1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngành khí tượng “bất lực” với dự báo lũ ống, lũ quét

(Dân trí) - Liên tiếp những trận lũ ống, lũ quét xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc tuần qua đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Thế nhưng hiện cơ quan khí tượng vẫn chưa thể cảnh báo chính xác về hiện tượng thiên tai này.

PV Dân trí đã có buổi trao đổi với ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ xung quanh vấn đề này.
 
Chỉ trong vòng 1 tuần, nhiều huyện miền núi đã xảy ra những trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng nhưng người dân trong khu vực thiên tai hoàn toàn bị động vì không nhận được cảnh báo nào từ ngành khí tượng. Phải chăng việc đưa ra dự báo về lũ ống, lũ quét nằm ngoài khả năng của cơ quan chuyên môn?
 
Ngành khí tượng “bất lực” với dự báo lũ ống, lũ quét - 1
Ông Lê Thanh Hải “yêu cầu cảnh báo cụ thể về lũ ống, lũ quét hiện rất khó thực hiện” (ảnh: T. Trầm).
 
Trên thực tế, khi phát đi những bản tin dự báo về hiện tượng mưa, bão có ảnh hưởng đến Bắc Bộ, đặc biệt là khu vực vùng núi bao giờ chúng tôi cũng kèm theo cảnh báo về lũ ống, lũ quét. Tuy nhiên, cảnh báo chỉ có thể ở mức độ chung chung, không thể chỉ ra cụ thể về địa điểm có thể xảy ra.
 
Nguyên nhân có nhiều nhưng điều quan trọng nhất là ngành chưa có công nghệ dự báo lũ ống, lũ quét. Dựa vào hệ thống quan trắc mưa thì chỉ có thể đưa ra mức độ cảnh báo, trong khi một trạm quan trắc mưa chỉ có thể báo cáo dữ liệu trong bán kính 10 km.
 
Những trận lũ ống, lũ quét vừa qua đều xảy ra theo tính cục bộ, đột ngột ở một vài thôn, xã nên càng khó có thể cảnh báo trước.
 
Chính phủ vừa phê duyệt Đề án hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 1.400 tỷ đồng. Với số máy móc được trang bị, ngành khí tượng có đảm bảo dự báo về lũ ống, lũ quét chính xác?
 
Có thêm máy móc, thiết bị thì hiệu quả trong công tác dự báo mưa sẽ được nâng cao, từ đó giúp ích cho việc cảnh báo lũ quét, lũ ống.
 
Dù vậy, chỉ dựa vào thiết bị đo theo dõi mưa thôi thì chưa đủ, việc cảnh báo lũ quét, lũ ống còn cần đến các yếu tố như: địa hình, độ dốc, bề mặt thảm... Vì thế cần có những nghiên cứu sâu rộng hơn về lũ quét của những chuyên gia am hiểu trong lĩnh vực này.
 
Ngành khí tượng “bất lực” với dự báo lũ ống, lũ quét - 2
Lũ ống vừa tấn công Sa Pa (Lào Cai) chiều tối 4/8 (ảnh: Phạm Ngọc Triển).
 
Chưa thể đưa ra cảnh báo cụ thể về lũ ống, lũ quét đồng nghĩa với việc người dân phải chủ động phòng tránh. Vậy kinh nghiệm để người dân có thể đối phó và cảm nhận lũ ống, lũ quét là gì, thưa ông?
 
Thông thường sau những đợt khô hạn, đất đai bị khô, nứt, bở, khi có trận mưa lớn xuống, đất sẽ ngấm nước rất nhanh, rất dễ dẫn đến lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là ở những khu vực gần cửa sông, suối, chân núi, đồi…
 
Theo quan sát và thống kê của chúng tôi, những khu vực đã từng xảy ra lũ ống, lũ quét thường sẽ lặp lại hiện tượng đó, vấn đề chỉ là thời gian diễn ra mà thôi.
 
Kinh nghiệm là người dân phải hết sức cảnh giác khi phát hiện những tiếng động lạ hoặc thấy nước sông suối đang đầy bỗng nhiên hạ thấp xuống; mưa lớn, nước dâng cao và bị đục do cuốn theo cây cối và bùn đất...
 
Đó là dấu hiệu cảnh báo của hiện tượng lũ ống, lũ quét nên phải nhanh chóng chuyển đến những nơi an toàn. Lưu ý, lũ quét thường xảy ra rất nhanh vào ban đêm nên ở những khu vực đã từng xảy ra hiện tượng này cần liên tục cử người canh gác, theo dõi…
 
Xin cám ơn ông!
 
Phạm Thanh (thực hiện)