Ngàn lẻ một trò gây rối chốn công đường
Tại tòa một quận ở TPHCM, một nữ đương sự đã thoát y ngay giữa sân tòa để phản đối bản án. Công an phường tới nơi cũng không thể thuyết phục được bà này mặc quần áo vào, đành trùm một tấm áo mưa và đưa về phường.
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều “chiêu” gây rối, làm loạn chốn công đường của các bị cáo, đương sự. Vài năm trở lại đây, hiện tượng này ngày càng phổ biến. Nếu như trước đây, những vụ quậy phá thường xảy ra ở các buổi hòa giải hay phiên xử dân sự thì hiện nay, trong những vụ án hình sự có cảnh sát tư pháp bảo vệ cũng không ít lần xảy ra sự cố.
Làm loạn
Gần đây nhất, cuối tháng 12/2009, phiên xử vụ nữ sinh Vũ Thị Kim Anh giết bạn trai cũ trên xe Lexus tại TAND TP Hà Nội đã rất nhiều lần bị gián đoạn do gia đình nạn nhân chửi rủa bị cáo, la ó phản đối luật sư bào chữa. Khi phiên xử tạm kết thúc, mẹ và bác ruột của bị cáo phải ra về với sự bảo vệ của cảnh sát do bị người nhà nạn nhân lao vào định hành hung kèm những lời đe dọa: “Thịt con đó đi!”, “Mày dạy con thế à?”…
Sau khi tòa tuyên án, trong lúc bị cáo nhanh chóng được các cảnh sát hộ tống rời phòng xử án để đảm bảo an toàn thì người nhà nạn nhân vừa khóc lóc vừa lu loa rằng hội đồng xét xử “ăn tiền mới tuyên án nhẹ hều”. Họ còn hung hãn lao lên phía hội đồng xét xử khiến cảnh sát bảo vệ phải giải tán bằng cách tắt điện trong phòng xử…
Cũng trong một phiên xử của TAND huyện Châu Đức một tháng trước đó, khi tòa chuẩn bị tuyên án Lê Văn Hòa (tội cướp tài sản) thì bất ngờ bị cáo nuốt cả một vốc thuốc ngủ khiến phiên xử phải hoãn để đưa Hòa đi cấp cứu.
Đặc biệt, trong phiên xử Nguyễn Bảo Tuấn về tội cướp giật tài sản tại TAND quận 5 (TPHCM) hồi tháng 9/2008, bị cáo này đã quậy tưng bừng. Từ lúc ở trại giam, Tuấn đã không chịu mặc quần áo, dùng mảnh chai cứa cổ tóe máu, chửi bới, cắn cả cảnh sát tư pháp. Đến tòa, Tuấn tiếp tục la hét, vùng vẫy dữ dội. Tòa đã buộc phải cách ly và bố trí loa để Tuấn nghe trực tiếp phiên xử.
Tại Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM hay TAND TPHCM, việc các bị cáo nhảy lầu, đập đầu tự tử thỉnh thoảng vẫn diễn ra. Rất may là trong những vụ trên, cảnh sát tư pháp đều can thiệp kịp thời nên không xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Ðánh người
Trong những phiên hòa giải hoặc xét xử dân sự, việc đương sự quậy phá, chửi bới hoặc dùng vũ lực với thẩm phán, thư ký, luật sư… xảy ra phổ biến hơn vì không có cảnh sát tư pháp tham dự.
Tháng 9/2009, trong một phiên xử dân sự tại TAND thị xã Gia Nghĩa (Dăk Nông), bị đơn L.V.H đã cùng nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xông vào đánh nguyên đơn, vây hãm chủ tọa. Tuy được lực lượng cảnh sát tư pháp ngăn chặn kịp thời nhưng khi hội đồng xét xử trở vào phòng xử thì hàng chục người lại xông lên tấn công chủ tọa, không cho tuyên án khiến chủ tọa phải bỏ chạy ra ngoài.
Trước đó vài tháng, một thư ký TAND quận 1 (TPHCM) cũng đã bị một nguyên đơn nhục mạ và thẳng tay tát vào mặt vì “dám” đi gọi cảnh sát tư pháp tới hỗ trợ.
Tháng 4/2009, một luật gia do Trung tâm Thông tin - Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia Việt Nam) cử đến hỗ trợ pháp lý miễn phí cho một nguyên đơn trong một vụ tranh chấp chia tài sản chung sau ly hôn đã bị phía bị đơn choảng ngay trong một phiên hòa giải của tòa. Theo luật gia này, ông đã bị đánh tất cả năm cái vào mặt và bị chảy máu mũi. Sự việc xảy ra rất nhanh, chỉ trong vài phút nên ông hoàn toàn không kịp phản ứng gì trước thái độ hung hăng của phía bị đơn.
Tháng 4/2008, trong phiên xử của TAND huyện Chợ Mới (An Giang), luật sư Đ.T.Đ đã bị bà O. (bị đơn) rượt đánh, ném đá. Theo luật sư Đ., trước đó ông từng bị người nhà của bà O. dọa đánh nên phải gửi văn bản đề nghị TAND huyện Chợ Mới có biện pháp bảo vệ an toàn cho người tham dự phiên tòa nhưng cuối cùng vẫn… không thoát.
“Phang” cả đương sự khác: Tháng 5/2008, sau khi TAND quận 9 (TPHCM) tuyên án trong một vụ tranh chấp nhà, ngay lập tức bị đơn to tiếng mắng chửi rồi cúi xuống nhặt guốc ném về phía nguyên đơn. Khi nguyên đơn né được, hoảng hốt tháo chạy ra ngoài, bị đơn tiếp tục đuổi theo hành hung nhưng người dự tòa kịp cản lại…
Trước đó, trong một vụ tranh chấp quyền sở hữu nhà giữa bốn anh em tại TAND TPHCM, sau khi tòa hoãn tuyên án, bước ra khỏi phòng xử, bị đơn bị ba anh em xông vào đánh tới tấp khiến ông ngất xỉu tại chỗ, phải đi cấp cứu. Sau đó, nhóm này cướp túi xách của bị đơn rồi bỏ đi (theo bị đơn, trong túi có tài liệu vụ án, 74 triệu đồng và điện thoại di động).
Đánh thẩm phán: Tháng 5/2009, TAND huyện Tuy Phước (Bình Định) đã xử lưu động, phạt Trần Văn Tùng 15 tháng tù, Trần Thị Cẩm Xuyên sáu tháng tù về tội cố ý gây thương tích và tiêu hủy tài liệu, hồ sơ của cơ quan, tổ chức.
Trước đó, trong vụ án ly hôn của cha mẹ, cho rằng tòa xử không khách quan, khi chủ tọa vừa ôm hồ sơ rời khỏi phòng xử, Tùng đã lao vào kẹp cổ, đánh tới tấp làm nạn nhân bị thương tật 4% tạm thời. Khi vị quan tòa bỏ chạy, Xuyên đã nhặt hồ sơ của vụ án xé tan tành.
Tát thư ký: Tháng 1/2009, TAND TPHCM đã giảm án cho Phạm Thị Nguyệt từ 10 tháng tù xuống còn bảy tháng bảy ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội chống người thi hành công vụ.
Tháng 5/2008, trong phiên phúc thẩm một vụ tranh chấp đất, sau khi TAND TP bác kháng cáo của nguyên đơn (Nguyệt đại diện theo ủy quyền), tuyên y án sơ thẩm thì Nguyệt chỉ tay vào vị chủ tọa lớn tiếng và đập bàn la to: “Không biết xử án”!. Thấy Nguyệt muốn gây rối, chủ tọa yêu cầu thư ký phiên tòa ra ngoài gọi bảo vệ. Thư ký đi ra thì bị Nguyệt chửi luôn và nắm vai đẩy ngã dúi về phía trước. Người thư ký quay lại theo phản xạ liền bị Nguyệt tát một cái vào mặt...
Đuổi luật sư, nhà báo: Tháng 4/2008, TAND TP Hà Nội đã xử một vụ tranh chấp tiền mà vợ chồng bà T. là đồng bị đơn. Tại phiên tòa, trong lúc luật sư của chồng bà T. phát biểu thì liên tục bị bà T. xúc phạm. Gần trưa, khi chủ tọa tuyên bố tạm nghỉ, bà T. đột ngột xông lên bàn luật sư cướp tài liệu, rồi cởi guốc... bổ vào mặt khiến luật sư này sưng đầu. Một nam phóng viên đưa máy ảnh lên chụp, lập tức bị bà T. quay sang tấn công, cướp máy ảnh. Cả luật sư và phóng viên sau đó đều bị bà T. đuổi chạy vòng vòng từ phòng xử án ra đến sân tòa.
Sau đó, bà T. đã bị Công an TP Hà Nội khởi tố về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Theo Thanh Lưu - Hồng Tú
Pháp luật TPHCM