều cũng không ít lần gặp nạn. Hoàng “còi”, 11 tuổi, anh chàng nhỏ con nhất trong đám trẻ cứu diều, cho biết: “Nhiều khi em lội ra giữa đầm, thấy nước sâu quá nên phải lội vào, khi leo lên ngọn cây thì gặp kiến đỏ nên cũng phải chào thua. Sau những lần lội như thế, tối về người em mẩn đỏ, ngứa ngáy kinh khủng”.

 

Làm lụng vất vả như thế nhưng ngày nào nhiều lắm mỗi đứa cũng chỉ kiếm được trên dưới 20.000 đồng. “Vừa làm vừa chơi, tranh thủ buổi chiều thôi nên như thế cũng coi như có thêm thu nhập”, Hoàng “còi” tâm sự như một người từng trải.

 

Phố diều Thủ Thiêm mới chỉ hình thành hơn một tháng nay và nghề cứu diều cũng chỉ mới xuất hiện nhưng đằng sau những cánh diều bay bổng đó là khát vọng mưu sinh luôn tiềm ẩn rủi ro cho những đứa trẻ tham gia cứu diều...

 

Theo Pháp Luật TPHCM