1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngành giao thông giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

(Dân trí) - Sau hai năm triển khai chương trình Giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, ngành giao thông TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu trong việc hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Ngành giao thông giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng - 1

Xe buýt có thang nâng dành cho NKT

 

 

Hành động đầu tiên của ngành là đã tiên phong xây dựng chương trình miễn phí vé xe buýt cho người khuyết tật (NKT) ngay từ đầu năm 2006 và duy trì đến nay. Chương trình không chỉ dành cho NKT cư trú tại TP mà còn dành cho tất cả NKT sinh sống, làm việc và học tập tại TPHCM. Sau này, chương trình được nhiều địa phương trên cả nước hưởng ứng.

 

Cũng trong chương trình này, khi NKT TP trình bày thẻ miễn phí của họ mang tên “Thẻ xe buýt miễn phí dành cho người tàn tật” là thiếu tôn trọng và tạo cho NKT cảm giác tự ti, Sở GTVT TP đã nhanh chóng chấp thuận sửa tên thẻ thành “Thẻ xe buýt miễn phí cho NKT”.

 

Tiếp sau đó, Sở tiếp tục triển khai các tuyến xe buýt sàn thấp cho NKT dễ dàng lên xuống xe. Sau đó nữa, ngành giao thông TP nghiên cứu và cho ra đời loại xe buýt có thang nâng xe lăn lên xuống và đưa vào sử dụng. Việc này càng giúp NKT dễ dàng tiếp cận xe buýt hơn.

 

Hiện Sở đang hợp tác nghiên cứu thí điểm thiết bị phát sóng giúp người khiếm thị dễ dàng nhận ra xe buýt mình cần đón đang chuẩn bị ghé trạm, phát tín hiệu yêu cầu tài xế dừng cho người khiếm thị lên xe…

 

Hiện nay, trong công tác thẩm định hồ sơ thiết kế (dự án đầu tư, thiết kế cơ sở), Sở GTVT đều yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư trên địa bàn TP thiết kế bó vỉa, vỉa hè cho NKT tiếp cận sử dụng: có chỗ dốc cho xe lăn lên đúng quy chuẩn, có làn gạch nổi định hướng cho người khiếm thị di chuyển…

 

Ngoài ra, Sở cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra duy tu sửa chữa hạ tầng giao thông (vỉa hè) trên địa bàn TP; lắp đặt biển báo, cải tạo bến chờ xe buýt (lối lên xuống) nhằm tạo điều kiện cho NKT và người già thuận tiện sử dụng xe buýt.

 

Gần đây, Sở đang nghiên cứu bố trí các điểm dừng đỗ xe buýt thuận tiện cho NKT tiếp cận. Hiện công tác này đã được triển khai nhưng chưa rộng khắp. Sắp tới, Sở GTVT TP sẽ còn triển khai bố trí đèn tín hiệu giao thông có phát ra âm thanh đặc biệt để hướng dẫn người khiếm thị qua đường đầu tiên tại Việt Nam.

 

Chị Lưu Thị Ánh Loan, Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật TPHCM, đánh giá: “Nếu so với các địa phương khác, ngành giao thông TPHCM làm rất tốt hoạt động hỗ trợ NKT. Nhiều chương trình hỗ trợ NKT của TPHCM đều đi đầu cả nước, làm hình mẫu cho các địa phương khác học tập. NKT TP rất phấn khởi vì cảm thấy mình được xã hội quan tâm”. 

 

Tuy nhiên, chị Loan cũng cho là Các hoạt động vẫn còn mang tính thí điểm, chưa rộng khắp nên NKT vẫn còn bị hạn chế trong đi lại tại nhiều nơi, nhiều chỗ. Ngoài ra do chưa được phổ biến rộng nên nhiều NKT còn không nắm rõ được quyền lợi của mình.

 

Báo cáo của Sở GTVT TPHCM cũng thừa nhận là hiện nay, NKT tại TP vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong việc sử dụng các công trình xây dựng và giao thông công cộng.

 

Trở ngại lớn nhất là các phương tiện vận tải chưa triển khai hoàn chỉnh được do hệ thống hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, nguồn tài chính dành cho giao thông hạn hẹp; nhận thức của cộng đồng dân cư về giao thông tiếp cận lại hạn chế. 

 

Tùng Nguyên