1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Ngã Tư Sở: Có cầu vượt vẫn chưa hết ùn tắc

Sau hơn mười ngày công trình cầu vượt nút giao thông Ngã Tư Sở (Hà Nội) được đưa vào sử dụng, tình trạng ùn tắc trong khu vực nút vào giờ cao điểm vẫn diễn ra, một số nút giao thông liên quan cũng có nhiều phức tạp.

Ngày 31/5 vừa qua, công trình cầu vượt nút giao thông Ngã Tư Sở chính thức được đưa vào sử dụng. Ðây là công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía tây nam thành phố. Tuy nhiên, sau hơn mười ngày được đưa vào sử dụng, tại đây vẫn diễn ra nạn ùn tắc giờ cao điểm.

 

Ùn tắc giao thông trên đường Trường Chinh

 

17 giờ chiều 12/6, chúng tôi có mặt tại nút giao thông Ngã Tư Sở. Mặc dù là giờ cao điểm ngày đầu tuần, lượng phương tiện qua lại nút khá đông, nhưng dòng phương tiện đi theo hướng từ đường Tây Sơn - Nguyễn Trãi và ngược lại đi trên cầu vượt khá thông suốt. 

 

Chị Hoa, bán hàng ở ngõ 122 đường Láng, cho biết, từ khi đưa cầu vượt Ngã Tư Sở vào hoạt động, hầu như không còn xảy ra ùn tắc giao thông trên đường Láng.

 

Tuy nhiên, mọi phức tạp về giao thông giờ lại đổ dồn vào đường Trường Chinh. Giờ cao điểm, lượng người và xe đi trên trục đường này rất đông, trong khi mặt cắt đường khá nhỏ, hẹp, chất lượng đường xấu, không có đèn tín hiệu giao thông tại các ngã ba.

 

Cảnh sát giao thông Nguyễn Văn Tân, làm nhiệm vụ tại ngã ba Trường Chinh - Vương Thừa Vũ cho biết: “Từ khi cầu vượt Ngã Tư Sở đưa vào hoạt động, khu vực ngã ba này và ngã ba Trường Chinh - Tôn Thất Tùng trở thành hai điểm ùn tắc giao thông”.

 

Anh cũng cho biết thêm, có tới 4 CSGT và 8 thanh niên tình nguyện điều hành giao thông ở hai điểm này mỗi ngày nhưng tình trạng tắc đường vẫn là bất khả kháng.

 

Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và nhà thầu

 

Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó trưởng Ban Thanh tra giao thông công chính Hà Nội, cho biết: Ðể xảy ra tình trạng ùn tắc tại khu vực này là trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu thi công dự án.

 

Văn bản số 1055/GTÐT ngày 31/5 về việc thống nhất phương án phân luồng giao thông khi thông xe cầu vượt nút giao thông Ngã Tư Sở đã được nhà thầu, chủ đầu tư dự án và các lực lượng chức năng như Sở Giao thông công chính, Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông công chính thông qua.

 

Trong đó ghi rõ: Chủ đầu tư và nhà thầu có trách nhiệm cắm biển báo giao thông (kể cả việc tháo các biển hướng dẫn giao thông không còn phù hợp), hoàn chỉnh hệ thống sơn kẻ đường phù hợp với phương án phân luồng. Hoàn chỉnh hệ thống dải phân cách hai đầu cầu vượt. Có trách nhiệm duy tu, duy trì mặt đường êm thuận tại khu vực nút Ngã Tư Sở, đặc biệt là đoạn gầm cầu vượt, thu dọn toàn bộ  vật tư, phế thải tại khu vực nút để bảo đảm an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

 

Vậy mà đến nay, phần lớn các việc trên chưa được hoàn thành. Cụ thể, về công tác tổ chức giao thông, thiếu hai biển cấm ngược chiều tại các vị trí nút gầm cầu vượt. Mặt đường Trường Chinh đoạn từ trung tâm nút đến phố Lê Trọng Tấn bị lún, nứt, tạo thành những ổ gà, đọng nước, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

 

Ðoạn đường dọc theo thành cầu vượt trên đường Tây Sơn, Nguyễn Trãi, sau khi dỡ bỏ hàng rào thi công đã để lại một đoạn đường trũng sâu, mà đến nay vẫn chưa được khắc phục. Dưới chân cầu vượt, hàng đống đất đá, phế thải xây dựng bị đào xới từ bao giờ vẫn chưa được thu dọn…

 

Ðể dân khổ vì sợ tốn kém?

 

Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội Nguyễn Văn Khay cho biết: Việc xảy ra ùn tắc giao thông trên tuyến đường nằm trong khu vực nút giao thông có lưu lượng phương tiện lớn như Ngã Tư Sở, trong thời điểm vừa thi công, vừa tổ chức giao thông là điều tất yếu.

 

Ðể giải quyết tình trạng này, theo ông Khay, là cần tăng cường công tác điều hành và tổ chức giao thông, đồng thời yêu cầu nhà thầu sớm thảm lại mặt đường.

 

Chiều 14/6, chúng tôi có cuộc trao đổi ý kiến với đại diện đơn vị thi công, nhà thầu Liên danh Sumitomo-Mitsui-Vinaconex. Trưởng ban điều hành dự án nút Ngã Tư Sở  Nguyễn Tuấn Anh cho biết, nhà thầu đã tiến hành khắc phục các tồn tại tại khu vực nút như: cắm các biển báo cần thiết, bù phủ các ổ gà trên đường Trường Chinh... Theo lời anh Tuấn Anh thì mọi việc xem ra đã ổn cả.

 

Ðể kiểm chứng cho những thông tin vừa được tiếp nhận, 16 giờ 30 phút cùng ngày, chúng tôi tiếp tục có mặt tại khu vực nút Ngã Tư Sở và nhận thấy, các tồn tại còn lại trên mặt đường Trường Chinh và đường Tây Sơn đều chưa được khắc phục.

 

Giải thích cho tình trạng này, anh Tuấn Anh cho biết: Chủ đầu tư và  nhà thầu đang đợi các cơ quan chức năng của thành phố thông qua phương án phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông để thi công các hạng mục còn lại như mở rộng mặt bằng nút, xây dựng đường hầm dành cho người đi bộ tại nút. Vì vậy, nhà thầu không thực hiện thảm lại mặt đường khu vực này, vì làm như vậy rất tốn kém.

 

Phó trưởng Ban Thanh tra Giao thông công chính Hà Nội Hoàng Văn Mạnh, cho biết: Ban Thanh tra vừa nhận được phương án tổ chức thi công nút giao thông Ngã Tư Sở do nhà thầu trình thông qua. Tuy nhiên, quan điểm của Ban Thanh tra là chừng nào nhà thầu khắc phục xong các tồn tại trong công tác tổ chức giao thông tại nút thì mới thông qua phương án phân luồng giao thông phục vụ việc thi công giai đoạn hai. Ông Mạnh cũng cho biết thêm, chi phí hoàn trả mặt đường đã nằm trong dự toán công trình.

 

Chỉ còn ít ngày nữa, kỳ thi tuyển sinh đại học sẽ diễn ra. Số lượng  người và phương tiện đi qua nút giao thông Ngã Tư Sở chắc chắn sẽ tăng đột biến. Không biết đến lúc đó, Ngã Tư Sở còn “khổ” đến đâu?!

 

Theo Kiều Hương

Nhân Dân