1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nghệ An: Nâng cấp chợ, phá… di tích

(Dân trí) - Để thực hiện dự án khôi phục chợ Vân, UBND xã Quỳnh Văn đã ngang nhiên cho máy xúc khoét sâu vào "da thịt" của Di chỉ văn hoá Cồn Điệp. Sự việc "vỡ lở", UBND huyện Quỳnh Lưu, Sở Văn hoá Thông tin Nghệ An đã có ý kiến nhưng mọi chuyện vẫn ngang nhiên diễn ra.

Di chỉ văn hoá Cồn Điệp nằm trên địa bàn xã Quỳnh Văn có niên đại hàng ngàn năm tuổi. Đây từng là nơi cư trú và là khu mộ của người nguyên thủy. Đến nay người ta đã tìm thấy hơn 30 ngôi mộ cổ và nhiều vật dụng bằng đá, gốm... ở đây.

Ở mỗi ngôi mộ người ta còn phát hiện có nhiều dấu tích người xưa. Nhằm bảo vệ và tiếp tục nghiên cứu khu di chỉ này ngày 12/4/1997, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định 1306/QĐ-UB giao cho Sở Văn hóa Thông tin và UBND huyện Quỳnh Lưu đồng quản lý.

Thế nhưng đầu tháng 3/2006, UBND xã Quỳnh Văn đã bất ngờ tiến hành cho xây chợ Vân trên Di chỉ văn hoá này. Cồn Điệp đã bị các phương tiện cơ giới thẳng tay đào xúc. Vô số lớp vỏ điệp hàng ngàn năm tuổi bị “ngoạm” tung, tạo nên một bộ mặt thảm hại của Di chỉ... Hành động trên đã gặp phải sự phản ứng dữ dội của quần chúng.

Trước tình hình đó UBND huyện Quỳnh Lưu liên tiếp ra công văn gửi UBND xã Quỳnh Văn, yêu cầu xã "đình chỉ khai thác mặt bằng di chỉ khảo cổ". Thế nhưng bất chấp ý kiến của huyện, xã Quỳnh Văn vẫn ngang nhiên cho xây chợ.

Thực tế là sau đó thấy "hoảng quá" huyện Quỳnh Lưu lại tiếp tục ra một số công văn nữa cũng với nội dung như công văn trên. Lúc này UBND xã Quỳnh Văn mới "chiếu cố" trả lời huyện bằng một báo cáo khi đã "tiền trảm hậu tấu" về việc "cải tạo nâng cấp chợ Quỳnh Văn".

UBND huyện Quỳnh Lưu vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu là đình chỉ thi công và giữ nguyên hiện trạng việc khai thác, xây dựng trái phép.Thế nhưng sau đó xã Quỳnh Văn đã có tờ trình xin chủ trương tiếp tục khôi phục chợ Vân.

Ngày 3/4/2006 UBND huyện Quỳnh Lưu có công văn với nội dung: Yêu cầu UBND xã Quỳnh Văn chỉ được san khỏa mặt bằng tại diện tích mới khai thác; xây tường bao phía bắc chống xói mòn sạt lở; tuyệt đối không được san ủi, mở rộng thêm diện tích ở bất kỳ hình thức nào; khắc phục lại các lều quán cũ đã bị hư hỏng và giữ nguyên hiện trạng diện tích ban đầu.

Thế nhưng khi trở lại, chúng tôi hết sức bất ngờ và đau xót bởi dấu tích của một di chỉ văn hoá đã được san bằng và… biến mất. Tất cả đều bị chôn vùi dưới những dãy kiốt mới... Cồn Điệp không phải được "san khỏa mặt bằng" như ý kiến chỉ đạo của huyện Quỳnh Lưu.

Trái lại di chỉ đã bị đào sâu xuống và móng nhà bằng đá lèn nhanh chóng được xây lên. Các lều cũ bị đập bỏ hoàn toàn rồi đào lên để xây chân móng mới cạnh bên móng cũ. Không thấy "xây tường bao bảo vệ phía bắc" mà nhiều đường móng nhà được đào thẳng vào trung tâm Cồn Điệp...

Thật khó hiểu khi mà trong các văn bản của huyện Quỳnh Lưu gửi UBND xã Quỳnh Văn đều khẳng định xây dựng chợ Vân là việc làm trái phép. Thế nhưng lạ lùng cho cái trái phép không bị đình chỉ, xử lý mà nó lại được "ủng hộ" để thực hiện. May mắn thay là hiện đã đã có 59 hiện vật của người Việt cổ - nạn nhân của cuộc đào bới trên đã được trao về cho ngành Văn hóa.

Mới đây khi trao đổi với chúng tôi về khu di chỉ khảo cổ Cồn Điệp bị xâm hại, ông Trần Anh Tời - Phó giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An đã thanh minh: "Xảy ra sự việc xây dựng chợ Vân thật đáng tiếc mà trong đó có một phần trách  nhiệm của Sở. Sở là cơ quan chủ quản được UBND tỉnh giao quản lý mà để xảy ra cơ sự thì thật buồn. Sở sẽ đình chỉ ngay việc quy hoạch, cải tạo, nâng cấp mới chợ Vân đồng thời giao cho xã Quỳnh Văn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, có hình thức kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân vi phạm...".

Cải tạo chợ để chôn vùi một di chỉ văn hóa mà chỉ là "đáng tiếc" (?!). Cái đáng tiếc chính là UBND huyện Quỳnh Lưu đã buông lơi trách nhiệm để cấp xã cố ý làm trái, tàn phá một di chỉ văn hoá!

Đặng Nguyên Nghĩa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm