Ngày trở về của 2 người phụ nữ bị lừa bán, mấy chục năm lưu lạc xứ người
(Dân trí) - Được hứa đưa đi làm, những người phụ nữ chân chất không ngờ mình bị lừa bán sang Trung Quốc. Sau 24 năm họ mới về lại quê hương, có cuộc hội ngộ đẫm nước mắt với người thân, hụt hẫng nghẹn ngào khi có người bố mẹ không còn nữa...
Những người phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc
Đó là câu chuyện của 2 người phụ nữ Phạm Thị Nhạn và Phạm Thị Cải (cùng SN 1974, trú tại thôn Phú Hòa, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Hai người phụ nữ này chỉ vừa mới đặt chân quay trở về với quê hương sau hơn 24 năm lưu lạc tại Trung Quốc.
Họ không phải sang Trung Quốc lao động, mưu sinh, mà đằng sau đó là những nỗi đau, sự uất hận khó thể nào vơi. Cả chị Nhạn và chị Cải đều bị lừa bán sang Trung Quốc và ép làm vợ của những người đàn ông xứ người.
Nhớ lại câu chuyện buồn 24 năm về trước, chị Nhạn và chị Cải cho biết, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cả 2 chị đều muốn tìm cho mình một công việc để mưu sinh nên theo một người tên Mai đi làm kiếm tiền. Nhẹ dạ cả tin, các chị không hề hay biết mình đã rơi vào bẫy của những kẻ buôn người.
Chuyến xe lăn bánh đưa chị Cải, chị Nhạn và nhiều người phụ nữ khác đến khu vực biên giới phía Bắc để vượt biên sang Trung Quốc. Khi nhận ra mình bị lừa, họ đã tìm mọi cách để trốn thoát nhưng lực bất tòng tâm.
“Khi đến gần biên giới là chị biết bị lừa, nhưng lúc đó không có cách gì để trốn, không có điện thoại để thông báo nên đành chấp nhận đến đâu hay đến đó. Trong đầu cứ nghĩ sẽ tìm cơ hội sơ hở để trốn về”, chị Cải kể lại.
Sau khi qua biên giới, chị Cải, chị Nhạn và nhiều người khác bị đưa về một đồn công an của Trung Quốc. Sau đó, những người phụ nữ Việt Nam được người tên Loan bảo lãnh và đưa về một căn nhà khác trú tạm. Chỉ một thời gian ngắn họ bị bán cho những gia đình người Trung Quốc. Ai không chấp nhận sẽ bị đánh đập dã man nên các chị chỉ còn biết cắn răng chịu đựng.
Ông Tùng cùng đứa con của mình sau 24 năm xa cách.
Chị Cải và chị Nhạn bị bán về một vùng nông thôn của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) để làm vợ của những người đàn ông không quen biết. Vì bất đồng ngôn ngữ, lại thường xuyên bị giám sát nên các chị chỉ loanh quanh trong nhà và làm theo những gì sai khiến.
Những ngày đầu sống ở Trung Quốc, những người phụ nữ này chỉ biết khóc, tủi thân và cố gắng liên lạc về với gia đình để tìm những hy vọng mong manh. Rất nhiều bức thư đã được các chị lén lút gửi đi, một trong những bức thư đó đã về với gia đình để thông báo việc mình bị lừa bán. Gia đình sau khi nhận được tin liền báo với cơ quan chức năng, gửi đơn cho công an nhưng nhiều năm sau, thông tin của các chị vẫn bặt vô âm tín.
Nghẹn ngào ngày trở về
Những năm tháng sống lưu lạc nơi xứ người, cả chị Cải và chị Nhạn dần quen với cuộc sống mà dù không muốn vẫn phải chấp nhận. Chị Cải hiện có 2 người con, còn chị Nhạn có 4 người con tại Trung Quốc.
24 năm qua, các chị vẫn luôn nhớ về quê hương, về những người thân, họ tìm mọi cách để có thể liên lạc, để trở về. Những khao khát đó của chị Cải và chị Nhạn đã may mắn trở thành hiện thực khi các chị nhận được sự giúp đỡ của một người phụ nữ quê tại Quảng Bình. Người này hứa sẽ giúp đỡ các chị trở về Việt Nam qua đường tiểu ngạch, bởi các chị sống nơi xứ người không có danh phận, không có giấy tờ tùy thân suốt hàng chục năm.
Chị Bông, chị ruột của chị Cải rưng rưng nước mắt khi kể về những ngày tháng đi tìm tung tích em gái.
Vào cuối tháng 6 vừa qua, chị Cải và chị Nhạn vượt biên về Việt Nam rồi lân la hỏi đường, bắt xe về huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Hành trình trở về của 2 chị mang theo muôn vàn cảm xúc và những giọt nước mắt.
Qua thăm dò, hỏi han, các chị được chỉ đường về với căn nhà gắn liền với tuổi thơ, nơi các chị lớn lên, nơi mà 24 năm qua những người phụ nữ này vẫn không thể nào quên. Nơi mà những người thân của họ vẫn ngóng trông, vẫn khao khát chờ mong họ trở về suốt những tháng năm dài đằng đẵng.
“Chiều ngày 26/6, Nhạn về đến nhà. Lúc đó tôi đang ngủ, có hai người vào hỏi bác có đứa mô đi nước ngoài về không, tôi trả lời không. Họ lại hỏi tiếp, bác có phải bác Tùng không, nhà bác có ai tên Nhạn không. Khi đó tôi mở to mắt nhìn thấy Nhạn rồi bố con ôm lấy nhau khóc”, ông Phạm Thanh Tùng (SN 1949), bố Nhạn vui sướng nói.
Hiện chị Cải đang sống cùng với chị gái của mình, chị luôn mong muốn được làm lại giấy tờ tùy thân.
Còn với chị Cải, ngày chị rời quê hương, bố mẹ vẫn còn khỏe mạnh, họ đã mỏi mòn ngóng tin của đứa con gái tội nghiệp. Thế nhưng ông bà đã không còn chờ được đến ngày chị Cải về.
Bà Bùi Thị Bông (SN 1966, chị gái ruột của chị Cải) chia sẻ, vào ngày 26/6, có cô gái bước vào nhà hỏi bố mẹ đi đâu. Không nhận ra em gái, chị Bông liền hỏi thì cô gái trả lời em Cải đây mà, cả 2 chị em liền ôm lấy nhau khóc nức nở.
“Gia đình có nhận được thư của Cải với nội dung bị lừa bán sang Trung Quốc và Cải khuyên mọi người trong làng đừng để họ lừa nữa. Biết tin con gái bị lừa bán, bố tôi vừa buồn vừa tức giận. Đến lúc bố tôi qua đời nhưng vẫn chưa gặp được con. Trước khi bố nhắm mắt, bố còn căn dặn sau này Cải có về thì chị em phải thương yêu lấy nhau”, chị Bông buồn bã nhớ lại.
Hiện chị Nhạn và chị Cải mong muốn chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện để làm lại giấy tờ tùy thân. Công an huyện Lệ Thủy, Công an tỉnh Quảng Bình cũng đã vào cuộc để điều tra về đường dây buôn bán người này.
Tiến Thành