Ngắm máy bay, robot tự hành tân tiến dùng để chữa cháy ở Hà Nội
(Dân trí) - Tại triển lãm quốc tế về PCCC năm 2023 đang diễn ra ở Hà Nội, nhiều loại máy bay, robot, các trang thiết bị chữa cháy hiện đại đang được trưng bày, đón người dân tới xem và chiêm ngưỡng.
Sáng 19/7 tại Hà Nội, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm quốc tế về kỹ thuật và phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và thiết bị an ninh, an toàn bảo vệ năm 2023.
Tham dự khai mạc triển lãm có Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục cảnh sát PCCC&CNCH - C07 (Bộ Công an), cùng lãnh đạo Công an TP Hà Nội và nhiều đơn vị, tổ chức khác.
Trao đổi với PV báo Dân trí, Thượng tá Trần Kim Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật PCCC&CNCH, Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy cho biết, robot 114 là một sản phẩm đang trong quá trình nghiên cứu.
Robot được sử dụng vào mục đích đưa vòi chữa cháy vào trong hiện trường, tại những nơi mà cảnh sát không tiếp cận trực tiếp được. Robot được trang bị 2 mắt camera và được điều khiển từ xa. Theo Thượng tá Khánh, dự kiến trong khoảng 1 năm tới, cảnh sát sẽ đưa robot này vào sử dụng.
Một thiết bị bay trình diễn chữa cháy trực tiếp tại triển lãm cho quan khách và người dân theo dõi.
Theo ban tổ chức, trên diện tích trưng bày 11.000m2, triển lãm sẽ quy tụ 490 gian hàng, hơn 350 đơn vị là các cơ quan, đơn vị đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong hình là thiết bị bảo hộ của công ty Drager sản xuất.
Dàn xe thang Mitsubishi - Morita được sản xuất tại Nhật Bản, chiều cao của thang lên tới 52m.
Cạnh đó là chiếc xe thang Man - Klass, chiều cao của thang lên tới 32m và xe cứu nạn cứu hộ Man-Rosenbauer, được sản xuất tại Tây Ban Nha, có cần cẩu cao tới 17m. Các phương tiện này chủ yếu được dùng để cứu nạn, cứu hộ tại các địa hình cao như chung cư, nhà cao tầng...
Trong hình là xe quạt hút khói chữa cháy đa năng, được trang bị hệ thống phun nước, ống hút khói, hệ thống điều khiển từ xa, hệ thống điều hướng quạt, chuyên dụng hút khói tại các đám cháy lớn.
Trong hình là thiết bị chữa cháy tự hành TAF35 do Ý sản xuất.
Trong hình là robot chữa cháy, được nhập từ Pháp trong năm 2023, hiện đang được phòng PC07, Công an TP Hà Nội sử dụng. Theo cảnh sát, robot chữa cháy được trang bị 2 mắt camera, bao gồm cảm ứng nhiệt và hình ảnh, qua đó có thể phát hiện được các nạn nhân mắc kẹt, di chuyển tới và cung cấp các bình ô xy.
Ngoài ra, robot chữa cháy được điều khiển từ xa, bán kính khoảng 1km, robot chạy bằng ắc quy điện, mỗi lần sạc đầy sẽ vận hành được 4 tiếng đồng hồ. Chức năng chính của robot đó là phun nước chữa cháy và tiếp cận các khu vực cháy nguy hiểm, nhiều hóa chất độc hại.
Đơn cử như vụ cháy ô tô buýt tại cây xăng ở Đông Anh (Hà Nội) vừa qua, cảnh sát cũng sử dụng robot chữa cháy này để tiếp cận hiện trường.
Các loại khóa, móc an toàn dùng cho PCCC và cứu nạn do Ấn Độ sản xuất.
Trong hình là mô tô chữa cháy, được sử dụng trong khu dân cư ngõ nhỏ, hẹp, dùng để vận chuyển các trang thiết bị chữa cháy đi vào các con ngõ nhỏ mà xe chữa cháy lớn khó tiếp cận.
Theo ban tổ chức, triển lãm PCCC&CNCH gồm 5 khu trưng bày: Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; công nghiệp an ninh, an toàn, thiết bị giám sát, bảo vệ; điện, tự động hóa an toàn cho công trình, tòa nhà, giải pháp cho hệ thống tự động hóa; khu trưng bày công nghệ, kỹ thuật, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ.
Ngoài ra còn có khu trưng bày giới thiệu truyền thống, chiến công của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH; khu tuyên truyền, hướng dẫn, trải nghiệm kỹ năng PCCC&CNCH… Triển lãm mở cửa đón khách tham quan trong 3 ngày (từ 19 đến ngày 21/7).