Đúng 8h, Bộ Tư lệnh Công binh cùng lãnh đạo UBND TP Hà Nội làm lễ cắt băng khánh thành và chính thức thông xe cầu phao bắc qua sông Đuống. Ngay sau khi thông cầu, hàng trăm lượt xe ô tô, xe máy đã qua sông Đuống an toàn.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cùng Bộ Tư lệnh Công binh cắt băng khánh thành và thông xe cầu phao Đuống
Việc lắp đặt cầu phao và làm đường qua bãi giữa do các đơn vị Binh chủng Công binh đảm nhiệm, còn việc thi công đường dẫn hai đầu cùng hệ thống biển báo, chiếu sáng do Sở Giao thông vận tải Hà Nội triển khai.
Theo ông Nguyễn Văn Chuyên, Phó Tiểu đoàn trưởng tham mưu lữ đoàn 249: “Ngay khi nhận nhiệm vụ bắc cầu phao qua sông Đuống, Lữ đoàn đã thực hiện bắc cầu trong vòng 24 giờ, khí tài bắc cầu phao qua sông Đuống được di chuyển từ cầu phao Chèm về đây. Theo kế hoạch, cầu phao Đuống được sử dụng trong 105 ngày”.
Cầu phao Đuống dài khoảng 248m, rộng 8m
“Dù cầu phao lần này có độ dài chỉ bằng 1/3 cầu phao Chèm vượt sông Hồng hồi tháng 10/2009, song khó khăn hơn vì nước sông Đuống chảy xiết hơn (1,1m/giây), lại sắp đến mùa lũ nên hay có củi, gỗ thượng nguồn đổ về nên công tác hiệp đồng tác chiến phải đặt biệt chủ động để bảo vệ cho cầu” - ông Chuyên cho biết.
Khi được hỏi về độ an toàn của cầu phao Đuống, ông Chuyên nhận định: “Phao cầu Đuống mới chỉ bảo dưỡng được 50%. Để bảo đảm an toàn kỹ thuật nhất cho cầu phao, lữ đoàn đã có lực lượng bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên, kịp thời cho cầu phao này”.
Khoảng hơn 1 tiếng sau khi thông cầu, từ phía đường dẫn xuống cầu thuộc phường Giang Biên (quận Long Biên), do đường hơi dốc khiến cho gầm xe buýt số 17 tuyến Long Biên - Phù Lỗ - Nội Bài bị mắc kẹt khiến khu vực này xảy ra ùn tắc từ khu vực đường dẫn xuống cầu phao lên đê Vàng. Ngay khi sự cố xảy ra, Sở GTVT đã tiến hàng cho thông xe trở lại trên 2 chiều của cầu Đuống để hành phân luồng giao thông trên đê Vàng, đồng thời phối hợp với Lữ đoàn 249 khắc phục sự cố trên đường dẫn xuống cầu phao để đảm bảo an toàn giao thông.
Ô tô mắc cạn trong ngày đầu thông cầu
Nói về sự cố này, ông Nguyễn Quốc Hùng (Giám đốc Sở GTVT Hà Nội) cho biết: “Đây là cầu phao tạm nên xảy ra sự cố là chuyện bình thường. Xe mắc cạn là xe đã vi phạm quy định phân luồng. Phía đường dẫn hơi cao chúng tôi sẽ cho thi công lại trong tối nay”.
Cầu phao bắc qua sông Đuống có chiều dài khoảng 248m, rộng 8m, đủ cho hai làn xe với tổng cộng 47 đốt phao. Cầu có thể chịu tải trọng xe 60 tấn nhưng tại thời điểm này chỉ xe có trọng tải dưới 10 tấn và dưới 12 mét mới được qua cầu phao.
Ùn tắc xảy ra
Sau sự cố, nhiều xe khác tỏ ra e dè hơn
Sự cố xảy ra, cầu Đuống buộc phải tạm dừng sửa chữa để cho các phương tiện đi qua nhằm giải tỏa giao thông
Ông Trần Hông Minh (Trưởng Lữ đoàn 249) cho hay: “Tại cầu phao Đuống, có 154 chiến sỹ, cán bộ của Bộ Tư lệnh Công binh sẽ làm nhiệm vụ, 10 xe chuyên dụng làm nhiệm vụ đảm bảo kỹ thuật và duy trì cầu”.
Cũng theo ông Minh: “Do sắp vào mùa mưa bão nên khi có mưa lớn và xảy ra nguy kịch thì cầu phao Đuống sẽ buộc phải tháo dỡ để đảm bảo an toàn cho giao thông đường thủy”.
Sẽ có 154 chiens sỹ công binh và hàng chục xe chuyên dụng được duy trì ở cầu phao Đuống trong vòng 105 ngày
Để đảm bảo an toàn giao thông, sẽ tiến hành cắt 20 đốt phao từ 23 giờ đến 5 giờ sáng để thông thủy trên sông Đuống.
Đây là lần thứ tư Hà Nội lắp cầu phao đảm bảo giao thông thông suốt giữa các tỉnh phía Bắc với thủ đô Hà Nội trong thời điểm cấp bách, cụ thể: bắc cầu phao phục vụ Seagames 23, năm 2003 là cầu phao Khuyến Lương qua sông Hồng; cầu phao vượt đập Phùng trong trận lụt năm 2008 và cầu phao Chèm phục vụ sửa cầu Thăng Long vào tháng 10/2009.
Châu Như Quỳnh