1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ngành xuất bản đành sống chung với sách lậu

(Dân trí) - Sách giả ngày càng được in tinh vi hơn và bày bán công khai, thậm chí còn in giá bán cao hơn sách thật. Trong khi đó, số vụ bị phát hiện rất ít, khung xử phạt quá nhẹ khiến nhiều nhà xuất bản than trời: “Đành sống chung với sách lậu”.

Ngành xuất bản đành sống chung với sách lậu - 1
Đại diện NXB Giáo dục hướng dẫn cách phân biệt 2 cuốn Atlat Địa lý thật và giả.

Lắm chiêu sách giả

Sách in lậu, in nối bản, luộc sách, sách photocopy… bày bán công khai trong các nhà sách, trên vỉa hè thậm chí xâm nhập vào cả các thư viện trường… đến nỗi ông Ngô Trần Ái, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam đã gọi đây là “đại nạn” của ngành xuất bản trong Hội nghị Chống in lậu năm 2010 diễn ra vào sáng 10/6.

Không những thế, kẻ làm ăn phi pháp ngang nhiên đối đầu với người làm ăn chân chính: “Từ chỗ chủ động phòng chống, tuyên chiến nhưng không có hồi kết, các NXB chỉ còn biết tự vệ và phòng thủ là chính”, ông Ái phát biểu.

Từ tháng 7/2009 đến nay, NXB Giáo dục Việt Nam phát hiện 5 vụ in sách lậu với số lượng lớn. Đáng chú ý nhất là cuốn Atlat Địa lí Việt Nam dù đã đổi mới công nghệ in nhưng sách lậu vẫn có mặt trên thị trường.

Riêng năm 2009, có đến 8 vụ in lậu sách của NXB Trẻ. Có vụ Công an TPHCM phát hiện 3 kho sách giả lên đến 12 tấn với hơn 50.000 cuốn. Sách lậu còn in giá đắt hơn sách thật đến 63% để đánh lừa người đọc. Gần đây nhất, chi cục quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ hơn 900 đầu sách lậu tại các cửa hàng ở đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy).

Ông Phạm Sỹ Sáu, đại diện NXB Trẻ thốt lên: “Thực tế, 90% sách bày bán trên vỉa hè đều là sách giả. Để ra một đầu sách, chúng tôi đã phải thương thảo với tác giả từng đồng một để bạn đọc Việt Nam có được bản sách với giá rẻ nhất. Thế nhưng, khi in ra thì lại bị chính những người Việt ăn cắp công sức, trí tuệ của người làm sách”.

Bên cạnh đó, hiện nay còn xuất hiện thêm hình thức sách lậu mới, đó là việc ngang nhiên rao bán sách giả trên mạng và đăng tải nội dung sách trái phép. Các trang web mua bán sách trực tuyến đều đăng tải nội dung sách để thu hút khách mà không hề hỏi ý kiến NXB.

“Chúng tôi chấp nhận sống chung với nạn in lậu nên cũng không kiện cáo gì nữa”, ông Phạm Sỹ Sáu than.

Cần tăng chế tài xử phạt

Theo các chuyên gia thì nguyên nhân chính mà nạn in lậu vẫn ngang nhiên tồn tại chính là khung hình phạt còn chưa tương xứng với hành vi vi phạm. Hậu quả chính là Nhà nước bị thất thu thuế khá lớn, đồng thời làm tổn thương thương hiệu và tổn thất kinh tế đối với các NXB.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty sách Thái Hà, đề xuất phương pháp: cơ quan chức năng cần áp dụng điều khoản bổ sung là thu hồi luôn cả tang vật là máy in. Những ý kiến khác cho rằng, mức phạt tối đa 500 triệu đồng sẽ không đáng là bao so với lợi nhuận quá lớn của việc in lậu, nên nâng mức phạt cao nhất lên đến 1 tỉ đồng, thậm chí có thể xử lý hình sự nếu số lượng sách lậu gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Ông Hùng cũng đề cập đến việc tiêu thụ: “Lâu nay, chúng ta cứ nói chống in lậu nhưng quên mất một điều: mua sách lậu cũng là ăn cắp. Không thể nói vì giá rẻ mà tạo thói quen ăn cắp bản quyền, ăn cắp sở hữu trí tuệ của người khác”.

Vì vậy, một trong các kiến nghị khá quan trọng chính là vận động người tiêu dùng góp sức phát hiện và tẩy chay sách giả để góp phần đưa thị trường sách sớm trở về an bình.

Thụy An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm