Ngày mai phải dẫn được cụ Rùa về nơi chữa trị
(Dân trí) - Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Khôi vừa chỉ đạo Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NN & PTNT) trong ngày mai, 4/3, phải bố trí 3 ca tổ chức bắt và dẫn bằng được cụ Rùa về nơi chữa trị.
Việc dẫn cụ rùa về nơi chữa trị phải đảm bảo an toàn (Ảnh: Gia Khoa)
Việc thi công, lắp đặt bể lưu giữ phục vụ chăm sóc, chữa trị Rùa hồ Gươm, ông Khôi yêu cầu Sở KH - CN chỉ đạo gia công, lắp đặt, hoàn thành trước ngày 4/3. Về gia công lưới, phương thức bắt cụ Rùa và đưa dẫn cụ về nơi chữa trị, Sở NN & PTNT phải chỉ đạo Chi cục Thủy sản hoàn thành ngày 4/3 và phối hợp chuyên gia bố trí 3 ca tổ chức bắt, dẫn Rùa đảm bảo an toàn.
Sở Xây dựng chỉ đạo hoàn thành lắp đặt hàng rào và quây rào bể dưới nước theo nhiệm vụ được giao trước ngày 4/3. Sở KH - CN tiếp tục tổ chức bẫy, bắt rùa tai đỏ thường xuyên.
Trên đảo Rùa, các đơn vị đang triển khai tạo đường lên và
quây bể làm "bệnh viện" cho cụ rùa
Khe hở trong hình là một đường lên của cụ rùa
Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Thoát nước tiếp tục phối hợp với GS. Hà Đình Đức kiểm tra, giải quyết các vật cản xung quanh đảo đền Ngọc Sơn và chỉ đạo Công ty Công viên cây xanh kiểm tra, cắt tỉa các cành cây, lá cây rủ xuống mặt nước, không để ảnh hưởng tới Rùa hồ Gươm.
Các công nhân đang khẩn trương quây lưới và bạt quanh bể
nuôi nhốt cụ rùa trong những ngày chữa bệnh
Sở KH - CN và GS Đức tổ chức trực thường xuyên hàng ngày tại khu vực hồ Hoàn Kiếm để đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện. Bắt đầu từ ngày 4/3, Sở NN & PTNT, Hội đồng chữa trị Rùa hồ Gươm chỉ đạo bố trí lực lượng tổ chức trực 3 ca liên tục (các tổ, nhóm thực hiện việc bắt, dẫn rùa về nơi lưu giữ, chăm sóc và tổ chẩn đoán, khám chữa trị Rùa) để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Vài ngày trước, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - được chỉ định là Chủ tịch Hội đồng chữa trị Rùa Hồ Gươm, đứng đầu 12 thành viên trong hội đồng. Tuy nhiên thời điểm hiện nay, vị trí này đã được UBND TP Hà Nội giao lại cho ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, đồng thời là bác sĩ thú y. Việc thay đổi người đứng đầu không ảnh hưởng đến lộ trình chữa bệnh cho cụ Rùa. Việc chẩn đoán và chữa vết thương cho cụ Rùa ban đầu được đưa ra theo nhiều cách như: đưa thuốc vào cơ thể bằng đường thức ăn, tiêm thuốc, bôi trực tiếp vào vết thương, tắm thuốc... đều có khả năng xảy ra rủi ro. Hiện nay phương án đã được hội đồng thông qua là đưa cụ Rùa lên bờ bằng biện pháp “cưỡng chế”, sau đó lấy mẫu bệnh phẩm nhằm chẩn đoán chính xác nhất rồi mới dùng thuốc bôi ngoài da nhằm diệt khuẩn, nấm bằng kháng sinh; thảo dược cũng sẽ được sử dụng trong khu vực “bệnh viện” là bể bơi thông minh sắp được hoàn thiện. Được biết, Bệnh viện da liễu Hà Nội cũng sẽ tham gia vào quá trình chữa bệnh cho cụ Rùa. (P. Thanh) |
Quang Phong
Ảnh: Gia Khoa